Theo các chuyên gia, bản đồ nhân sự chính trị hiện tại ở Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình mang ba đặc trưng rõ nét.
Ông Tập Cận Bình tại Đại hội 19 vừa qua. Ảnh: AP
“Mùa xuân của lãnh nha môn”
Tại Trung Quốc, những bộ ngành thuộc Tổng công hội toàn quốc Trung Quốc – tương đương Tổng Liên đoàn lao động như thủy lợi, nông nghiệp, dân phòng v.v.. thường ít được chú ý, thậm chí còn được dư luận nước ngoài đánh giá là bí ẩn. Truyền thông Trung Quốc, bao gồm Nhân dân nhật báo lại gọi những cơ quan này là “lãnh nha môn”.
Tuy nhiên, cục diện hiện nay đã thay đổi. Mới đây, hai quan chức xuất thân từ Tổng công hội đã trở thành lãnh đạo đứng đầu các tỉnh thành tại Trung Quốc, gồm Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Trần Hào và Quyền Chủ tịch tỉnh Thiểm Tây Lưu Quốc Trung. Ông Lưu vừa được chính thức bổ nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch tỉnh vào sáng nay 4/1.
Thực tế, đây không phải là hiện tượng hiếm, đặc biệt kể từ sau Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc 2012. Theo giới phân tích, xu thế các cán bộ xuất thân từ Tổng công hội đang dần trở thành lực lượng lãnh đạo cốt cán của ĐCSTQ.
Ngày cuối cùng của năm 2017, tức 31/12, Nhật báo Thiểm Tây đưa tin, ông Lưu Quốc Trung -nguyên Chủ tịch tỉnh Cát Lâm được điều chuyển, bổ nhiệm vị trí Ủy viên, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây.
Trước khi được bổ nhiệm về các địa phương như Tứ Xuyên, Cát Lâm, Thiểm Tây, Lưu Quốc Trung từng có hai năm công tác tại cơ quan trung ương. Việc điều chuyển từ Bắc Kinh về Tứ Xuyên được đánh giá là bước ngoặt quan trong trên con đường hoạn lộ của Lưu, đồng thời ông này cũng trở thành quan chức cấp cao có xuất thân từ “lãnh nha môn”.
Ngoài Trần Hào và Lưu Quốc Trung, Tổng công hội toàn quốc Trung Quốc còn xuất hiện những “ngôi sao mới” như Bí thư Ban Bí thư Đặng Khải và Doãn Đức Minh. Hai ông này từng nắm giữ các vị trí cao tại các địa phương trước khi chuyển về trung ương.
Logic dùng người của ông Tập
Theo các chuyên gia, bản đồ nhân sự chính trị hiện tại ở Trung Quốc mang ba đặc điểm. Thứ nhất là các quan chức có xuất thân từ khu vực Phúc Kiến – Chiết Giang – Thượng Hải. Ví dụ: Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, Bí thư thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư Thượng Hải Lý Cường v.v…
Các ông này đều có thời gian dài sát cánh cùng ông Tập Cận Bình tại chính quyền các địa phương khi nhà lãnh đạo Trung Quốc công tác ở các tỉnh thành này.
Thứ hai, các quan chức có kinh nghiệm chính trị dày dặn ở khu vực kinh tế kém phát triển như Thiểm Tây, Cam Túc. Ví dụ các ông Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Triệu Lạc Tế, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hy, Quyền Chủ tịch tỉnh Cát Lâm Cảnh Tuấn Hải.
Thứ ba, xu thế các chuyên gia kỹ thuật được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng tại địa phương cũng ngày càng nổi bật. Ví dụ: Quyền Thị trưởng Thiên Tân Trương Quốc Thanh, Bí thư tỉnh ủy Hắc Long Giang Trương Khánh Vỹ, Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh Trần Cầu Phát v.v…
Một số ý kiến nhận định, những quan chức này đều được coi là lực lượng cốt cán trên chính trường Trung Quốc, thậm chí, họ có thể trở thành người kế nhiệm tiềm năng trong tương lai.
Trưởng ban Tổ chức trung ương Trung Quốc Trần Hy – người được giới phân tích chính trị mệnh danh là “đại tổng quản nhân sự” của Trung Nam Hải – từng tuyên bố, Bắc Kinh sẽ lựa chọn tin dùng những quan chức “dám gách vác, chịu đảm đương công việc” hay kịp thời bổ nhiệm những cán bộ “có tư tưởng cải cách, biết tìm đường hướng cải cách và giỏi cải cách”.
Thậm chí, ngay từ khi còn giữ chức Phó Chủ tịch Trung Quốc năm 2008, ông Tập Cận Bình từng đưa ra quan điểm dùng người của bản thân. Theo ông, “sự nghiệp thăng trầm là do cách dùng người, trong khi định hướng là điều quan trọng của việc dùng người”.
Giới quan sát cho rằng, dù ông Tập dùng các thân tín có ý thức chính trị cứng rắn hay những cán bộ kỹ trị có năng lực nổi trội hoặc các quan chức có tố chất đặc biệt xuất thân từ “lãnh nha môn” thì mục đích cuối cùng chính là để đảm bảo hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong thời đại mới.