Bản tin Biển Đông ngày 09/01/2018.
Philippines sẽ phản đối Trung Quốc nếu xác nhận được thông tin quân sự hoá trên Đá Chữ Thập
Trang Inquirer cho biết, liên quan đến thông tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc gần đây đề cập đến việc Trung Quốc đã hoàn tất việc củng cố căn cứ không quân trên Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa, tại một cuộc họp báo ngày 08/01, khi được hỏi về quan điểm của mình liên quan đến thông tin này, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Delfin Lorenzana khẳng định Chính phủ Philippines sẽ đưa ra phản đối với Trung Quốc nếu xác minh được rằng thực sự có việc quân sự hoá trên Biển Đông, dù tuần trước Bộ Ngoại giao Philippines vừa ra tuyên bố rằng sẽ tiếp tục duy trì đối thoại với các bên, bao gồm cả Trung Quốc trong việc xử lý các vấn đề ở Biển Đông. Ông Delfin giải thích “đó là vì Chính phủ Trung Quốc trước đây đã khẳng định họ không quân sự hoá Đá Chữ Thập và các căn cứ ở đó chỉ nhằm phục vụ mục đích dân sự”; “nếu Philippines chứng minh được rằng Trung Quốc đã bố trí quân nhân và thậm chí các loại vũ khí nhằm tăng khả năng phòng thủ trên Đá Chữ Thập thì có thể khẳng định rằng Trung Quốc đã vi phạm những cam kết của họ”.
Tổng thống Đài Loan chỉ trích việc Trung Quốc ngang nhiên mở các tuyến đường bay trên eo biển Đài Loan là hành động “vô trách nhiệm”
Ngày 08/01, ABS-CBN đưa tin, sau cuộc gặp ngày 07/01 với các quan chức Đài Loan nhằm đánh giá tình hình liên quan đến việc tuần trước Trung Quốc tuỳ tiện mở một số tuyến đường bay, trong đó có một tuyến đường bay phía Bắc có tên M503 trên eo biển Đài Loan, mà không thông báo cho phía Đài Loan cũng như việc nước này liên tục tăng cường các hoạt động quân sự đe doạ sự ổn định của khu vực, Tổng thống Đài Loan đã gọi hành động đơn phương mới nhất này của Bắc Kinh là “hành động vô trách nhiệm”, “không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng không, mà còn đe doạ tình hình hiện nay ở khu vực eo biển Đài Loan”; đồng thời kêu gọi Bắc Kinh đặt ưu tiên cho việc khôi phục lại các cuộc đàm phán về góc độ kỹ thuật đối với các tuyến đường bay.
Sự lo ngại của Đài Loan không phải là không có cơ sở khi động thái đơn phương này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nước này không ngừng thúc đẩy chương trình hiện đại hoá quân sự ở khu vực nhằm tăng cường hơn nữa sự kiểm soát trên thực tế, bao gồm việc ráo riết sản xuất các tàu sân bay và một loạt các máy bay viễn thám nhằm nâng cao khả năng triển khai lực lượng từ đất liền và thúc đẩy tuần tra ở khu vực gần sát Đài Loan.
Vì lý do nào mà chiến lược biển và quan hệ đối tác của Úc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lại khiến Trung Quốc phải lo ngại?
Ngày 08/01, trang mạng của Trung tâm An ninh Biển quốc tế (CIMSEC) đăng bài viết “Chiến lược Biển và Quan hệ đối tác của Úc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lại khiến Trung Quốc phải lo ngại” của David Scott, chuyên gia phân tích về quan hệ quốc tế khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và địa chính trị biển tại Đại học Quốc phòng NATO, Rome, Ý. Trong bài viết, tác giả đã nhìn nhận lại chiến lược biển của Úc, khẳng định chiến lược biển của Úc đã đặt trọng tâm đối với tuyến đường biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với việc gần đây nước này bày tỏ một cách rõ ràng và mạnh mẽ những lo ngại của nước này trước các hoạt động quân sự hoá trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông David cho rằng, chiến lược biển của Trung Quốc và việc nước này tăng cường hợp tác, triển khai các cuộc diễn tập hải quân với Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác ở khu vực là nguyên nhân khiến Trung Quốc “phải dè chừng” khả năng bị kiềm chế ở Biển Đông.