Việt Nam vừa thích vừa ngại thị trường, sợ cạnh tranh dù muốn cạnh tranh, DNNN có mức đầu tư lớn, thâm dụng vốn cao nhưng năng suất rất thấp…
Tại Diễn đàn bền vững Việt Nam 2018 diễn ra ngày 18/1, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn chỉ ra hàng loạt những nghịch lý trong nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, ông cho rằng Việt Nam đã có 30 năm đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường nhưng cứ đi nửa vời, không dứt khoát. Việt Nam vừa thích thị trường, vừa ngại thị trường, rất sợ cạnh tranh dù rất muốn cạnh tranh…
“Hễ có bất cứ vấn đề nào chúng ta cũng đổ lỗi cho thị trường, từ thực phẩm không an toàn, gian lận doanh nghiệp… mà không nhìn ra hiệu lực quản lý nhà nước yếu kém và thiếu sự dứt khoát trong thúc đẩy chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Theo Viện trưởng CIEM, những nghịch lý lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam nằm ở việc không chuyển đổi được thành phần kinh tế khi tỷ lệ kinh tế nhà nước vẫn còn ở mức cao, không gia tăng được kinh tế tư nhân, không chuyển dịch được kinh tế phi chính thức sang chính thức, không chuyển dịch được nguồn lực từ nơi kém hiệu quả sang nơi hiệu quả hơn.
Trong khi đó, DNNN có mức đầu tư lớn, thâm dụng vốn cao nhưng năng suất rất thấp, hiệu quả càng thấp, đầu tư thiên về gia tăng tài sản hơn là vào khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng của tài sản. Ở các vùng kinh tế, Hà Nội và TP HCM không tận dụng được quy mô, mật độ kinh tế để tạo ra những cực tăng trưởng nhằm kéo theo tăng trưởng của cả vùng.
“Kinh tế Việt Nam có mức độ thị trường thấp do hậu quả của cải cách nửa vời, không dứt khoát. Thị trường các yếu tố sản xuất rất kém phát triển, méo mó. Sự méo mó này làm nguồn lực phân bổ sai lệch, sử dụng kém hiệu quả, năng suất lao động thấp, tốc độ tăng trưởng thấp, năng lực cạnh tranh kém”, vị chuyên gia nhận xét.
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung, khu vực DNNN hiện nay sử dụng nhiều nguồn lực nhưng đóng góp vào nền kinh tế chưa tương xứng.
“Xét về chi phí cơ hội thì khu vực này đang làm xói mòn đi thịnh vượng và tiềm năng quốc gia”, ông cho biết.
Vị chuyên gia đánh giá, trong 10 năm vừa rồi, những sự mất mát mà DNNN gây ra đã làm giảm tiềm năng và suy giảm năng lực phát triển tăng trưởng của nền kinh tế rất nghiêm trọng.