Triều Tiên chủ động tung đòn ngoại giao khiến Mỹ và Hàn Quốc mâu thuẫn, qua đó áp đặt “lối chơi” của mìn
Khuất phục Mỹ-Hàn
Ngày 4/1, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí không tiến hành các cuộc tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra từ ngày 9-25/2 tới.
Theo thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, sự đồng thuận trên đã đạt được trong cuộc điện đàm cùng ngày giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Tại cuộc điện đàm, ông Moon đã đưa ra đề xuất “hoãn tập trận chung nếu Triều Tiên không có thêm hành động khiêu khích nào”. Ông Moon cho rằng việc này “sẽ giúp đảm bảo thành công của Thế vận hội”.
Tổng thống Mỹ đã đồng ý và bày tỏ hy vọng các cuộc đối thoại liên Triều sẽ đạt kết quả tốt, đồng thời cho biết ông sẽ cử một phái đoàn cấp cao trong đó có các thành viên gia đình ông, tới dự Thế vận hội PyeongChang 2018.
Trong thông cáo báo chí, Nhà Trắng xác nhận rằng hai lãnh đạo Mỹ – Hàn đã “nhất trí giảm căng thẳng trong thời gian diễn ra Thế vận hội và các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc có thể tập trung đảm bảo an ninh cho sự kiện thể thao này”.
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Moon diễn ra một ngày sau khi hai miền Triều Tiên mở lại kênh đối thoại tại làng đình chiến Panmunjeom, chuẩn bị cho việc nối lại các cuộc đàm phán cấp chính phủ lần đầu tiên kể từ tháng 12/2015.
Năm ngoái, Seoul đã đề xuất Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc đàm phán quân sự và hội Chữ thập Đỏ để thảo luận cách hóa giải căng thẳng, cũng như các vấn đề nhân đạo, trong đó có việc nối lại các cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên, song không nhận được hồi đáp của Triều Tiên.
Trong thông điệp đầu năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ “đổi giọng” với Hàn Quốc |
Tuy nhiên, trong thông điệp đầu Năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết sẵn sàng cử một đoàn vận động viên tham gia Thế vận hội tại PyeongChang, và gợi ý tổ chức các cuộc đàm phán liên Triều để chuẩn bị cho chuyến đi của các vận động viên và quan chức.
Đáp lại, Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất tiến hành đàm phán vào ngày 9/1 tới, tuy nhiên đề xuất này chưa nhận được phản hồi từ phía Triều Tiên.
Theo giới phân tích, những động thái mới nhất của Triều Tiên mang tính hòa hoãn và nhằm chia rẽ Hàn Quốc với Mỹ. Điều này cũng nhằm hướng tới giảm sức ép và nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng trong tương lai.
Trên thực tế, Hàn Quốc hoan nghênh các động thái của Bình Nhưỡng, còn Mỹ tỏ ra hoài nghi. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng việc mở lại “đường dây điện thoại đỏ” giữa hai miền Triều Tiên là một sự kiện “rất có ý nghĩa”, trong khi đó, trên mạng cá nhân Twitter ngày 2/1, Tổng thống Donald Trump viết: “Đó có thể là một tin tốt, nhưng cũng có thể là không – chúng ta cần phải chờ xem”.
Sự “nhất trí” giữa Mỹ và Hàn Quốc về hoãn tập trận trong bối cảnh hiện nay có thể hiểu là sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Trước cú đòn ngoại giao chủ động từ Bình Nhưỡng, có lẽ Washington hiểu rằng họ không nên “chèn ép” và hậu quả là đẩy Seoul ra xa.
Có ý kiến cho rằng dường như “đòn hiểm” của ông Kim Jong-un nhằm gây chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn đã thành công bước đầu. Trước đây, phía Hàn Quốc từng đề nghị hoãn cuộc tập trận chung trong thời gian diễn ra Thế Vận hội mùa Đông Pyeonghchang nhưng Mỹ không đồng ý.
Sau năm 2017 căng thẳng đỉnh điểm, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã bất ngờ “hạ nhiệt” trong 3 ngày gần đây, với một loạt tuyên bố và động thái hòa hoãn từ phía Triều Tiên và những phản ứng cũng hòa hoãn không kém của Hàn Quốc.
Sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên bất ngờ tung đòn ngoại giao “hiểm” |
Thoạt đầu là ý tưởng được Kim Jong-un đưa ra trong bài phát biểu đầu năm về việc kiến tạo mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hàn Quốc, kèm theo thông tin Triều Tiên có thể cử một phái đoàn tham dự Thế Vận hội mùa Đông ở Pyeongchang vào tháng tới.
Động thái này của Bình Nhưỡng đã được Seoul nhanh chóng hưởng ứng, với đề nghị rằng hai bên sẽ gặp nhau và nói chuyện, kể cả ở cấp cao. Phản ứng của Bình Nhưỡng cũng nhanh chóng được đưa ra, với quyết định tái lập đường dây nóng giữa hai bên và được cả hai chính quyền thực hiện ngay trong ngày 3/1.
Theo hãng tin AP của Mỹ, nhiều khả năng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ đối thoại với nhau, ít ra là liên quan đến việc tổ chức cho phái đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc tham dự Thế Vận hội Pyeongchang.
Riêng Hàn Quốc còn muốn đi xa hơn, với các cuộc đối thoại trên mọi vấn đề như chính Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon đã xác định là “bất cứ lúc nào và dưới bất kỳ hình thức nào”.
Theo hãng tin Pháp AFP, việc Hàn Quốc chấp nhận đối thoại gần như là vô điều kiện với Bình Nhưỡng có thể đi ngược lại với chủ trương của Washington, đặc biệt là đi ngược lại với “chiến dịch gây áp lực tối đa với Triều Tiên” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra nhằm cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng.
Mỹ không loại trừ đối thoại với Triều Tiên, nhưng lại đặt ra một điều kiện tiên quyết, đó là Bình Nhưỡng phải chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Do vậy, nếu Hàn Quốc tiến tới hòa đàm với Triều Tiên, đó sẽ là một “vố đau” cho chính sách hiện nay của chính quyền Trump.
Triều Tiên đã cho Mỹ một “vố đau”? |
Chính vì vậy, ngay trong ngày 2/1, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã nghiêm giọng cảnh báo rằng “Triều Tiên có thể nói chuyện với bất cứ ai họ muốn, nhưng Mỹ sẽ không công nhận hoặc chấp nhận kết quả cho đến khi Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân”.
Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng tố cáo Triều Tiên cố tình gây chia rẽ giữa Seoul và Washington.
Giới phân tích cũng có chung nhận định khi cho rằng ông Kim Jong-un đã “tung quả bóng thăm dò xem Seoul và Washington có khả năng chấp nhận đến đâu”, vừa “đào sâu khoảng cách giữa Mỹ và Hàn Quốc”.
Trong khi đó, giới phân tích Mỹ cho rằng những động thái mới nhất của Triều Tiên là nhằm sử dụng các cuộc đàm phán để tiếp tục hoàn thiện loại vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ một cách đáng tin cậy hơn hiện nay. Các động thái hòa dịu hướng về Hàn Quốc chỉ là nhằm gây sứt mẻ mối quan hệ Seoul-Washington, qua đó làm giảm nhẹ áp lực và sự trừng phạt của quốc tế đối với Triều Tiên.
Trước mắt, căn cứ vào các phản ứng nhiệt tình của Seoul trước các động thái hòa dịu của Bình Nhưỡng, trong lúc Washington tiếp tục bày tỏ thái độ cứng rắn, có thể khẳng định rằng đòn ngoại giao của Kim Jong-un đã có tác dụng.