Saturday, September 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh: Kim Jong-un đang "phá huỷ" truyền thống, gây hấn với...

Bắc Kinh: Kim Jong-un đang “phá huỷ” truyền thống, gây hấn với TQ

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được xem là nguyên nhân khiến quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng trở nên bất hòa. Cụ thể, ông Kim đã làm trái cam kết giải trừ hạt nhân mà cha ông của nhà lãnh đạo đã hứa với phía Trung Quốc.

Chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ông Yang Xiyu, người phụ trách các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2004 – 2005 cho rằng, Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp thuận Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước do Triều Tiên gây ra cũng đang khiến Bắc Kinh cảm thấy bị bẽ mặt. Điển hình, trong chuyến thăm tới Bình Nhưỡng 4 ngày hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từ chối gặp mặt đại sứ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Hoạt động trao đổi liên lạc giữa Trung – Triều đang bị trì hoãn. Thật xấu hổ khi ông Song bị ông Kim từ chối gặp mặt. Mối quan hệ song phương Trung – Triều tuột dốc là do Bình Nhưỡng mở rộng phát triển hạt nhân. Nguyên nhân là do Triều Tiên thay đổi chiến lược chứ không phải Trung Quốc”, ông Yang nhận định.

Trong chuyến thăm tới Bình Nhưỡng, đại sứ Song đã gặp gỡ cánh tay phải của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là ông Choe Ryong-hae. Trong cuộc gặp, ông Song đã thông báo về những thành tựu đạt được sau kỳ Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra hồi tháng 10. Hai bên cũng cam kết tiếp tục có hành động thắt chặt quan hệ Trung – Triều. 

Tuy nhiên, theo ông Yang, vấn đề chính là Trung – Triều cần đồng thuận trong việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên lại không có kết quả. Nguyên nhân do ông Kim cố tình làm trái lời cam kết mà cố chủ tịch Kim Nhật Thành và cố lãnh đạo Kim Jong-il từng hứa với Trung Quốc.

“Giờ đây, Trung Quốc và Triều Tiên không còn có chung quan điểm trong vấn đề hạt nhân bởi nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un hoàn toàn bác bỏ sáng kiến của cố chủ tịch Kim Nhật Thành”, ông Yang nhấn mạnh. 

Theo đó, Bình Nhưỡng đã liên tiếp cho tiến hành các vụ phóng thử tên lửa và hạt nhân với tham vọng có thể vươn tới tấn công lãnh thổ Mỹ. Hành động của Triều Tiên không chỉ làm bùng phát căng thẳng trong khu vực mà còn cả trên thế giới.

Đáp lại hành động của Triều Tiên, Trung Quốc đã đồng thuận thi hành các lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt với phía Bình Nhưỡng bao gồm việc ngừng nhập khẩu than đá, dừng xuất khẩu năng lượng và các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tất cả những việc làm này là nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Song một tín hiệu rõ ràng cho thấy, tình hình đang có xu hướng xấu hơn khi Nhật báo Cát Lâm của Trung Quốc cho đăng nguyên một trang về cách thức đối phó trước một cuộc tấn công hạt nhân. 

Ông Yang cho rằng, Bắc Kinh cần chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra. Và sáng kiến “đóng băng kép” khi yêu cầu Mỹ – Hàn dừng tập trận để đổi lại Triều Tiên ngừng phóng thử tên lửa, là con đường đúng đắn.

“Nếu chúng ta từ bỏ mục tiêu giải trừ hạt nhân, đây sẽ là sai lầm của Trung Quốc. Nếu cộng đồng quốc tế cho phép Triều Tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân, đây sẽ là sai lầm lớn. Quan trọng hơn, đây sẽ là mối đe dọa cực lớn đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Để đến hoàn cảnh này, Trung Quốc sẽ không thể nhân nhượng”, ông Yang chia sẻ.

Cũng theo ông Yang, Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp thuận Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân.

Ông Yang nói thêm, phát triển vũ khí hạt nhân không thể đảm bảo an ninh cho Triều Tiên mà còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, nếu ông Kim muốn duy trì chính quyền Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Triều Tiên cần chuyển số tiền đầu tư cho chương trình sản xuất vũ khí sang đầu tư kinh tế quốc gia.

“Liệu ông Kim có thể chống đỡ được cái giá phải trả khi chịu lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế trong khoảng thời gian từ 5 – 10 năm? Liệu Triều Tiên có thể phát triển kinh tế trong điều kiện hiện nay”, ông Yang nói.

Liên quan tới ảnh hưởng của Nga trong vấn đề Triều Tiên, ông Yang hoan nghênh sáng kiến Moscow trở thành trung gian hòa giải. Nhưng theo ông Yang, việc Nga đóng vai trò lớn là chưa chắc chắn. Bởi mối quan hệ Mosocw – Bình Nhưỡng chưa đủ lớn trong khi Nga cũng đang chú tâm tới giải quyết căng thẳng giữa Moscow và Washington. Đây là lý do dù có Nga tham gia hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn không thể bị gạt bỏ.

RELATED ARTICLES

Tin mới