Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa đưa ra kế hoạch làm mới nền kinh tế nước này trong 3 năm tới bằng cách xử lý nguy cơ tài chính, giảm nghèo và chống khói mù.
Trong cuộc họp kín ở Bắc Kinh kéo dài 3 ngày, kết thúc hôm 20.12, giới lãnh đạo Trung Quốc đã xác định nước này sẽ theo mô hình tăng trưởng “chất lượng cao”, tập trung vào công bằng, môi trường và đời sống vui vẻ, theo Tân Hoa xã. Điều này sẽ thay thế mô hình tăng trưởng “tốc độ cao” cũ từng đưa GDP của Trung Quốc tăng mạnh trong mấy thập niên qua.
Cuộc họp không tiết lộ mục tiêu tăng trưởng GDP cho nền kinh tế 12.000 tỉ USD của Trung Quốc. Nhiều nhà kinh tế dự đoán tại kỳ họp quốc hội vào tháng 3.2018, Bắc Kinh sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu khoảng 6,5% của năm nay, cho thấy Trung Quốc chấp nhận tăng trưởng thấp để tập trung cải cách, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Trung Quốc đã phát triển với tốc độ quá nhanh trong mấy thập niên qua để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, chủ yếu thông qua đầu tư mạnh, lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên và cũng bằng cách phớt lờ những tổn thất về môi trường.
Những vị lãnh đạo Trung Quốc trước ông Tập nhiều lần cam kết thay đổi mô hình phát triển, nhưng không có sự tiến bộ đáng kể trong việc đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng nhanh và tăng trưởng chất lượng.
Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc với vị thế được củng cố từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của đảng này hồi tháng 10, ông Tập dường như đã quyết tâm đẩy mạnh thay đổi, theo SCMP.
Năm 2020 sẽ đánh dấu cột mốc “nửa nhiệm kỳ” trong nhiệm kỳ 5 năm lần 2 của ông Tập và ông đang muốn thực hiện cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc là xây dựng xã hội khá giả trước năm 2021.
Do đó, trong 3 năm tới, những ưu tiên về kinh tế của giới lãnh đạo Trung Quốc là cải thiện chất lượng không khí, giảm nghèo và nguy cơ tài chính, theo thông cáo được công bố sau đại hội đảng. Hiện nay có ít nhất 43 triệu người ở Trung Quốc sống ở mức nghèo, với thu nhập hằng năm chưa tới 2.800 nhân dân tệ (hơn 9,6 triệu đồng), theo SCMP.
Tăng trưởng nhanh chóng trong 4 thập niên đã đưa Trung Quốc từ một quốc gia nghèo thành một cường quốc kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự phát triển này đã tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và những dân thường Trung Quốc cảm thấy rằng họ bị bỏ lại phía sau sự bùng nổ kinh tế.
Trước tình trạng này, giới phân tích cho rằng trong tư tưởng về kinh tế của mình, Chủ tịch Tập muốn nhấn mạnh cần làm cho tất cả người dân được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế.