Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia Nga: Phương Tây đã "lừa" Liên Xô

Chuyên gia Nga: Phương Tây đã “lừa” Liên Xô

Những nghiên cứu gần đây cho thấy sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, lãnh đạo các quốc gia phương Tây đã hứa với Nga là sẽ không mở rộng NATO sang phía Đông nhưng họ đã “nuốt lời” sau khi Liên Xô tan rã.

Bloomberg cho rằng chính cách hành xử này của phương Tây đã khiến quan hệ giữa Tổng thống Nga Putin với phương Tây được hình thành theo phong cách “coi thường, không tin tưởng” và khuynh hướng này sẽ khó có thể thay đổi trong thời gian tới.

Theo chuyên gia phân tích chính trị Leonid Bershidsky phân tích trên Bloomberg, cách hành xử “ngang ngạnh, khó chịu” của Moscow như hiện nay được hình thành bởi “thời khắc đột biến trong lịch sử hiện đại” khi NATO có các động thái mở rộng sang phía Đông, vi phạm lời hứa trước đó với Moscow.

Cho đến nay, các chuyên gia phân tích vẫn đang tranh cãi xem phương Tây đã hứa gì với Nga. Các đại diện của liên minh quân sự này vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm cho rằng trong toàn bộ lịch sử của mình, toàn bộ các thông tin về việc NATO cam kết không mở rộng sang phía Đông chỉ là các thông tin sai sự thật. Để làm rõ vấn đề này, các chuyên gia trường Đại học tổng hợp G.Washington đã tập hợp và phân tích nhiều các thông tin mới được giải mật trong thời gian gần đây.

Những tài liệu này cho thấy, các quan chức cấp cao NATO đã đưa ra đảm bảo với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ không tiến gần đến biên giới Liên Xô.

Theo Leonid Bershidsky, trong năm 1990, Ngoại trưởng Đức Hans-Ditrix Gensher đã nhận được sự ủng hộ của Liên Xô về việc thống nhất nước Đức. Ngoại trưởng Đức khi đó hiểu rằng sự đảm bảo không mở rộng NATO là điều kiện bắt buộc để tiến hành hợp tác với Moscow. Điều này đã được Đức thông báo với dư luận xã hội, các quốc gia đồng minh của Đức, trong đó có Anh. Mỹ, quốc gia khi đó rất mong muốn giữ Đức trong NATO, cũng đã ủng hộ bước đi này của Đức.

Ngoại trưởng Mỹ khi đó là James Baker đã nói với Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze rằng: “Nước Đức trung lập chắc chắn sẽ theo đuổi ước mơ sở hữu vũ khí hạt nhân. Còn một nước Đức liên kết chặt chẽ với NATO- một tổ chức không thiên về quân sự mà chỉ thiên về chính trị, sẽ không có nhu cầu sở hữu vũ khí hạt nhân riêng. Và có lẽ cần có đảm bảo vững chắc rằng NATO sẽ không mở rộng sang phía Đông. Và điều này cần phải được thực hiện để các láng giềng phía Đông của nước Đức hài lòng”.

Ý tưởng về việc NATO sẽ không mở rộng “thêm bất cứ inch nào” sang phía Đông cũng đã được ông James Baker nhắc lại với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev. Sự nhượng bộ này được thực hiện “để phương Tây giữ được nước Đức trong NATO”. Về phần mình, cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng đã đưa ra lời cam kết tương tự với người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) Vladimir Kriuchkov.

 Các tranh cãi xung quanh vấn đề này sau đó vẫn tiếp tục diễn ra. Liên Xô kiên quyết bảo vệ quan điểm cho rằng cần thiết lập một cơ cấu an ninh chung cho châu Âu trên nền tảng của Ủy ban An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Đại diện của phương Tây khi đó đồng ý với ý kiến này của Liên Xô nhưng vẫn khẳng định rằng muốn duy trì NATO, đưa liên minh này trở thành liên minh “mở rộng hơn để hợp tác với Liên Xô” và các quốc gia khác trong Khối Hiệp ước Warsaw.

Thậm chí trong tháng 3/1991, 6 tháng sau khi thống nhất nước Đức, Thủ tướng Anh khi đó là John Major một lần nữa khẳng định với Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitri Yazov rằng NATO không có dự định mở rộng sang phía Đông và bản thân ông John Major “không thấy bất cứ lý do gì, cả ở hiện tại cũng như tương lai, để các nước Đông Âu trở thành thành viên NATO”.

Tuy nhiên, theo Leonid Bershidsky, không có bất cứ lời hứa nào của lãnh đạo phương Tây được chuyển thành các thỏa thuận cụ thể. Liên Xô khi đó đang thực sự đứng trước ngưỡng của phá sản và rất cần đến sự trợ giúp về tiền bạc của phương Tây.

Moscow khi đó không sẵn sàng đòi hỏi phương Tây phải có các thỏa thuận cụ thể về những lời hứa đã đưa ra. “Chính vì vậy mà Tổng thống Mikhail Gorbachev, người không muốn thừa nhận rằng ông ấy khi đó đang trong trạng thái chán nản và không thể đưa ra bất cứ phản kháng nào, hiện vẫn nói rằng phương Tây đã giữ các lời hứa của mình”- Leonid Bershidsky viết.

Theo Leonid Bershidsky, Mỹ khi đó thỏa thuận với Liên Xô trên tư cách là “kẻ thắng cuộc với kẻ thua cuộc” mà không cần phải quan tâm đến việc thực hiện các lời hứa và các lời đảm bảo của mình. Quyền lực của giới lãnh đạo Liên Xô khi đó gần như không còn nên Washington không thấy bất cứ lý do nào để cần phải giữ lời hứa của mình.

“Và sau đó, khi Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, còn các nước Đông Âu lại muốn có được sự bảo vệ từ quốc gia chiến thắng trong Chiến tranh lạnh, lời hứa không kết nạp các quốc gia này vào NATO không còn được nhớ đến nữa”, ông nói.

Chính lịch sử “đau thương” này khiến Tổng thống Nga Putin hiện nay muốn giao thiệp với phương Tây như những gì phương Tây đã làm với Liên Xô trước đó: tung hỏa mù, đưa ra các lời hứa và các nhượng bộ không thật. Cách tiếp cận này của ông Putin khiến phương Tây tức giận và cho rằng việc tiến hành các cuộc đàm phán với Putin là điều không thể vì phương Tây không hiểu được ông Putin đang muốn gì trên thực tế.

Leonid Bershidsky kết luận rằng phương Tây sẽ không đạt được bất cứ điều gì từ ông Putin. Ngoài ra, rất ít khả năng người kế nhiệm nào đó của ông Putin sẽ quên về những lời hứa đã bị vi phạm của phương Tây.

RELATED ARTICLES

Tin mới