Wednesday, January 15, 2025
Trang chủQuân sựTung đòn hiểm, TQ khiến Triều Tiên phải tâm phục, khẩu phục?

Tung đòn hiểm, TQ khiến Triều Tiên phải tâm phục, khẩu phục?

Trung Quốc không xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ cho Triều Tiên trong tháng 11, các số liệu hải quan của Trung Quốc cho biết như vậy. Động thái này được cho là đã vượt xa các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên từ đầu năm nay, trong đó giới hạn hoạt động xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ vào Triều Tiên.

Căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng thể hiện sự thách thức trước các nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc bằng những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp không ngừng trong thời gian qua. Hồi tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, trong đó có biện pháp hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ vào Triều Tiên ở mức chỉ còn 500.000 thùng dầu mỗi năm.

Trong tháng 11, Bắc Kinh đã áp dụng biện pháp trừng phạt không nhập khẩu than, quặng sắt và chì từ Triều Tiên. Cũng theo con số thống kê được Tổng cục Hải quân Trung Quốc công bố ngày hôm qua, Trung Quốc – nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho Triều Tiên, trong tháng vừa rồi cũng không xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến dầu mỏ cho nước láng giềng cũng từng là đồng minh thân thiết hàng đầu của họ.

Tháng 11 là tháng thứ hai liên tiếp Trung Quốc không xuất khẩu xăng dầu hay diesel cho Triều Tiên. Lần gần đây nhất Trung Quốc không cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng là vào tháng Hai năm 2015.

“Đây là kết quả tự nhiên của việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt khác nhau nhằm vào Triều Tiên”, ông Cai Jian – một chuyên gia về Triều Tiên tại trường Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho hay.

Hành động thắt chặt nói trên “phản ánh lập trường của Trung Quốc”, ông Cai nhấn mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho hay, bà không biết bất kỳ chi tiết nào về tình hình xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của họ sang Triều Tiên.

“Về nguyên tắc, Trung Quốc liên tục thực thi đầy đủ, chính xác, nghiêm túc và nhiệt tình các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến Triều Tiên. Chúng tôi đã thiết lập một loạt cơ chế và biện pháp thực thi hiệu quả các nghị quyết đó”, bà Hua nhấn mạnh tại cuộc họp báo định kỳ ngày hôm qua.

Từ tháng Sáu, Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc đã ngừng bán xăng dầu và diesel cho Triều Tiên, lo ngại rằng họ sẽ không nhận được tiền thanh toán.

Việc Bắc Kinh thẳng tay ngừng cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng là điều hoàn toàn hiếm hoi.

Hồi tháng Ba năm 2003, Trung Quốc từng ngừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên trong ba ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa vào vùng lãnh hải giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Không rõ Trung Quốc còn tiếp tục bán dầu thô cho Bình Nhưỡng hay không. Bắc Kinh không tiết lộ hoạt động xuất khẩu dầu thô cho Triều Tiên trong nhiều năm.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, Trung Quốc vẫn cung cấp khoảng 520.000 tấn dầu thô, khoảng 3,8 triệu thùng dầu thô mỗi năm cho Triều Tiên thông qua mạng lưới hệ thống đường ống dẫn cũ kỹ. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày Trung Quốc vẫn cung cấp khoảng 10.000 thùng dầu cho Triều Tiên.

Hoạt động giao dịch thương mại giữa Triều Tiên và Trung Quốc cũng đã giảm mạnh trong năm, đặc biệt sau khi Trung Quốc hồi tháng Hai ra quyết định cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên.

Những bước đi trên cho thấy, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn với Triều Tiên.

Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức mà Triều Tiên liên tiếp thực hiện trong thời gian qua. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ đòi cường quốc Châu Á phải ảnh hưởng của mình nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình tên lửa và hạt nhân.

Không rõ sự quyết liệt của Trung Quốc có khiến Triều Tiên phải chùn bước, thoái lui trong vấn đề hạt nhân và tên lửa hay không.

RELATED ARTICLES

Tin mới