Saturday, April 27, 2024
Trang chủĐàm luậnTập Cận Bình đang lo sợ điều gì?

Tập Cận Bình đang lo sợ điều gì?

Trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (Đại hội XIX) ở Bắc Kinh, Chính quyền Tập Cận Bình đã siết chặt kiểm soát đối với giới luật sư, học giả, các nhà hoạt động xã hội và nghiên cứu; tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền về sự lãnh đạo sáng suốt của Tập Cận Bình, đồng thời yêu cầu các đảng viên và quan chức phải trung thành tuyệt đối với chế độ hiện nay; Chiến dịch chống tham nhũng được thực hiện nhằm loại bỏ các quan chức cấp cao không thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Tập Cận Bình. 

Quan chức ngã ngựa gần đây nhất là Tôn Chính Tài, ủy viên Bộ Chính trị và là Bí thư Trùng Khánh, ông bị cáo buộc phạm tội tham nhũng, kinh doanh tình dục và một số tội danh khác mà hầu như đồng nghiệp nào của ông cũng đều có nguy cơ dính phải. Thực tế, tội chính của Tôn Chính Tài là đã không nỗ lực ca tụng và tôn vinh Chủ tịch Tập Cận Bình ở Trùng Khánh, nơi mà đối thủ cũ của Tập Cận Bình – Bạc Hy Lai – vẫn được yêu mến hơn mặc dù đã bị lật đổ cách đây 5 năm. Vị trí của Tôn Chính Tài nhanh chóng được chuyển cho Trần Mẫn Nhĩ, một người luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Trần Mẫn Nhĩ có nhiệm vụ phải nhanh chóng xoá bỏ mọi di sản liên quan đến Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. 
Tại Đại hội XIX, Tập Cận Bình đã cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương cùng hai cơ quan cao nhất là Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị toàn những tay chân thân tín. 15 trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị là những người từng làm việc với ông từ thời ở Chiết Giang và Phúc Kiến. Thậm chí một trường hợp trong số này đã biết Tập Cận Bình từ thời ông tham gia chương trình “thanh niên xuống đường” ở Thiểm Tây thời Cách mạng Văn hoá. 10 người còn lại gồm các kỹ trị gia, một phụ nữ và hai sĩ quan quân đội. Đáng lưu ý là không một ai trong số 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị có đủ các tiêu chuẩn về chức danh và độ tuổi để có thể thách thức Tập Cận Bình, một dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo này sẽ còn tiếp tục tại nhiệm sau 2 nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư. Việc đưa tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc vào điều lệ đảng, cho thấy ngay cả khi về nghỉ, ông vẫn sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng.

Báo cáo của Tập Cận Bình tại Đại hội XIX toát lên một ý quan trọng là các phái và quan chức chính phủ sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả công việc. Tuy nhiên, hiệu quả đó được đo bằng “sự phục tùng lãnh đạo hạt nhân [ám chỉ Tập Cận Bình], trung thành với lãnh đạo Trung ương Đảng [Tập Cận Bình]” và “tuân theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương [vẫn là Tập Cận Bình]”. Tập Cận Bình còn định nghĩa “một chính quyền do những người thực sự có tài nắm giữ” chính là một “chế độ dân chủ”. Kết quả là trong các cuộc họp nhóm tại Đại hội, các quan chức ai nấy đều đua nhau tung hô và ca tụng sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. 

Tại sao Tập Cận Bình chú trọng tập quyền và sự phục tùng toàn diện như vậy? Ông từng tuyên bố rằng Trung Quốc đang đứng trước ngưỡng cửa đạt được giấc mơ lớn của dân tộc. Nhưng những hành động thực tế lại cho thấy sức mạnh hiện nay của Tập Cận Bình đang được xây dựng dựa trên chính sự lo lắng của ông. Đích thân Tập Cận Bình cũng đã nêu trong bài phát biểu của mình: “Triển vọng sáng sủa nhưng thách thức rất nghiêm trọng”. 

Thách thức đầu tiên là làn sóng chống lại sự nổi lên của Trung Quốc mà Bắc Kinh

Cách đây 10 năm khi mới chỉ là một ứng cử viên kế nhiệm và chưa lên làm Tổng Bí thư, Tập Cận Bình đã đưa ra giả thuyết về “quan hệ nước lớn kiểu mới” với hy vọng sẽ thuyết phục các nhà hoạch định chính sách Mỹ chấp nhận những gì mà Trung Quốc gọi là “lợi ích cốt lõi”. Nhưng dưới thời Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Washington đã theo đuổi chính sách “xoay trục sang châu Á” với việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khôi phục các liên minh quân sự trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác châu Á không phải là đồng minh chính thức của Mỹ. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các chính sách này nhằm kiềm chế sức mạnh của họ và duy trì sự thống trị của Mỹ. 

Chiến thắng của Donald Trump vô hình chung đã giúp Trung Quốc giải toả phần nào áp lực từ Mỹ. Ông rút khỏi TPP, làm lung lay lòng tin của các đồng minh về vai trò đảm bảo an ninh của Mỹ và vô tình hỗ trợ Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình. Nhưng là những nhà Marxist cấp tiến, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng lợi ích tập thể quan trọng hơn lợi ích cá nhân. Sớm hay muộn và bằng cách nào đó, dù có Trump hay không, nước Mỹ cũng sẽ tìm cách ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc. Trong mắt họ, những thập kỷ cuối cùng trước khi có thể trở thành một nước Trung Hoa vĩ đại (một mục tiêu được Tập Cận Bình ấn định vào năm 2049) sẽ đặc biệt nguy hiểm. Thậm chí hiện nay, một số nhà phân tích Trung Quốc coi việc Mỹ áp dụng chính sách sai lầm với Triều Tiên – tạo khủng hoảng và đe dọa chiến tranh thay vì hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy đàm phán – là thuyết âm mưu của Washington. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, theo lối suy diễn của họ, là nhằm buộc Trung Quốc phải từ bỏ chiến lược sử dụng lá bài Triều Tiên để chống lại Mỹ và thúc đẩy các đồng minh ở châu Á nâng cấp vũ khí, thậm chí có thể mua sắm vũ khí hạt nhân. 

Với những lo lắng như vậy, Tập Cận Bình đã nhắc đi nhắc lại trong bài phát biểu của mình về sự cần thiết phải thực hiện chiến lược “ngoại giao nước lớn mang đặc trưng Trung Quốc để thúc đẩy mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới và xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh của toàn nhân loại”.  Nói cách khác, Trung Quốc cần tiếp tục cố gắng để Washington chấp nhận sự nổi lên của họ một cách hoà bình càng lâu càng tốt. 

Thách thức lớn thứ hai đối với chế độ Tập Cận Bình là yếu tố nội bộ. Trong bài phát biểu tại Đại hội, Tập Cận Bình đã thừa nhận “những gì chúng ta đang đối mặt hiện nay là mâu thuẫn giữa sự phát triển thiếu cân đối và không đầy đủ với nhu cầu ngày càng cao của người dân về cuộc sống tốt đẹp hơn”. Ông đề cập đến cuộc cách mạng nhằm mang lại những điều kiện tốt hơn – như giá nhà phải chăng, nâng cao an toàn sản phẩm và tăng chất lượng dịch vụ công – cho tầng lớp trung lưu đang ngày càng nở rộ ở Trung Quốc. Cuộc cách mạng này sẽ kéo chậm lại  tốc độ tăng trưởng kinh tế và đòi hỏi phải có những cải cách khó khăn để giải phóng nợ cho các chính quyền địa phương, cơ cấu nợ ngân hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và tái tạo nền kinh tế năng lượng của Trung Quốc. 

Đã có nhiều nước trải qua áp lực và căng thẳng nội bộ nhưng không dẫn đến sụp đổ chế độ. Tuy nhiên ở Trung Quốc, chỉ một tiếng nói phản kháng cũng bị coi là một mối đe dọa hiện hữu đối với đảng cầm quyền. Điều này được thể hiện rõ trong việc Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng dập tắt những biểu hiện phẫn nộ của công chúng liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại một trường mầm non ở Bắc Kinh gần đây. Cần phải dập tắt những biểu hiện giận dữ trước khi chúng lan truyền bởi vì, như Tập Cận Bình đã nhắc nhở tại Đại hội, “đặc trưng mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. 

LãoTử của Trung Quốc từng nói: “Càng có nhiều luật lệ và mệnh lệnh thì càng xuất hiện nhiều trộm cướp” (các luật lệ để chuẩn hóa và cai trị chỉ dẫn tới một xã hội khó kiểm soát hơn). Với việc đề cao độc quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm cho mọi tiếng nói độc lập trở thành mối đe dọa hiện hữu. Tuy mục đích tự thân cho sự tồn tại của Đảng Cộng sản là tạo ra một xã hội hiện đại, nhưng trong một xã hội như vậy, những tiếng nói độc lập liên tục nổi lên. Chế độ càng kéo dài càng chịu nhiều áp lực. Quy tắc hiện nay của Tập Cận Bình – cho dù được áp dụng 5 năm, 10 năm hay thậm chí lâu hơn nữa – cũng sẽ thử nghiệm cái mà mọi người gọi là “mô hình Trung Quốc”, một mô hình được xây dựng dựa trên niềm tin cho rằng hiện đại hóa tiên tiến cần đi kèm với một chính quyền độc tài, áp bức.

RELATED ARTICLES

Tin mới