Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng, Mỹ đang dùng Triều Tiên làm vỏ bọc để triển khai nhiều chiến hạm hơn với mục đích chính là nhằm để kiềm chế các tham vọng quân sự của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
Mỹ có ý định triển khai khoảng từ 4 đến 6 nhóm tàu sân bay đến khu vực Thái Bình Dương với lý do mối đe dọa mang tên Triều Tiên ngày càng trở nên lớn hơn và cấp thiết hơn sau vụ thử hạt nhân gần đầy của nước này, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo đảm rằng chúng tôi sẽ đáp ứng mọi nhiệm vụ của chúng tôi ở đây – khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Có thể có sự bổ sung từ Hạm đội Số Ba hoặc điều gì tương tự như thế nhằm đáp ứng mọi yêu cầu”, người phụ trách các chiến dịch của Hải quân Mỹ – Đô đốc John Richardson hôm qua (19/12) tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Richardson không cho biết cụ thể sẽ triển khai thêm bao tàu chiến và khi nào sẽ thực hiện hoạt động triển khai mới này ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Bất chấp tuyên bố trên của vị quan chức cấp cao của Mỹ, báo chí Trung Quốc cho biết, giới chuyên gia quân sự của nước này có quan điểm hoàn toàn khác về kế hoạch triển khai quân sự mới của Lầu Năm Góc.
Theo ông Song Zhongping – một nhà bình luận quân sự của Đài truyền hình Phoenix của Hồng Kông, động thái của Mỹ thực chất là nhằm mục tiêu vào sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
“Hải quân và Không quân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có nếu Mỹ tăng cường triển khai vũ khí đến khu vực Tây Thái Bình Dương bởi rất có thể Lầu Năm Góc sẽ kéo đến khu vực từ 4 đến 6 nhóm tàu sân bay tấn công”, ông Song nói.
Quan điểm của ông Song được chia sẻ bởi chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh – ông Li Jie. Ông Li cũng cho rằng, Mỹ thực chất đang muốn nhằm vào Trung Quốc bởi vì chiến lược an ninh quốc gia mới vừa được công bố của Mỹ đã coi Nga và Trung Quốc là đối thủ.
“Mỹ cảm thấy đang phải chịu áp lực khi chứng kiến Lực lượng Không quân và Hải quân Trung Quốc phát triển nhanh như vậy”, ông Li nhận định như vậy trên tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam.
Chuyên gia Li giải thích rằng, trong những tình huống bình thường, Mỹ chỉ duy trì một nhóm tàu sân bay trong khu vực nhưng họ đã phải tăng cường sự hiện diện quân sự để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng lên từ Trung Quốc.
“Chính quyền Trump nhận ra rằng, tình hình triển khai quân sự hiện nay của họ… không thể đủ để đối phó với những thách an ninh ngày càng tăng lên trong khu vực”, ông Li phân tích thêm.
Vị chuyên gia về hải quân ở Bắc Kinh cũng chỉ ra rằng, bước đi mới của Washington không bất ngờ bởi Trung Quốc sẽ sớm sở hữu hai nhóm tàu sân bay tấn công và diễn biến đó chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng tương xứng từ Mỹ.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã và đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự của nước này, đặc biệt là Hải quân. Cùng với việc củng cố sức mạnh quân sự, Trung Quốc cũng không giấu diếm tham vọng mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên.
Mỹ đương nhiên lo ngại sức mạnh ngày một gia tăng cùng tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama trước đây và đương kim Tổng thống Donald Trump hiện nay đã thể hiện một lập trường cứng rắn đối với những hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, cụ thể hơn là Biển Đông. Mỹ đang thực hiện chiến dịch “tự do hàng hải” bằng cách đưa tàu chiến Mỹ vào khu vực phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong khu vực. Mỹ cũng nhiều lần công khai thể hiện ý định triển khai thêm nhiều vũ khí chiến lược đến Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Với việc Triều Tiên ngày càng thách thức và gây lo ngại về chương trình tên lửa, hạt nhân của nước này, Mỹ càng có thêm lý do để triển khai một lực lượng hùng hậu đến các vùng biển của Châu Á.