Tuesday, September 17, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 25/12/17

Bản tin Biển Đông ngày 25/12/17

Bản tin Biển Đông ngày 25/12/2017.

Trung Quốc ngang nhiên nguỵ biện cho hoạt động lấn biển trên Biển Đông

Ngày 25/12, Reuters đưa tin, ngày 22/12, Cục Dữ liệu và Thông tin Biển quốc gia Trung Quốc thản nhiên ra thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan này, nói rằng nước này đã hành động “hợp lý” khi tiến hành các hoạt động mở rộng đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông, bao gồm cả các cơ sở radar bao trùm trên một diện tích lên đến 290.000 mét vuông. Thông báo này còn thừa nhận rằng Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động tuần tra quân sự, nhưng không đưa ra thêm bất cứ thông tin chi tiết nào. Reuters nhận định, con số này là tương đối trùng khớp với con số đã bị Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) “phanh phui” trong  một báo cáo trước đó chưa đầy một tháng.

Reuters, cũng như các hãng truyền thông báo chí quốc tế khác, tỏ ra khá lo ngại trước thông tin trên bởi lẽ “không rõ rằng liệu (các hoạt động mở rộng được đề cập trong) thông báo này có đề cập đến công trình nào khác trong năm 2017, chẳng hạn như các kho chứa ngầm và các công trình hành chính nào khác hay không”. Một điểm đáng chú ý nữa là, mặc dù thông báo này đã được đưa ra ngày 22/12 nhưng đến ngày 25/12 mới được kênh truyền thông Nhà nước Trung Quốc – Thời báo Hoàn cầu đăng tải.

Philippines cho rằng vẫn có thể tin vào “thiện chí” mà Trung Quốc cam kết trong vấn đề Biển Đông

Trang Inquirer đưa tin, ngày 25/12, liên quan đến thông báo mới của Cục Dữ liệu và Thông tin Biển quốc gia Trung Quốc về việc Bắc Kinh sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và nguỵ biện về việc mở rộng trái phép các đảo nhân tạo của nước này ở khu vực, Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Harry Roque chỉ khẳng định rằng Philippines vẫn “tin” vào “thiện chí của Trung Quốc”. Thêm vào đó, ông Roque cho rằng hiện nay Philippines vẫn chưa có thông tin về vị trí của các công trình nhân tạo được đề cập đến, đồng thời cho hay Philippines không yêu sách tất cả các đảo, đá ở Biển Đông.

Thoạt nghe, phát biểu của ông Harry Roque có phần khiến dư luận bất ngờ song “niềm tin” của Philippines không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ một tháng trước đó, sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 được tổ chức tại Manila, Philippines, ASEAN và Trung Quốc đã đi đến nhất trí rằng hai bên sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm 2018. Mặc dù Trung Quốc vẫn ngang ngược đẩy mạnh các hoạt động quân sự trên thực địa song đây vẫn được xem là thành công về mặt ngoại giao của Tổng thống Rodrigo Duterte nhằm phòng ngừa các cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra ở Biển Đông sau rất nhiều năm Trung Quốc liên tục tìm cách trì hoãn và làm cản trở việc đàm phán ký kết COC cũng như hình thành một lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Theo Phát ngôn viên Harry Roque cho biết, cũng như lãnh đạo các quốc gia ASEAN khác, Tổng thống Duterte rất quan tâm đến ưu tiên xây dựng một COC mang tính ràng buộc về mặt pháp lý bởi lẽ nếu không, các quốc gia sẽ không thể đảm bảo rằng COC có thể mang tính “vững chắc” nhằm phục vụ cho hoà bình và ổn định ở khu vực.

Đưa máy bay lưỡng cư nội địa “lớn nhất” đi qua Biển Đông – Trung Quốc vẫn bất chấp những nỗ lực của khu vực để thúc đẩy tham vọng độc chiếm Biển Đông

Ngày 25/12, trang The Star của Malaysia đưa tin, ngày 24/12, Trung Quốc đã điều máy bay AG600, máy bay lưỡng cư “lớn nhất do nước này tự sản xuất”, tới Biển Đông để tiến hành bay thử nghiệm thẳng “từ một sân bay trên bờ biển ở Biển Đông” mà “không phải tiếp nhiên liệu”. The Star cho biết, chuyến hành trình của AG600 đã “được thực hiện trong vòng 1 giờ và hạ cánh trong tiếng quân ca và đám đông người Hoa vẫy cờ chào mừng”. Cũng theo The Star, chiếc AG600 đã được Trung Quốc lên kế hoạch để tiến hành chuyến bay đầu tiên vào đầu năm nay nhưng không rõ lý do vì sao nước này lại hoãn kế hoạch sau khi tiến hành các chuyến bay thử nghiệm hồi tháng 4.

Theo Huang Lingcai, thiết kế trưởng của chiếc AG600, máy bay này có thể tiến hành các chuyến bay liên tục từ đảo Hải Nam đến bãi ngầm James nằm gần Sarawak, phía Tây Bắc bán đảo Borneo của Malaysia để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và xử lý các vụ cháy rừng. Tân Hoa xã cho hay, AG600 có thể chở đến 50 người trong khi “thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn” và “vận chuyển 12 tấn nước trong vòng 20 giây để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy”, với phạm vi hoạt động tối đa là 4.500 km.

Động thái này có thể được hiểu là được Trung Quốc triển khai trong bối cảnh nước này đang tăng cường thúc đẩy chương trình hiện đại hoá quân sự với quy mô khổng lồ, từ các hoạt động thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh đến việc sản xuất các máy bay trinh thám trên biển và tàu sân bay nội địa nhằm hiện thực hoá âm mưu độc chiếm Biển Đông, biến điểm nóng này thành “ao nhà”. Cụ thể, nước này đang tăng cường nghiên cứu các phương tiện phục vụ quân sự nhằm phục vụ cho các hoạt động phô trương vũ lực và đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát tại Biển Đông, gây lo ngại cho các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như các nước có lợi ích trực tiếp trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải như Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới