Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCạnh tranh quyền lực Trung - Mỹ năm 2017 và dự báo...

Cạnh tranh quyền lực Trung – Mỹ năm 2017 và dự báo ngòi nổ tương lai

Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2017 có rất nhiều sự bất định, sau “tuần trăng mật” ngắn ngủi, hai nước bắt đầu kiềm chế nhau.

Năm 2017, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, nâng cao vị thế, bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo ra sự cân bằng mới trong cán cân quyền lực ở các khu vực và trên toàn thế giới, trong đó vai trò của hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc giữ vị trí nổi bật.

Những biến chuyển chính trị và ý tưởng của chính sách đối ngoại

Trong năm 2017, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều trải qua những biến chuyển chính trị quan trọng của đất nước và đều cố gắng khẳng định vai trò dẫn dắt và quản trị toàn cầu, thông qua chính sách đối ngoại của mình.

Đối với Hoa Kỳ, đó là cuộc chuyển giao quyền lực Tổng thống vào ngày 20/1, sau cuộc bầu cử với nhiều diễn biến bất ngờ hồi cuối năm 2016.

Tỷ phú Donald Trump, từ một doanh nhân thành đạt và là nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế đã trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm chủ nghĩa dân tộc, với tuyên bố sẽ thực hiện chính sách đối ngoại “nước Mỹ trước tiên”.

Điều đó cho thấy, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách đối ngoại so với thời cựu Tổng thống Barack Obama;

Nhiều chuyên gia gọi đó là “nền ngoại giao theo kiểu giao dịch”, để phục vụ cho mục tiêu “nước Mỹ trước tiên”, nhằm làm thế nào để đạt được tối đa các lợi ích từ các đối tác với những “thỏa thuận tốt nhất có thể” cho nước Mỹ.

Trong khi đó, vào tháng 10/2017 ở Trung Quốc đã diễn ra sự kiện chính trị quan trọng, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành Đại hội lần thứ 19, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới.

Đại hội 19 khẳng định Trung Quốc đã bước vào “kỷ nguyên mới” và sẽ quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi “mục tiêu thiên niên kỷ”, đến năm 2049 sẽ trở thành “một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại” mang đặc sắc Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời tư tưởng của ông “về kỉ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc” đã được ghi vào Điều lệ Đảng.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực, đã cho thấy Trung Quốc đang chuyển dần từ giai đoạn “giấu mình chờ thời” sang giai đoạn “trỗi dậy mạnh mẽ”.

Trung Quốc đã rất chủ động xây dựng quan hệ với các nước lớn, đề xuất khung quan hệ nước lớn kiểu mới với Hoa Kỳ;

Gia tăng ảnh hưởng địa chính trị thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường;

Thách thức vai trò và ảnh hưởng với các thể chế tài chính truyền thống thông qua việc thành lập nhiều tổ chức tài chính quốc tế mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển Mới…

Quang cảnh Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: AP)

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thể hiện rõ nước này đang cố gắng nhằm đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế về một vị trí ngang hàng với Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Rõ ràng, chính sách đối ngoại của hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay mặc dù đều hướng tới mục tiêu cao nhất là mang về lợi ích nhiều nhất cho đất nước của họ, tuy nhiên lại có sự khác biệt trong cách thể hiện.

Hoa Kỳ với vị thế là siêu cường số một thế giới đã đề cao chính sách hợp tác trên các lĩnh vực theo kiểu song phương nhằm áp đặt được tối đa các điều kiện có lợi cho nước Mỹ.

Còn Trung Quốc lại đề cao chính sách đa phương trong các lĩnh vực hợp tác, nhằm thiết lập quyền lực mềm sâu rộng trong quan hệ quốc tế.

Sự đối nghịch trong cách thức thực thi chính sách đối ngoại Trung – Mỹ đã dẫn đến những xung đột không thể tránh khỏi về quan điểm và lợi ích giữa hai siêu cường, khiến xu thế vừa hợp tác, vừa đấu tranh và cạnh tranh gay gắt trong quan hệ quốc tế càng bộc lộ rõ.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường

Sau giai đoạn “Giấu mình chờ thời”, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị và quân sự.

Sản lượng kinh tế của Trung Quốc đến nay đã tăng gấp 20 lần so với cuối những năm 1970;

Tỷ lệ đói nghèo đã giảm xuống chỉ còn khoảng 45 triệu người, trở thành quốc gia có khối lượng thương mại lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ.

Sức ảnh hưởng về chính trị của Trung Quốc ngày càng lan rộng và mạnh mẽ đối với quốc tế, trong khi nước này không ngừng tăng cường hiện đại hóa quân đội thông qua cải cách và tăng ngân sách quốc phòng nhằm cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ.

Dựa trên tất cả những yếu tố này, Trung Quốc nhận thấy rằng họ xứng đáng có một vai trò lớn hơn trong khu vực cũng như trong trật tự toàn cầu, buộc Hoa Kỳ phải dành chỗ cho họ.

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tạo ra thách thức đối với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát.

Riêng trong năm 2017, Trung Quốc tiếp tục cho tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng phi pháp các công trình hạ tầng cơ sở, căn cứ quân sự, đường băng trên các đảo đá, rặng san hô thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (2 quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam) mà họ đang nhảy vào tranh chấp ở Biển Đông.

Mặt khác, hồi tháng 10, khi Hoa Kỳ điều tàu khu trục USS Chafee tiến hành hoạt động tuần tra trên Biển Đông và đi vào khu vực 16 hải lý gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đã điều hai chiến đấu cơ cùng một máy bay trực thăng và các tàu chiến mặt nước “bám đuôi” tàu khu trục USS Chafee, đồng thời yêu cầu tàu chiến của Hoa Kỳ rời khỏi khu vực này.

Một ngày sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” lãnh thổ và lợi ích mà họ tuyên bố ở Biển Đông. [1]

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị song phương (Ảnh: AP)

Hành động này của Bắc Kinh đã khiến Washington nghi ngờ rằng:

Trung Quốc muốn biến vùng biển rộng lớn này thành cái “ao” của mình, để từ đó thiết lập sự quản trị tuyệt đối trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tiến tới làm đảo lộn trật tự thế giới hiện thời.

Do đó, Washington đã lập luận rằng, Hoa Kỳ cần phải tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để bảo vệ lợi ích an ninh của Mỹ và các đồng minh trong khu vực.

Đồng thời, Hoa Kỳ cũng thể hiện rõ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc trên một số vấn đề.

Cuối tháng 6, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền và tự do báo chí tại Hồng Kông vào đúng ngày Chủ tịch Tập Cận Bình tới đây để dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày lãnh thổ tô nhượng này được trao trả lại cho Trung Quốc.

Cùng thời điểm này, Tổng thống Donald Trump đã ký bản hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá lên tới 1,4 tỷ USD.

Điều này đã khiến Trung Quốc giận dữ và chỉ trích hành động trên của Hoa Kỳ là “vô trách nhiệm” vì đã đụng đến câu hỏi lớn nhất và quan tâm nhất [Đài Loan] của Trung Quốc.

Tiếp đến là cuộc chiến thương mại giữa hai nước, khi Washington luôn chỉ trích Bắc Kinh đối xử không công bằng với các công ty Mỹ, khi thực hiện chính sách bảo hộ cho các công ty trong nước khiến thâm hụt thương mại về phía Hoa Kỳ lên tới 347 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng khởi động cuộc điều tra theo Điều 301, Đạo luật Thương mại Mỹ, vì những nghi ngờ Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ. [4]

Ngoài ra, Washington cũng luôn cáo buộc Bắc Kinh thực hiện không nghiêm túc lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Hoa Kỳ đã tiến hành trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc vì cho rằng có những giao dịch bất hợp pháp với Triều Tiên.

Mới đây nhất, Hoa Kỳ đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó Washington khẳng định Trung Quốc và Nga là những đối thủ “đang cố gắng làm suy yếu sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ”.

Động thái này đã khiến cả Trung Quốc và Nga phản đối giận dữ, khi Bắc Kinh cho rằng:

Hoa Kỳ đang đưa mối quan hệ giữa các nước lớn trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh và “bóp méo tư duy” về các dự án chiến lược của Trung Quốc. [5]

Như vậy, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm qua diễn ra khá gay gắt, nhưng cách thức thể hiện lại có sự tương phản nhau.

Hoa Kỳ sử dụng cách thức kiềm chế Trung Quốc là khá rõ ràng và mạnh mẽ, trong khi phản ứng của Trung Quốc lại tỏ ra kín đáo và thận trọng nhưng cũng không kém phần quyết liệt.

Một số dự báo trong tương lai

Những tín hiệu mang tính đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm qua nhiều khả năng sẽ thúc đẩy cả hai nước tiếp tục thận trọng hơn trong mối quan hệ song phương và sẽ tìm những biện pháp kiềm chế nhau mạnh mẽ hơn.

Theo đó, dự đoán năm 2018, cuộc cạnh tranh quyền lực Trung – Mỹ sẽ diễn ra gay gắt hơn và có thể tạo ra điểm khởi đầu cho tình trạng bất ổn trong quan hệ giữa hai nước.

Dưới góc nhìn của người viết, trên cơ sở những gì đã xảy ra trong năm 2017, có thể chỉ ra 4 ngòi nổ cho sự căng thẳng trong cuộc chiến Trung – Mỹ trong tương lai đó là:

Sự va chạm có chủ ý hoặc không có chủ ý giữa hai nước trong việc thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, vấn đề Đài Loan theo nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.

Trong đó, vấn đề Đài Loan mang nhiều yếu tố nhạy cảm nhất, vì hiện tại giữa Trung Quốc và Đài Loan đang bất đồng về nhận thức chung giữa hai bờ eo biển.

Đài Loan – dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn đã kiên quyết không chấp nhận nhận thức chung 1992 (chỉ có một nước Trung Quốc, tùy cách hiểu mỗi bên) và đang thể hiện rõ quan điểm về một Đài Loan độc lập.

Quan hệ Trung – Mỹ dự báo sẽ có nhiều bất ổn trong năm 2018 (Ảnh: AP)

Còn phía Trung Quốc lại thể hiện thái độ cực kỳ cứng rắn đối với bất kỳ động thái nào liên quan đến vấn đề Đài Loan mà vi phạm nguyên tắc “một nước Trung Quốc”.

Thế nhưng, hiện tại Hoa Kỳ lại đang giữ vai trò “giám hộ” cho Đài Loan, khi tiếp tục bán vũ khí phòng thủ theo tinh thần Đạo luật quan hệ Đài Loan – điều mà Trung Quốc không bao giờ chấp nhận.

Mặt khác, trong thời gian tới, nhiều khả năng Hoa Kỳ còn điều động thêm nhiều nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội 3 đến tây Thái Bình Dương để tăng cường sức mạnh cho Hạm đội 7 như đã tuyên bố –  động thái mà Bắc Kinh cho là nhằm ủng hộ Đài Loan và kiềm chế Trung Quốc.

Điều đó có thể sẽ thúc đẩy những bất đồng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lên trạng thái căng thẳng.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại giữa hai nước cũng hứa hẹn sẽ có nhiều bất ổn, khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đối lập nhau trong chính sách thương mại.

Đồng thời, Hoa Kỳ cũng sẽ công bố kết quả điều tra về việc Trung Quốc bán phá giá thép và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ.

Những vấn đề này có thể sẽ là cái cớ để Washington áp thêm nhiều mức thuế lên các loại hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Đáp lại, phía Trung Quốc có thể sẽ tìm cách trả đũa lại Hoa Kỳ trong tất cả các vấn đề nêu trên.

Vì vậy, cuộc cạnh tranh vai trò lãnh đạo toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tương lai dự báo có thể sẽ diễn ra gay gắt hơn.

Tóm lại, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm 2017 có rất nhiều sự bất định.

Chỉ sau một thời gian ngắn có thể gọi là “tuần trăng mật” thì hai nước bắt đầu bộc lộ các chính sách kiềm chế nhau, đặc biệt là những động thái công khai của Hoa Kỳ.

Trong thời gian tới, mối quan hệ giữa hai nước có nhiều dấu hiệu đẩy lên những bất ổn mới.

Tuy nhiên, sẽ ít có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hoặc xung đột, vì cả Bắc Kinh và Washington đều phụ thuộc vào nhau trong lĩnh vực kinh tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới