Trong bối cảnh tình hình Triều Tiên leo thang căng thẳng, báo Trung Quốc bất ngờ liệt kê ra những “điềm báo” trước mỗi cuộc tấn công của Mỹ, trong đó có hành động diễn tập quân sự.
Binh lính Mỹ trong một kỳ huấn luyện. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Báo Giải phóng quân Trung Quốc ngày 19/12 đã đăng tải bài bình luận về những “điềm báo” trước mỗi cuộc tấn công của Mỹ. Tờ này cho rằng, trước mỗi cuộc chiến lớn, Washington thường tuyên bố thất bại về mặt ngoại giao, sau đó tập tung lực lượng tác chiến, nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu và ra tối hậu thư v.v…
Cụ thể, theo báo Trung Quốc, chiến tranh là một quá trình kéo dài từ lúc manh nha tới khi bùng phát và trước mỗi cuộc chiến tranh đều có dự báo, thậm chí với những cuộc chiến tranh hiện đại mang tính bộc phát lại càng xuất hiện nhiều cảnh báo hơn.
Các “điềm báo” trước mỗi cuộc chiến của Mỹ
Tờ này đưa ra ví dụ, trước mỗi cuộc chiến, chính phủ Mỹ sẽ công khai tuyên bố rằng, loạt hành động ngoại giao như hòa giải, đàm phán… giữa hai bên chính thức thất bại, tranh chấp trở nên không thể hòa giải và về mặt lý thuyết, chỉ còn duy nhất một giải pháp quân sự.
Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo cấp cao Mỹ sẽ có sự điều động đặc sứ hoặc tần xuất công du dày đặc hay đường dây nóng hoạt động liên tục nhưng trên thực tế chính là tìm kiếm đồng minh, tiếng nói ủng hộ… khi chiến tranh bùng nổ.
“Đây là một nỗ lực để Mỹ có thể kiểm soát chiến tranh hoặc để nước này có lý do chính đáng cho động thái khai chiến”, Báo Giải phóng quân viết.
Ngoài ra, báo Trung Quốc cho hay, để chuẩn bị cho cuộc chiến, quân đội Mỹ sẽ tập trung triển khai lực lượng tiền tuyến quy mô lớn ở nước bản địa.
Từ những các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây của Mỹ có thể thấy, Lầu Năm Góc sử dụng hình thức răn đe trước khi sử dụng vũ lực và cố gắng hoàn thành tập kết lực lượng trong quá trình răn đe. Mục đích răn đe là làm giảm nhuệ khí của quân đội đối phương.
Ngoài sự chuẩn bị về vật tư chiến lược và triển khai bộ chỉ huy tiền tuyến, trước mỗi cuộc chiến, các nhóm chiến hạm Mỹ sẽ căn cứ theo yêu cầu tập kết để tới nơi tác chiến. Theo báo này, ví dụ trước cuộc chiến ở Iraq, quân đội Mỹ đã điều động sáu tàu chiến và bốn tàu tấn công đổ bộ tới Iraq.
Thống kê cho thấy, mức độ sẵn sàng tác chiến của quân đội Mỹ được chia làm năm cấp. Trong đó, cấp một – cấp cao nhất là trạng thái trước cuộc chiến, cấp hai là triển khai sức mạnh theo kế hoạch, cấp ba là quân đội chuyển sang trạng thái chờ mệnh lệnh, cấp bốn là tăng cường công tác tình báo và các biện pháp an ninh, cấp năm là trạng thái huấn luyện bình thường.
Báo Giải phóng quân Trung Quốc nhận định, nâng cao mức độ sẵn sàng chiến đấu cũng là “điềm báo” trước các cuộc chiến tranh của Mỹ ở nước ngoài.
Trước khi chiến đấu, quân đội Mỹ sẽ điều chỉnh và tăng cường bố trí sức mạnh không gian như phóng một vệ tinh khẩn cấp, thuê vệ tinh thương mại, điều chỉnh quỹ đạo vệ tinh, tăng cường sự hiện diện sức mạnh không gian tại khu vực tác chiến.
Ngoài ra tăng cường mật độ của các vệ tinh do thám, máy bay trinh sát, máy bay cảnh báo sớm của quân đội Mỹ cũng tăng đáng kể, lực lượng đặc nhiệm bí mật thâm nhập, thu thập thông tin tình báo của các mục tiêu.
Báo Trung Quốc bình luận: “Diễn tập quân sự thường được xem là điềm báo trước cuộc chiến và rất nhiều trận chiến đều do diễn tập trực tiếp phát triển thành chiến tranh”.
Tờ này chỉ ra, trước khi Mỹ tập kích Libya vào năm 1986, hải quân Mỹ đã tập trung nhiều chiến hạm diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển ngoài khơi Libya nhưng trên thực tế mục đích của hai cuộc diễn tập này chính là phát động chiến tranh.
Báo Giải phóng quân Trung Quốc cho biết, Tổng thống và Quốc hội Mỹ đều có quyền hạn về phát động chiến tranh, điều mấu chốt trong hành động tác chiến ở nước ngoài chính là quyền sử dụng vũ lực quân sự.
Sau khi được cấp quyền này, Nhà Trắng sẽ bằng cách tuyên bố công khai hoặc kênh ngoại giao ra tối hậu thư với đối phương, yêu cầu đối phương chấp nhận, thực hiện các điều kiện trong một thời gian nhất định, nếu không sẽ bị tăng lệnh trừng phạt, thậm chí là “cảnh cáo” quân sự.
Tờ này nhận định: “Sau khi các chính sách răn đe thất bại, Mỹ có thể “ngừng công kích” đối phương do những điều kiện khách quan thay đổi nhưng cũng chính lúc thế giới nhận thấy màn công kích của Mỹ dần lắng xuống cũng chính là lúc Washington bất ngờ phát động chiến tranh”.
Đáng chú ý, theo giới phân tích, bài viết của Báo Giải phóng quân Trung Quốc được đăng tải trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang căng thẳng.
Thời gian gần đây, Mỹ liên tục điều các nhóm tàu chiến, tàu sân bay như USS Ronald Reagan hay lượng lớn máy bay ném bom H-6K hoặc tiêm kích F-35 tới bán đảo Triều Tiên tập trận quy mô lớn cùng hai đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, một động thái được cho nhằm răn đe chính quyền Bình Nhưỡng trước các loạt thử tên lửa, hạt nhân.
Trong động thái mới nhất, Tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson cho biết, các nhóm tàu tác chiến của Hạm đội 3 ở Đông Thái Bình Dương có thể được triển khai tới Tây Thái Bình Dương để hỗ trợ Hạm đội 7.