Sau khi khánh thành căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti, Trung Quốc được cho là đang có kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân nước ngoài thứ hai tại Pakistan. Kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự này của Trung Quốc được Ấn Độ nắm rõ. Và New Delhi rất cảnh giác trước động thái của Bắc Kinh thời gian gần đây.
Trung Quốc có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở phía Nam Pakistan với nhiều mục tiêu.
Căn cứ hải quân của Trung Quốc được cho là xây dựng tại một vị trí chiến lược ở bờ biển phía Nam Pakistan và mang mục tiêu lớn.
“Trung Quốc cần xây dựng thêm một căn cứ khác ở Gwadar cho các tàu chiến của nước này vì cảng Gwadar hiện là cảng dân sự”, Zhou Chenming, chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc cho biết.
Thông thường, những tàu chiến cần có cảng to hơn cùng những dịch vụ hỗ trợ hậu cần đặc biệt.
Gwadar là thành phố cảng thuộc tỉnh Balochistan, Pakistan, nằm cách biên giới Pakistan – Iran khoảng 80km về phía Đông.
Theo chuyên gia Zhou, một căn cứ hải quân gần cảng Gwadar sẽ được Trung Quốc sử dụng để neo đậu các tàu thuyền hải quân, đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hậu cần khác.
Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cũng xác nhận hải quân Trung Quốc sẽ xây dựng cảng ở Gwadar tương tự căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti.
Thông tin về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự thứ hai ở nước ngoài cũng được trang mạng Daily Caller tại Washington đăng tải trước đó.
Dẫn lời đại tá nghỉ hưu của Lục quân Mỹ Lawrence Sellin, bài viết cho biết các cuộc họp giữa giới chức quân đội cấp cao của Trung Quốc và Pakistan cho thấy Bắc Kinh sẽ xây dựng một căn cứ quân sự trên bán đảo Jiwani gần Gwadar và sát biên giới Iran.
Kế hoạch của Trung Quốc là sẽ xây dựng một căn cứ hải quân, mở rộng sân bay hiện thời trên bán đảo Jiwani. Và điều này đòi hỏi Trung Quốc thiết lập một vùng an ninh cũng như buộc phải di dân tới khu vực khác, ông Sellin cho hay.
Cảng Gwadar là mắt xích quan trọng của Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan, phần trọng tâm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm kết nối Trung Quốc với châu Phi và châu Âu thông qua thương mại và cơ sở hạ tầng.
Hành lang này là một chuỗi dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD kết nối Trung Quốc và Pakistan.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn tiếp cận tốt hơn với Ấn Độ Dương thay vì bị giới hạn bởi eo biển Malacca ở khu vực Đông Nam Á như hiện nay.
Cảng Gwadar sẽ là trung tâm trung chuyển cho các tuyến đường biển cũng như đường bộ khi tuyến đường sắt của hành lang này đi vào hoạt động, điều này giúp cải thiện cũng như giảm chi phí hậu cần cho Trung Quốc, chuyên gia Zhou nhận định.
“Hạm đội hải quân của Trung Quốc tuần tra ở vịnh Aden và các tàu chiến khác hộ tống tàu chở dầu của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương cần một căn cứ hải quân để bảo trì cũng như cung cấp các dịch vụ hậu cần vì Trung Quốc không thể mua được nhiều thứ cần thiết ở Pakistan”, ông Zhou cho hay.
Kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự thứ hai của Trung Quốc được Ấn Độ nắm rõ. Và New Delhi rất cảnh giác trước động thái của Bắc Kinh thời gian gần đây.
“Trung Quốc thấy rằng việc dùng Pakistan để đối phó Ấn Độ là vô cùng hữu hiệu. Điều đó tạo ra nhiều căng thẳng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi”, Rajeev Ranjan Chaturvedy, một nhà nghiên cứu tại viện Nghiên cứu Nam Á thuộc đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Bắc Kinh cũng đang xúc tiến đầu tư vào 2 cảng lớn nhất của Sri Lanka. Cảng Hambantota được Sri Lanka chuyển giao cho Trung Quốc trong thỏa thuận trị giá 1,12 tỷ USD.
Dự án thứ hai trị giá 1,4 tỷ USD, trong đó Bắc Kinh định cải tạo khu vực quanh cảng Colombo thành “Thành phố Tài chính quốc tế Colombo”.
Ngoài lý do muốn bảo đảm an ninh cho các chuyến tàu chở dầu đi dọc Ấn Độ Dương đến Trung Quốc, 2 dự án ở Sri Lanka còn có thể phục vụ tàu quân sự của Bắc Kinh, theo chuyên gia an ninh hàng hải Collin Koh thuộc đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).
Ấn Độ thời gian gần đây cũng đẩy mạnh chính sách “hướng Đông” để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc và có bước đề phòng các kế hoạch của Bắc Kinh tại Pakistan.
Giáo sư Swaran Singh tại trường nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, Ấn Độ nhận định, cả Gwadar và Jiwani đều không phải là lựa chọn khôn ngoan để Trung Quốc đặt căn cứ hải quân vì hai khu vực này nằm gần cảng Chabahar của Iran, nơi Ấn Độ đang đầu tư mạnh mẽ.
New Delhi đã đầu tư hơn 100 triệu USD cho hai bến tàu ở cảng này nhằm trao đổi thương mại với Afghanistan và Nam Á.
Căng thẳng giữa Pakistan với Iran hay giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể gia tăng khi Bắc Kinh xây dựng căn cứ hải quân ở Gwadar, ông Singh nhận định.