Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc họp về Triều Tiên bị TQ, Nga phản ứng

Cuộc họp về Triều Tiên bị TQ, Nga phản ứng

Ngoại trưởng 20 quốc gia nhóm họp tại Vancouver, Canada ngày 16-1 để tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên, nhưng sự vắng mặt của Trung Quốc và Nga khiến hi vọng trở nên khó khăn.

Trung Quốc, Nga phản ứng  cuộc họp về Triều Tiên - Ảnh 1.

Các quan chức liên Triều tiếp tục gặp mặt ngày 15-1 tại khu vực biên giới Ảnh: REUTERS

Cuộc gặp được lên kế hoạch sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gây chấn động hồi tháng 11-2017, nhưng diễn ra trong bối cảnh đang có những dấu hiệu tích cực khi hai miền tiến hành đối thoại lần đầu tiên sau hơn hai năm.

Cuộc gặp của Nhóm Vancouver gồm 20 quốc gia tham gia cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Ngoài các ngoại trưởng, cuộc gặp cũng có mặt các quan chức quân sự.

Trừng phạt hay ngoại giao?

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ và Canada cho biết cuộc họp nhằm thúc đẩy ngoại giao, nhưng đồng thời cũng tăng cường sức ép tài chính lên Triều Tiên.

Theo đó, các quan chức sẽ thảo luận những cách triển khai hiệu quả các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, bao gồm những biện pháp mới nhất thông qua hồi tháng trước về việc hạn chế Bình Nhưỡng tiếp cận nguồn dầu và sản phẩm công nghiệp.

Theo AFP, một trong những đề xuất tại cuộc họp là đưa tàu chiến đến vùng biển Nhật Bản để chặn và kiểm tra những tàu nghi tiếp tay cho Triều Tiên, nhưng nhiều nước đã tỏ ra lo ngại.

Ông Scott Snyder, giám đốc Chương trình chính sách Mỹ – Hàn của Hội đồng đối ngoại Washington, cảnh báo việc siết trừng phạt có thể khiến Triều Tiên coi đó là hành động gây chiến. “Để trừng phạt hiệu quả trong việc giúp đạt được mục tiêu ngoại giao thì không nên sử dụng trừng phạt như búa tạ, mà phải (khéo léo) như kìm kẹp hay dao phẫu thuật” – ông Snyder nhận định.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết cộng đồng quốc tế cần phải đoàn kết. “Các biện pháp trừng phạt đang nhức nhối, nhưng chúng ta cần duy trì áp lực ngoại giao lên chính quyền (nhà lãnh đạo Triều Tiên) Kim Jong Un” – ông Johnson nói.

Tuy nhiên, hi vọng không mấy sáng sủa. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vẫn thận trọng khi cho rằng cần có những “điều kiện phù hợp” để đối thoại với ông Kim Jong Un, tuyên bố bị Bình Nhưỡng cho là “mơ mộng” và “vô lý”.

Hai nước trong nhóm là Trung Quốc và Nga không tham dự cuộc họp và dự kiến được thông báo kết quả sau. Bắc Kinh và Matxcơva “đóng vai trò quan trọng trong việc hướng đến một bán đảo Triều Tiên hòa bình” – Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh.

Căng thẳng

Trung Quốc ngày 16-1 tiếp tục phản ứng gay gắt cuộc họp của Nhóm Vancouver. “Các bên liên quan quan trọng nhất trong vấn đề Triều Tiên không tham gia, nên tôi không nghĩ đây là một cuộc họp hợp pháp và mang tính đại diện” – AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích tư tưởng chiến tranh lạnh của một số nước.

Truyền thông Trung Quốc cùng ngày đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định bán đảo Triều Tiên đang có những “thay đổi tích cực”.

“Các bên liên quan nên chung sức giữ lấy động lực xoa dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên và tạo điều kiện để tái khởi động các đối thoại” – Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng chỉ trích chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Triều Tiên.

“Không may là các đồng nghiệp Mỹ và đồng minh vẫn chỉ muốn làm theo cách đưa ra các tối hậu thư, mà không lắng nghe quan điểm từ các trung tâm chính trị khác trên thế giới” – ông Lavrov nói.

Bất chấp tín hiệu tích cực từ đối thoại liên Triều, căng thẳng vẫn ám ảnh khi Bình Nhưỡng tiếp tục đưa ra những đe dọa.

 Trong khi đó, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump bắn tín hiệu sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, khẩu chiến vẫn nổ ra liên quan việc ông Trump cảnh báo có “nút hạt nhân to và mạnh hơn” của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Đáp lại, Bình Nhưỡng không nhượng bộ khi bình luận lãnh đạo Mỹ “huênh hoang khoác lác”.

Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền ông Trump vẫn còn hoài nghi về kết quả đối thoại liên Triều.

Thậm chí New York Times ngày 14-1 khẳng định Lầu Năm Góc đang âm thầm chuẩn bị chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, với dẫn chứng các cuộc diễn tập quân sự ngày càng lớn và thường xuyên hơn, điều chưa từng thấy kể từ khi Mỹ tham gia cuộc chiến Iraq năm 2003.

RELATED ARTICLES

Tin mới