Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luậnNhững triển vọng và giới hạn trong quan hệ kinh tế Nga-Trung...

Những triển vọng và giới hạn trong quan hệ kinh tế Nga-Trung (Kỳ 1)

Kể từ thời điểm ký kết Hiệp ước hợp tác hữu nghị và láng giềng thân thiện giữa Nga và Trung Quốc đến nay, 2 nước đã đạt được thành công đáng kể trong hợp tác chiến lược, đáng chú ý là trong lĩnh vực an ninh khi các tương tác quân sự-chính trị và quân sự-kỹ thuật của 2 nước đã được tăng cường… Tuy nhiên, tình trạng tổng thể của quan hệ giữa 2 nước hiện tại theo công thức “chính trị nóng, kinh tế lạnh”.

Mối quan hệ Nga – Trung qua cái bắt tay của 2 người đứng đầu

Mối quan hệ này từ lâu đã được nhận biết bởi khoảng cách đáng kể giữa mức độ hợp tác chính trị và quy mô hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa hai bên. Quả thật, trong giai đoạn 2001-2016, thương mại song phương đã gia tăng đáng kể, nhưng vẫn dựa trên các lĩnh vực của “nền kinh tế cũ” (năng lượng và công nghiệp nặng). Các hướng đi mới trong hợp tác chỉ được xác định trong giai đoạn gần đây nhất, chủ yếu nhờ sự thay đổi về cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc, nơi người tiêu dùng đô thị đang dần trở thành lực lượng mới thúc đẩy tăng trưởng. Trong số những hướng đi mới này có thương mại điện tử xuyên biên giới, sản xuất thương mại trong liên hợp công-nông nghiệp, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính và mở rộng việc sử dụng các đồng tiền quốc gia trong thanh toán giữa 2 nước. Điều này đã dẫn tới thay đổi nào đó trong cấu trúc thương mại song phương và mang lại hy vọng rằng sự liên kết kinh tế có thể phát triển không chỉ trong ngành năng lượng, mà còn trong các lĩnh vực như đầu tư, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải và điện năng. 

Tuy nhiên, những thành phần chính của các lực lượng đem lại thành quả gần đây từ phía Nga vẫn là các lực lượng truyền thống thuộc lĩnh vực tài nguyên của nền kinh tế, được sử dụng để đền bù cho sự sụt giảm thu nhập từ xuất khẩu ở các thị trường châu Âu. Trong số này có các dự án lớn nhất ở miền Viễn Đông của Nga, với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng xuất khẩu quan trọng (các đường ống dẫn dầu và khí đốt, đường sắt vào các cảng biển và việc xây dựng lại cảng, và các mỏ than mới ở đây cũng như ở Đông Siberia). Tác giả bài viết cũng xếp vào loại này các biện pháp mới mang tính thể chế nhằm hỗ trợ cho sự hợp tác đầu tư liên vùng ở các vùng Viễn Đông Nga với mục tiêu mở rộng sự hợp tác với Trung Quốc và thu hút đầu tư, trong đó có các ngành mang nặng tính đổi mới. 

Bất chấp tầm quan trọng của những đổi mới mang tính thể chế ở vùng Viễn Đông Nga nhằm theo đuổi việc loại bỏ những sự khác biệt về môi trường kinh doanh và mức độ hấp dẫn đầu tư giữa các tỉnh của Nga và Trung Quốc, phần lớn sự hợp tác kinh tế Nga-Trung vẫn được quyết định bởi các công ty nhà nước lớn giống như trước đây. Chỗ dựa chính trong hợp tác song phương là các “siêu dự án quan trọng” mang tính truyền thống trong ngành năng lượng, liên hợp quân sự-công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn,… Những bên tham gia chính trong hợp tác song phương là các công ty lớn, chủ yếu là công ty nhà nước, và các bộ, cục tương ứng. Ở cấp độ này Nga và Trung Quốc đã thu được kinh nghiệm hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ thân thiện giữa các nhà lãnh đạo của hai nước, đơn giản hóa tiến trình ra quyết định ở cấp cao nhất. Khi xét đến những đặc trưng kinh tế và chính trị của mỗi nước, sự hợp tác ở cấp chính trị cao nhất và giữa các công ty lớn đang đạt tới các thỏa thuận cụ thể có khả năng nhất sẽ vẫn là cơ sở của quan hệ đối tác song phương. 

Động lực kinh tế song phương, đặc biệt là tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng về tài chính của miền Viễn Đông Nga, phụ thuộc đáng kể vào việc nuôi dưỡng một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác với nhau trong sản xuất và dịch vụ. Thông thường, các điều kiện hợp tác đối với các doanh nghiệp này khác biệt đáng kể so với các điều kiện mà trong đó những tiếp xúc giữa các công ty lớn đã phát triển. Bất chấp các nỗ lực nhằm khích lệ các nhà đầu tư ở miền Viễn Đông Nga thông qua các vùng lãnh thổ đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội (TOR), mà ở đó các quy chế hành chính được nới lỏng và có các ưu tiên về thuế và thuế quan cho phép có sự tăng trưởng thực sự trong quy mô hợp tác Nga-Trung ở cấp độ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay đổi vẫn đang diễn ra một cách chậm chạp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nga và Trung Quốc như vậy lưu ý về sự kém hiệu quả của thông tin chất lượng cao về điều kiện kinh doanh ở đất nước của nhau, đặc biệt là về pháp luật địa phương. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải các rào cản hành chính thường xuyên hơn so với các công ty nhà nước lớn. 

Thương mại hai chiều 

Do tình trạng kém phát triển của các hình thức hợp tác kinh tế phức tạp hơn, thương mại song phương vẫn là hình thức hợp tác kinh tế hàng đầu. Sau sự sụt giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng năm 2009, doanh thu thương mại đã tăng nhanh chóng trong giai đoạn 2010-2012, đạt 90 tỷ USD. Mức độ này được duy trì trong năm 2013, và đến năm 2014, nó đã đạt mục tiêu 100 tỷ USD được các nhà lãnh đạo hai nước đặt ra. Tuy nhiên, vào năm 2015, đã có sự sụt giảm nghiêm trọng thứ hai trong thập kỷ qua, xuống mức 68 tỷ USD. 

Trong những năm trước đó, đã có thể thấy rõ một loạt vấn đề can thiệp vào sự phát triển của thương mại song phương. Thứ nhất, cấu trúc thương mại thay đổi không đồng đều, khi các điều kiện như sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và việc mở rộng các ngành sản xuất thép và công nghiệp hóa chất của nước này dẫn tới sự sụt giảm về cầu đối với hàng xuất khẩu truyền thống từ Nga và khiến cho Nga phụ thuộc một cách quyết định hơn nữa vào dầu mỏ và giá dầu. Bắt đầu từ năm 2013, nhiên liệu thô – dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ – chiếm hơn 2/3 giá trị xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc, và các tài nguyên thiên nhiên chiếm hơn 80% trong năm 2013-2014. Trái lại, gần đây, trong nhập khẩu từ Trung Quốc vào Nga, các mặt hàng có giá trị gia tăng lớn đã chiếm ưu thế: máy móc và thiết bị (không giảm xuống dưới 30% kể từ năm 2007 trước khủng hoảng), các sản phẩm công nghiệp hóa chất và công nghiệp nhẹ (lần lượt là hơn 8% và 20% giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2013-2014). Do nhịp độ gia tăng không cân bằng của hàng xuất khẩu đến và nhập khẩu từ Trung Quốc của Nga trong năm 2013, cũng như do giá dầu thế giới giảm trong năm 2014, cán cân thương mại mang giá trị âm đã xuất hiện trở lại. Theo ý kiến của các chuyên gia Nga và Trung Quốc, thay đổi chậm chạp trong thương mại giai đoạn 2015-2016 là do một loạt yếu tố khách quan, mà lần đầu tiên xuất hiện trong năm 2014, và toàn bộ tác động chậm trễ của nó đã được chứng kiến trong năm 2015. 

Các yếu tố này bao gồm: thứ nhất, căng thẳng địa chính trị nói chung, bị làm phức tạp thêm bởi tình hình ở Ukraine, việc các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga, sự sa sút của mô hình thương mại thế giới, trong đó có cầu giảm ở các thị trường nước ngoài, tính không ổn định của thị trường tài chính toàn cầu, và các vấn đề về nợ ở Khu vực đồng euro và Mỹ; thứ hai, tình hình tăng trưởng kinh tế chậm lại ở cả Nga lẫn Trung Quốc; thứ ba, sự sụt giảm giá năng lượng và nguyên liệu thô trên toàn thế giới; thứ tư, sự sụt giảm khả năng mua các sản phẩm của Trung Quốc ở Nga do đồng ruble sụt giá; và thứ năm, áp lực với cường độ ngày càng gia tăng bắt đầu từ năm 2014 do xu hướng đi xuống của ngoại thương Trung Quốc, mà trong năm 2015 đã giảm 8% xuống 3,959 tỷ USD – trong đó xuất khẩu giảm 2,8% xuống 2,277 tỷ USD và nhập khẩu giảm 14,1% xuống 1,682 tỷ USD. Có thể nhận thấy các động lực tiêu cực trong thương mại với cả các đối tác khác của Trung Quốc, chẳng hạn, thương mại với EU đã giảm 8,2%, với ASEAN giảm 1,7% và với Nhật Bản giảm 10,8%, trong khi đó, người ta nhận thấy có sự gia tăng 0,6% trong thương mại với Mỹ. Sau khi giá dầu sụp đổ, đồng ruble đã yếu đi rõ rệt (hơn 50% so với đồng USD), khiến cho sự sụt giảm giá trị xuất khẩu năng lượng phần nào được đền bù bởi tính cạnh tranh gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga. 
Năm 2015, Nga đã gia tăng đáng kể xuất khẩu ngũ cốc vào thị trường Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc chỉ nhập khẩu gạo và lúa mì chất lượng cao với khối lượng nhỏ, nhưng giờ đây nước này cần ngô, lúa mì, lúa mạch, gạo và đậu nành. Có một sự gia tăng nhanh chóng nguồn cung các loại kẹo, socola, dầu hướng dương, bia và các loại thực phẩm khác của Nga. Hơn nữa, Nga đã thành công trong việc gia tăng tỷ lệ máy móc và thiết bị trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc từ 1% lên 2%. Ngành dịch vụ của Nga, và trên hết là du lịch từ Trung Quốc, đã trở nên hấp dẫn hơn. Đồng thời, Nga đã cắt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc ngoại trừ rau củ (tăng 4,2%) và quả (tăng 5,9%), vốn thay thế cho các sản phẩm biến mất do các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, nhìn chung, cơ cấu nhập khẩu từ Trung Quốc hầu như được giữ nguyên. 

Cuộc khủng hoảng này dù không sâu sắc hơn nhưng hóa ra kéo dài hơn cuộc khủng hoảng trước đó vào năm 2009 mà đã tạo ra một cú sốc sụt giảm rồi sau đó là sự hồi phục nhanh chóng đến mức tới năm 2010 đã vượt qua mức độ trước khủng hoảng. Giờ đây, các điều kiện cho sự hồi phục nhanh chóng là không rõ ràng; mức độ thương mại năm 2016 chỉ tăng 2,2%. Mặc dù vậy, người ta cũng nhận thấy động lực tích cực trong nửa đầu năm 2017. Theo số liệu thuế quan của Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 6/2017, thương mại tăng 25,7% lên 39,778 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Nga tăng 29,3% lên 20,336 tỷ USD và nhập khẩu tăng 22,2% lên 19,442 tỷ USD. Nga đã từ vị trí thứ 14 leo lên vị trí thứ 12 trong số các đối tác thương mại của Trung Quốc vào nửa đầu năm 2016 trong giai đoạn thương mại của Trung Quốc với nhiều đối tác then chốt của nước này giảm sút và sự phục hồi chậm hơn của nước này. 
Trong khi tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc trong giai đoạn nửa năm này đã tăng 10% (nhập khẩu tăng 18,9%), thương mại Nga-Trung tăng trưởng nhanh hơn, chủ yếu do xu hướng của các thị trường toàn cầu đối với nguyên liệu thô, trong đó có dầu mỏ. Nhiên liệu thô, dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ chiếm 66% xuất khẩu của Nga, khi mà 1 năm trước đó con số này là 54,5%. Khối lượng vật chất của dầu mỏ xuất khẩu đã tăng 11,3%, nhưng do giá tăng nên giá trị tăng 51%, lên 11,54 tỷ USD. Tổng cộng, các nguồn năng lượng, trong đó có than đá, nhiên liệu diesel và khí nén, cũng gia tăng tương tự. Cũng có sự tăng trưởng trong xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm (4,1%), các sản phẩm máy móc-kỹ thuật (8,5%), các sản phẩm gỗ (21%), các sản phẩm từ cá (17%) và các sản phẩm hóa chất (86%). 
Theo các nhà phân tích ở Nga và Trung Quốc, lý do chính dẫn tới sự gia tăng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Nga là sự tăng giá đồng ruble và giảm giá đồng nhân dân tệ. Hàng hóa Trung Quốc trở nên dễ tiếp cận hơn. Có sự gia tăng nhanh chóng trong thương mại điện tử, đem lại một sự khích lệ bổ sung. Năm 2016, Nga xếp thứ 4 về khối lượng xuất khẩu các sản phẩm Trung Quốc qua mạng. Hầu như không gặt hái được kết quả gì nếu trông đợi vào sự thay đổi nhanh chóng trong cấu trúc thương mại song phương, ngay cả khi đã có sự gia tăng nhất quán đáng kể trong khối lượng thương mại trong ngành công nghiệp, công nghệ và hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao trong giai đoạn 2016-2017. Đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Nga, những sự gia tăng hơn nữa có thể phụ thuộc vào chế độ trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Năm 2016, các sản phẩm máy móc-kỹ thuật đã tăng từ 2,04% lên 2,73% kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Do các dự án chung đã được hiện thực hóa và lên kế hoạch trong ngành năng lượng nguyên tử (thi công lò phản ứng hạt nhân Điền Loan thứ hai, cung cấp nhiên liệu nguyên tử cho lò phản ứng thứ nhất và cho một lò phản ứng neutron nhanh thử nghiệm của Trung Quốc, thi công một lò phản ứng neutron nhanh và một nhà máy điện hạt nhân nổi, và cung cấp urani được làm giàu và các chất đồng vị), người ta có thể cho là sẽ có sự gia tăng hơn nữa xuất khẩu công nghệ cao của Nga. Ngoài ra, có sự hứa hẹn về sự gia tăng xuất khẩu các “thiết bị bay” do đã đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao công nghệ trực thăng và hoàn tất các dự án chế tạo một máy bay trực thăng dân sự hạng nặng và một máy bay thân rộng đường dài. Máy bay đường trung “Sukhoi Superjet 100” của Nga có thể được đưa vào thị trường Trung Quốc. Đang được xem xét là chương trình hợp tác giữa các khu vực miền Viễn Đông Nga và các tỉnh miền Đông Bắc Trung Quốc trong việc thi công 19 công trình chung Nga-Trung lớn để sản xuất các sản phẩm gỗ, mà sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. 

Mặc dù nhiệm vụ đạt kim ngạch 200 tỷ USD trong thương mại vào năm 2020, vốn được ban lãnh đạo 2 nước chính thức đặt ra, vẫn chưa được loại bỏ khỏi nghị trình, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán tốc độ tăng trưởng về thương mại trong trung hạn sẽ ở mức khiêm tốn. Ở mức độ đáng kể, việc hiện thực hóa các mục tiêu được chỉ định phụ thuộc vào những sự gia tăng trong cung ứng dầu mỏ và khí đốt từ Nga tới Trung Quốc cũng như vào động lực của giá cả các tài nguyên năng lượng trên thế giới. Ngoài dầu mỏ và khí đốt, còn tồn tại khả năng mở rộng thương mại song phương đối với các nguồn tài nguyên năng lượng thông qua việc tăng cường cung ứng than đá của Nga tới Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu điện năng (bao gồm việc cùng thi công các trạm thủy điện lớn ở phía Nam Siberia). 

Củng cố và phát triển hợp tác thương mại giả định là việc giải quyết một vài vấn đề then chốt. Thứ nhất, điều cần thiết là chỉ rõ một cách chính xác hơn các điều kiện thương mại song phương đối với hàng hóa và dịch vụ. Các khu vực thương mại tự do có thể cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường Trung Quốc cho ngành sản xuất của Nga. Hiện nay, Trung Quốc có khu vực thương mại tự do dưới nhiều hình thức với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi gần 40% ngoại thương của nước này đi qua. Nga không nằm trong số đó. Một khu vực thương mại tự do trước hết đồng nghĩa với thuế quan có lợi cho cả đôi bên đối với sự di chuyển của hàng hóa. Khi xét đến nhân tố nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, sự cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc sẽ gay gắt, trong đó mỗi phần trăm tiền thuế quan đều quan trọng. Trên thực tế, điều này đã và đang xảy ra. Than đá do Nga cung ứng cho Trung Quốc bị áp đặt thuế quan, nhưng than đá từ Australia và Indonesia thì không. Năm 2015, Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận để bắt đầu các cuộc đàm phán về việc hợp tác, mà một điểm trong đó nên là việc đề xuất thiết lập một “khu vực thương mại tự do EEU-Trung Quốc”. Dự án này sẽ cụ thể hóa các nội dung hợp tác trong phần về Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa (SREB), củng cố tiềm năng hội nhập của EEU và đồng thời nâng tầm quan trọng của tổ chức này trong mắt các đối tác Trung Quốc. 

Thứ hai, cần loại bỏ các rào cản can thiệp vào sự hợp tác thương mại và đầu tư ở miền Viễn Đông Nga. Xét đến việc chỉ có hơn 6 triệu dân sinh sống trong toàn bộ khu vực này, theo cách hiểu của Trung Quốc, đây là quy mô của một “đô thị loại 2”. Đồng thời, các nguồn tài nguyên khoáng sản hữu ích được tập trung trong khu vực này. Trong bối cảnh quy mô nhỏ của thị trường trong nước và khoảng cách tới phần thuộc châu Âu của Nga, người ta không thể trông cậy vào các khoản đầu tư lớn trong các lĩnh vực chế biến. Việc khai thác và chế biến nguyên liệu thô, các tài nguyên sinh học biển, việc phát triển các hành lang vận tải và nông nghiệp có thể thu hút sự quan tâm của các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với những điều trên, việc sở hữu cơ sở hạ tầng liên thành phố phát triển là cốt yếu. Hiện nay, trên biên giới Nga-Trung thậm chí không có dù chỉ một cây cầu bắc qua các sông Amur và Ussuri. 2 dự án – những cây cầu nối liền Đông Giang với Nizhne-Leninskoe (vùng tự trị Do Thái) và Hắc Hà với Blagoveshchensk (vùng Amurskaia) – vẫn chưa được hoàn thiện, bất chấp các thỏa thuận liên chính phủ tương ứng vào năm 2007 và 1994. 
Thứ ba, khi xét đến việc thị trường năng lượng từ lâu đã là một thị trường người mua bất chấp mọi sự biến động của giá dầu mỏ và khí đốt, Nga phải đáp ứng đầy đủ và kịp thời các nghĩa vụ trong hợp đồng khí đốt năm 2014 và bắt đầu vận chuyển khí đốt cho Trung Quốc vào năm 2018. Tới một mức độ lớn, khoảng thời gian 2-3 năm sắp tới sẽ mang tính quyết định theo quan điểm về góc nhìn dài hạn của sự hợp tác kinh tế Nga-Trung. Không thể gạt sang một bên mối nghi ngờ rằng nó sẽ không vượt qua được một loạt khó khăn hiện nay. Tuy vậy, vẫn có thể có sự hứa hẹn hiện thực hóa hình mẫu hợp tác kinh tế mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi để 2 nền kinh tế cùng phát triển ổn định thay vì kéo dài các lực lượng của sự trì trệ, nơi các mối quan hệ kinh tế chỉ bổ trợ cho các quan hệ chính trị. Sự lựa chọn giữa các khả năng này là không rõ ràng. Cần nhớ rằng còn tồn tại một biến thể thứ ba không đáng mong muốn nhưng có thể xảy ra trên lý thuyết, khi các tình huống quân sự-chính trị chấm dứt việc hạn chế bất kỳ sự gia tăng nào về khoảng cách kinh tế giữa các quốc gia.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới