Saturday, May 4, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBộ Tài chính bác 8 dự án vay lãi cao: Chậm quá...

Bộ Tài chính bác 8 dự án vay lãi cao: Chậm quá…

Với tiềm lực kinh tế, tài chính của Việt Nam hiện nay, lẽ ra Bộ Tài chính phải nói không với những dự án vay nước ngoài từ nhiều năm rồi

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) thẳng nói về quyết định từ chối 8 chương trình, dự án vay vốn nước ngoài với lãi suất cao có tổng trị giá 1,2 tỉ USD của Bộ Tài chính.

Chỉ ra mấy lý do, ông Hải phân tích:

Thứ nhất, quan điểm vay vốn ODA ưu đãi, lãi suất thấp nhưng thực chất không hề thấp. Theo ông Hải, dù được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ 1-2%, đây được xem là mức lãi suất rất thấp so với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, khi ký kết tham gia dòng vốn này, Việt Nam sẽ phải chịu rất nhiều ràng buộc từ cơ chế sử dụng nhà thầu, nguyên vật liệu cho tới việc sử dụng công nhân, lao động của nước cho vay vốn.

Đáng nói, những nhà thầu được chỉ định tham gia dự án thường có năng lực, khả năng cạnh tranh thấp, nhưng giá thầu lại bị đẩy lên rất cao, có khi lên tới 10-20%. Thậm chí, nhiều dự án còn bị tính gộp nhiều khoản chi phí gián tiếp như chi phí cam kết, chi phí môi giới… khiến cho tổng mức đầu tư dự án bị đẩy lên theo.

Trong khi đó, giá cả mua thiết bị lại đắt, nhiều dự án chậm thi công, không được chủ động lựa chọn công nghệ, kỹ thuật… do đó, nhiều dự án phải chấp nhận sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả kém, gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, có dự án vừa đưa vào hoạt động đã phải ngừng do công nghệ không đáp ứng được nhu cầu sản xuất…

Như vậy, nói là vay vốn giá rẻ nhưng thực chất chúng ta lại đang phải sử dụng một dịch vụ quá đắt.

Thứ hai, nguồn vốn trong nước hiện nay rất rồi rào, ngoại tệ còn đang dư thừa, nếu có thể huy động được nguồn vốn này vào đầu tư phát triển, không những có thể giải quyết được đầu ra cho các ngân hàng mà còn tránh được nguy cơ làm tăng nợ công quốc gia.

Thứ ba, về phía doanh nghiệp càng không nên bị phụ thuộc vào nguồn vốn vay nước ngoài. Đặc biệt với những doanh nghiệp phát triển tốt, làm ăn có lãi sẽ không bao giờ muốn vay vốn nước ngoài hoặc vay vốn bằng ngoại tệ. Vì khi vay vốn bằng ngoại tệ, các doanh nghiệp này sẽ phải chịu những ràng buộc cũng như rủi ro về chênh lệch tỷ giá rất lớn so với đồng nội tệ.

Ngoài ra, ông Hải còn cho rằng, Bộ Tài chính cho tới bây giờ mới nói không với 8 dự án vay vốn nước ngoài với lãi suất cao là quá muộn. Bộ Tài chính không những phải từ chối 8 dự án mà còn phải từ chối tất cả các dự án vay bằng vốn ODA, kể cả với những dự án viện trợ không hoàn lại.

“Chúng ta không chê những khoản viện trợ miễn phí, tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó và khi đã nhận những khoản viện trợ miễn phí nghĩa là chúng ta đã phải chấp nhận mang ơn, mắc nợ họ. Quan hệ giữa các quốc gia cũng giống trong quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Nếu một quốc gia khẳng định được tiềm lực tài chính, năng lực sản xuất sẽ khẳng định được tính độc lập tự chủ về cả kinh tế, chính trị, khẳng định được lòng tự tôn dân tộc.

Doanh nghiệp họ đã nói không với nguồn vốn vay nước ngoài từ cách đây vài chục năm rồi. Thế giới, cũng không còn nhiều nước sử dụng nguồn vốn này nữa”, ông Hải nói. 

Ông nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt của Việt Nam là phải quản lý, sử dụng nguồn vốn thật tốt. Khi làm tốt được việc đó, Việt Nam sẽ không phải đi vay bất kỳ nguồn vốn nào mà vẫn đủ tiềm lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội trong nước.

“Chỉ tính riêng việc bán lại cổ phần của một doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam đã thu về cả vài trăm tỷ USD, số tiền này thừa đủ để xây dựng hệ thống đường sắt Bắc – Nam, hệ thống tàu điện ngầm… mà không cần vay vốn của bất kỳ quốc gia nào”, ông Hải nói.

Đề cập tới giải pháp để sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn, Phó chủ tịch VAFI cho rằng cần phải đưa ra mấy thông điệp sau:

Một là, Nhà nước và kể cả DNNN đều không được tham gia đầu tư vào những dự án mới, không lấn sân của khu vực tư nhân. Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực tư nhân không thể làm.

Hai là, chấm dứt hoàn toàn cơ chế Nhà nước đứng ra bảo lãnh vay vốn cho DNNN. Thay vì duy trì cơ chế bảo lãnh vay vốn, cần để các doanh nghiệp đi theo cơ chế thị trường, để thị trường tự quyết định. Khi thực hiện theo cơ chế thị trường, tự các doanh nghiệp phải nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Nhìn từ cuộc cạnh tranh của Vietnam airlines và VietJet Air là rõ. VietJet Air không cần được Nhà nước bảo lãnh vay vốn nhưng họ vẫn mua được hàng trăm máy bay, năng lực hoạt động, chất lượng phục vụ tăng trưởng không ngừng. Thậm chí, VietJet Air còn đang trở thành đối thủ số 1 của Vietnam airlines chỉ trong một thời gian ngắn.

Vì vậy, tư duy Nhà nước đứng ra bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp cần phải chấm dứt”, ông Hải chỉ rõ.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa DNNN, tận dụng nguồn lực thu được từ cổ phần hóa để đầu tư, phát triển trong nước.

Với những DNNN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối hoặc nắm giữ nhiều cổ phần thì kiên quyết phải lên sàn chứng khoán. Bởi vì niêm yết trên sàn chứng khoán, khi bán bao giờ cũng được giá hơn là chưa lên sàn. Hiện vẫn còn nhiều DNNN cổ phần hóa mà chưa lên sàn. Do đó phải thúc đẩy các doanh nghiệp này lên sàn.

Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa cần thực hiện theo cách thức bán trọn lô, chứ không bán kiểu “nhỏ giọt” làm mất giá cổ phần cũng  như gây ảnh hưởng tới lượng vốn trên thị trường.

RELATED ARTICLES

Tin mới