Saturday, January 11, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMỹ tìm cách chặn 'nhôm TQ xuất qua ngả Việt Nam'

Mỹ tìm cách chặn ‘nhôm TQ xuất qua ngả Việt Nam’

Các nhà sản xuất nhôm ở Mỹ yêu cầu các biện pháp bảo hộ thương mại mới chống lại nhôm Trung Quốc xuất qua ngả Việt Nam hôm 9/1, theo Reuters.

Họ cáo buộc công ty Trung Quốc Zhongwang và các chi nhánh trốn thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ.

Trong hồ sơ kiện gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Hội doanh nghiệp sản xuất nhôm Mỹ (AEC) cho biết sản phẩm nhôm đùn xuất khẩu từ chi nhánh Zhongwang tại Việt Nam phải bị Hoa Kỳ đánh thuế nhập khẩu giống như nhôm Trung Quốc, Reuters tường thuật.

Tổng các mức thuế nêu trên là 106%, theo Bộ Thương mại.

Hồ sơ kiện là động thái tiếp theo sau một loạt biện pháp nhằm tăng rào cản thương mại đối với nhôm Trung Quốc, gồm Bộ Thương mại áp thuế sơ bộ đối với giấy nhôm và cuộc điều tra sản phẩm nhôm tấm lá cuộn Trung Quốc.

‘Thay đổi chút ít’

Chính quyền Trump cũng đang xem xét mở rộng quy định hạn chế nhập khẩu nhôm vì vấn đề an ninh quốc gia.

Bộ Thương mại sẽ đưa các khuyến nghị đến chính phủ từ cuộc điều tra “Mục 232” về nhôm nhập khẩu hôm 22/1. Các khuyến nghị từ cuộc điều tra tương tự nhắm vào thép nhập khẩu sẽ được đưa ra ngày 16/1, nhưng chưa rõ là các báo cáo về vụ việc có được công khai.

Năng lực sản xuất dư thừa hai kim loại này của Trung Quốc của cả hai kim loại khiến Hoa Kỳ và châu Âu phải xem xét các biện pháp mới để bảo hộ ngành công nghiệp và việc làm trước việc tràn ngập sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong hồ sơ kiện, (AEC) đưa bằng chứng cho thấy chi nhánh Zhongwang ở Việt Nam chỉ thay đổi chút ít hình dạng sản phẩm nhôm Trung Quốc nhưng lại lấy xuất xứ Việt Nam.

“Những hành động trắng trợn này là nhằm lẩn tránh thuế nhập khẩu từ phía Mỹ, tạo ra môi trường cạnh tranh mất công bằng, nên việc nhập nhôm Trung Quốc phải bị ngừng lại,” Reuters dẫn lời Jeff Henderson, chủ tịch AEC.

Hồi tháng 12/2017, Mỹ đã áp thuế nặng các sản phẩm thép cán nóng nhập từ Việt Nam nhưng có xuất xứ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới