Tuần qua có một luồng ý kiến trong quân đội Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc và Nga nên chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên. Quan điểm này không phải nhằm phát động chiến tranh mà vì mục đích phòng thủ.
Hôm 18/12 tạp chí Newsweek cho hay, trung tướng Wang Hongguang, cựu chỉ huy trưởng Quân khu Nam Kinh, phía Tây Trung Quốc, cảnh báo “chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có thể nổ ra bất cứ lúc nào từ nay đến tháng 3 năm sau”. Ông Wang đưa ra cảnh báo này tại hội nghị thường niên do Thời báo Hoàn cầu tổ chức hôm 16-12.
Ông Wang khẳng định: “Trung Quốc nên chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời huy động các quân khu ở Đông Bắc nếu điều đó xảy ra. Việc này không phải là để phát động chiến tranh mà là vì mục đích phòng thủ. Nếu chiến tranh bùng nổ, các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang sẽ có nguy cơ bị ô nhiễm hạt nhân và động đất”.
Còn theo chuyên gia quân sự, nhà bình luận Song Zhongping, Bắc Kinh có thể tấn công các lực lượng Mỹ nếu bị họ đe dọa. Cựu thành viên của Quân đoàn pháo binh thứ hai thuộc quân đội Trung Quốc trả lời Thời báo Hoàn cầu: “Bắc Kinh nên đề ra những kế hoạch dự phòng để trả đũa tất cả hành vi vi phạm chủ quyền do các lực lượng Mỹ tiến hành; triển khai vũ khí phòng thủ tên lửa đến các khu vực biên giới; chuẩn bị viện trợ nhân đạo trong trường hợp người tị nạn Triều Tiên kéo sang”.
Theo ông Song, việc Trung Quốc và Nga thực hiện cuộc tập trận tên lửa mô phỏng chung ở Bắc Kinh gần đây cho thấy nỗ lực chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông này nói: “Mục tiêu chính của các cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga là Mỹ – nước sở hữu cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình có thể đe dọa Bắc Kinh và Moscow… Họ muốn gây áp lực để Mỹ rút hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ra khỏi bán đảo Triều Tiên”.
Trong một động thái khác, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun cảnh báo Hội đồng Bảo an: Triều Tiên đang trong “giai đoạn cuối cùng” để hoàn tất chương trình vũ khí hạt nhân. Về phía Mỹ, phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson muốn Triều Tiên quay lại bàn đàm phán.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng lên tiếng khen ngợi lời phát biểu của ông Tillerson là “một dấu hiệu rất tích cực”. Tuy nhiên, sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã “đính chính” lại những gì Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố, nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng vẫn cần phải ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa trước khi bước đến bàn đàm phán.
Việc yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân sẽ chẳng bao giờ được chấp nhận. Bởi Hiến pháp Triều Tiên quy định “quốc phòng là nhiệm vụ tối cao và là vinh dự của các công dân”. Đất nước này vận hành theo chính sách quân sự trước hết, đưa các lực lượng vũ trang lên vị trí số một. Triều Tiên bao năm nay luôn dành một khoản ngân sách khổng lồ cho việc sản xuất tên lửa hạt nhân.
Mặc dù đã đứng bên bờ vực chiến tranh nhưng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đàm phán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nguy cơ chiến tranh. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Bắc Kinh, ông Tập đã nói với Tổng thống Moon rằng, mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên phải được duy trì. Chiến tranh cũng như hỗn loạn trên bán đảo Triều Tiên là điều không được phép xảy ra.
Trung Quốc và Hàn Quốc có lợi ích chung quan trọng trong việc duy trì hòa bình và Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Seoul để thúc đẩy tiến trình đối thoại cũng như ủng hộ Triều Tiên và Hàn Quốc cải thiện quan hệ, ông Tập nói thêm. Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc nhất trí với nhau rằng, một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là không thể chấp nhận, không được dung thứ. Hai nước sẽ hợp tác với nhau để trừng phạt cũng như gây sức ép lên Bình Nhưỡng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lập tức lên tiếng khen ngợi lời phát biểu của ông Tillerson, coi đây là “một dấu hiệu rất tích cực”.
Tuy nhiên, sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã “đính chính” lại những gì Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố. Người phát ngôn nhấn mạnh: Bình Nhưỡng vẫn cần phải ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa trước khi bước đến bàn đàm phán.