“Gót chân Asin” của Không quân Trung Quốc (PLAAF) được chuyên gia phân tích quân sự đánh giá là thiếu kinh nghiệm thực tế trong cả tác chiến và hoạt động được triển khai ở xa biên giới.
Trung Quốc có khoảng hơn 3.000 máy bay quân sự các loại.
Mục tiêu cuối cùng của Không quân Trung Quốc chính là thống trị bầu trời. Với khoảng hơn 3.000 máy bay quân sự các loại và quân số lên tới 400.000 người, Không quân Trung Quốc được coi là một trong những lực lượng không quân lớn nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, quy mô này lại không tương xứng với khả năng tác chiến thực tế bởi vẫn còn nhiều hạn chế mà lực lượng này cần phải khắc phục, theo tờ The Diplomat.
Giáo sư Robert Farley, giảng viên cấp cao của viện Ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson trực thuộc đại học Kentucky – Mỹ, cho rằng Không quân Trung Quốc thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Cho tới nay, Bắc Kinh đã làm tốt nhiệm vụ quốc phòng tại khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lợi ích và trách nhiệm của Trung Quốc ngày càng tăng thì lực lượng không quân nước này cần phải tăng cường khả năng cần thiết để điều động nhân lực và chiến đấu cơ tới những khu vực xa xôi hơn, trong thời gian dài hơn, Giáo sư nhận định.
Vừa qua, bản báo cáo của Công ty nghiên cứu RAND đã chỉ ra những vấn đề mà Không quân Trung Quốc phải đối mặt cũng như những nỗ lực họ cần phải thực hiện để khắc phục tình trạng đó.
Báo cáo cho thấy sự mở rộng các hoạt động trên tầm quốc tế của PLAAF nhằm tích lũy kinh nghiệm cũng như tăng cường triển khai chiến dịch ở trong nước liên quan tới việc sử dụng các phương tiện vận tải tầm xa.
Báo cáo của RAND kết luận, dù Không quân Trung Quốc tăng khả năng viễn chinh nhưng vị trí của lực lượng này vẫn thua kém Không quân Mỹ và các đơn vị tương tự của các quốc gia châu Âu.
Theo đó, năng lực viễn chính của Trung Quốc cải thiện đáng kể khi Bắc Kinh đưa các máy bay vận tải hạng nặng thế hệ mới vào biên chế, phục vụ quá trình vận chuyển trang thiết bị, khí tài quân sự và nhân sự cần thiết cho các chiến dịch dài ngày ở tầm xa.
Hơn nữa, Bắc Kinh cũng tích cực tham gia những đợt diễn tập quân sự và diễu binh mang tầm quốc tế, đặt nền móng cho quá trình triển khai quân dài hạn.
Đặc biệt, Trung Quốc đã bắt đầu nhận thức được về những thiếu sót của không quân nước này qua các hoạt động viện trợ nhân đạo trong nước và đang từng bước khắc phục.
Đối lập với trường hợp của Trung Quốc, Mỹ hiện đã có gần 1 thế kỷ kinh nghiệm triển khai, điều động sức mạnh quân sự tại nước ngoài nếu như tính cả cuộc xâm lược của Mỹ tại Philippines và trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Còn trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Không quân Mỹ định kỳ điều động quân tới những căn cứ nằm trên khắp thế giới để duy trì năng lực hạt nhân, tham gia các cuộc chiến có giới hạn và chống khủng bố. Trung Quốc sẽ rất khó để đạt được những trình độ tương tự, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn tới.
Dẫu vậy, việc Trung Quốc thúc đẩy quá trình bán vũ khí ra nước ngoài cũng có tác dụng cải thiện khả năng viễn chinh. Quá trình chuyển giao vũ khí luôn luôn yêu cầu điều động nhân sự của Trung Quốc tới quốc gia đối tác để đào tạo, hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng, đặc biệt đối với những hệ thống tối tân, phức tạp.
Điều đó có nghĩa là nhân sự Trung Quốc sẽ tích lũy kinh nghiệm giao tiếp và làm việc với các sĩ quan nước ngoài, đồng thời nắm bắt được tình hình phát triển của các cơ sở quân sự và trau dồi ngôn ngữ của các đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, Trung Quốc còn vừa xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài, mà ở đây là Pakistan và Cộng hòa Djibouti. Điều đó chắc chắn có lợi cho các hoạt động của Không quân Trung Quốc trong triển khai lực lượng viễn chinh.
Trong bối cảnh lợi ích kinh tế của Trung Quốc gia tăng trên phạm vi toàn cầu thì người dân Trung Quốc cũng như tài sản của quốc gia có thể phải đối mặt với những nguy cơ từ chiến tranh, bệnh dịch hay thiên tai.
Một lực lượng không quân có khả năng viễn chinh sẽ phát huy hiệu quả với công tác cứu trợ nhân đạo trong trường hợp đó, đồng thời cũng là công cụ để Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị.