Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNgười châu Phi than trời vì lừa bị đánh cắp lấy da...

Người châu Phi than trời vì lừa bị đánh cắp lấy da để sản xuất thành “dược liệu quý” ở TQ

Để đáp ứng nhu cầu về cao lừa, các công ty Trung Quốc đã triển khai thu mua da lừa từ các quốc gia đang phát triển khiến cuộc sống của người dân nước bản địa đối mặt nhiều hệ lụy.

Cao lừa thành phẩm ở Trung Quốc. Ảnh: AP

Khi móng lừa trở thành kỷ vật

“Chính là ở đây”, Morris Njeru ở Nairobi, Kenya chỉ tay về phía mảnh ruộng. Cách đây không lâu, ông tìm thấy ba cái xác lừa còn vương vết máu. Đó là ba chú lừa cuối cùng của ông, chúng lần lượt tên là David, Mukurino và Scratch.

Njeru năm nay 44 tuổi, làm nghề khuân vác tại các khu chợ. Ông dùng sức kéo của những chú lừa để vận chuyển hàng hóa. Đầu năm nay, ông đã mất đi tất cả năm chú lừa. Những chú lừa này đều bị kẻ trộm cắt cổ họng, lột da và bỏ thịt lại cho lũ chim ưng và bầy linh cẩu.

Bốn tháng sau đó, ông tìm thấy một cái móng lừa và cất nó vào trong túi làm vật kỷ niệm.

Njeru từng có một cuộc sống thoải mái nhưng từ khi không còn lừa, thu nhập của ông bị giảm từ 30 USD xuống dưới 5 USD/ngày. Ông hiện nay không có khả năng chi trả cho căn hộ đang thuê.

“Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn”, ông nói. “Tôi dựa vào những con lừa này để nuôi sống gia đình mình”.

Theo New York Times, đối với Njeru và hàng triệu người khác trên khắp thế giới, lừa là phương tiện chính để vận chuyển thực phẩm, nước, củi, hàng hoá. Nhưng ở Trung Quốc, chúng lại có một công dụng khác: sản xuất cao. Cao lừa hay a giao là một loại thuốc y học cổ truyền, là thành phẩm được chiết xuất từ da lừa đã qua chế biến.

Thực tế, cao lừa đã tồn tại từ nhiều thế kỷ nay nhưng người ta bắt đầu quan tâm đến loại thuốc này bắt đầu khoảng năm 2010. Vào thời điểm đó, công ty sản xuất cao lừa lớn nhất ở Trung Quốc đã tiến hành các chương trình quảng cáo quy mô lớn về tác dụng của loại thuốc này.

15 năm trước, giá cao lừa ở Trung Quốc khoảng 9USD/kg nhưng hiện nay, giá cao lừa vào khoảng 400USD/kg.

Do nhu cầu tăng cao, số lượng lừa ở Trung Quốc – có thời kỳ lớn nhất trên thế giới – đã giảm từ 11 triệu xuống còn dưới 6 triệu con, thậm chí có thể chỉ còn 3 triệu con. Điều này cho thấy, việc nỗ lực để bổ sung đàn gia súc là một nhiệm vụ khá khó khăn bởi lừa không giống như bò hay lợn, chúng không dễ sinh sản. Một con lừa chỉ sinh sản một lần trong năm và có xu hướng sảy thai khi bị căng thẳng.

Vì vậy, các công ty Trung Quốc bắt đầu thu mua da lừa từ các quốc gia đang phát triển. Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức phi chính phủ về bảo vệ lừa ở Anh, toàn thế giới hiện có khoảng 44 triệu con lừa nhưng mỗi năm lại có khoảng 1,8 triệu con lừa bị giết lấy da để sản xuất cao.

“Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về cao lừa, hơn nữa nhu cầu này không có dấu hiệu giảm”, Simon Pope – Giám đốc sự kiện và phản ứng nhanh của tổ chức này cho biết. “Kết quả là, những chú lừa như bị hút khỏi đàn bằng những chiếc máy hút bụi”.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh tháng 11/2017 từng cảnh báo, nhu cầu về cao lừa của Trung Quốc có thể khiến những chú lừa “trở thành những chú tê tê tiếp theo”.

“Việc Trung Quốc chọn nhập khẩu lừa giá cáo từ khắp các nơi trên thế giới có thể khiến lừa ở các khu vực khác trên thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng”, một tạp chí thú y nổi tiếng thế giới viết.

“Ngôi làng trở thành bãi rác”

Da lừa được vận chuyến đến Trung Quốc từ các quốc gia khác nhau như Kyrgyzstan, Brazil và Mexico nhưng châu Phi mới là trung tâm của hoạt động thương mại này dù xét trên phương diện số lượng lừa bị giết hay ảnh hưởng tới nước bản địa.

“Trong năm 2016, ngành kinh doanh lừa bùng nổ”, Obassy Nguvillah, cảnh sát của Monduli, Tanzania, gần biên giới Kenya nói. “Ngày càng có nhiều người đến khu vực Maasai, bắt lừa đưa tới các nhà máy chế biến của Trung Quốc.”

Ông Nguvillah, người phụ trách Esilalei – ngôi làng bao quanh bởi những cánh đồng tiêu điều vì hạn hán cho biết, trong một năm, người trong thôn bị mất gần 475 con lừa. Cảnh sát theo dõi nhóm đạo tặc và thu hồi được 175 con, những con khác có thể đã bị bán vào lò mổ. Các chủ lừa đã gặp rất nhiều khó khăn vì không đủ chi phí mua lừa thay thế.

“Bây giờ, chúng tôi đều rất buồn bởi phương tiện giao thông của chúng tôi, lừa của chúng tôi đã không còn”, bà Katasi Moko nói, bà chỉ còn duy nhất một chú lừa, 4 chú khác đã bị đánh cắp.

Khi còn đủ năm chú lừa, bà Katasi Moko có thể làm hai việc mỗi ngày: Đi đến một cái giếng xa để lấy nước hoặc đi lấy củi nhưng khi chỉ còn một chú lừa, bà chỉ còn đủ thời gian để làm một việc bởi công việc cần di chuyển nhiều chuyến.

“Khối lượng công việc của chúng tôi đã tăng lên”, bà nói.

Mười bốn nước châu Phi cùng với Pakistan đã ban hành các lệnh cấm chống lại việc buôn bán lừa quốc tế. Tanzania gia nhập danh sách này trong tháng Sáu vừa qua, với lo ngại rằng lừa của quốc gia mình sẽ sớm bị xóa sổ nếu tiếp tục bị giết mổ.

Rimoinet Shamburi, trưởng làng Esilalei cho biết, số lượng các vụ trộm đã giảm sau lệnh cấm nhưng hiện tượng vẫn chưa triệt để.

“Mọi thứ vẫn còn tồi tệ bởi có một ngành công nghiệp ở Nairobi đang hỗ trợ ăn cắp lừa”, ông nói.

Không giống như Tanzania, buôn bán da lừa của Kenya cho thấy không có dấu hiệu chậm lại. Trong năm 2016, giá da lừa cao hơn vào năm 2014 năm mươi lần, trong khi giá lừa sống đã tăng gần gấp ba, từ khoảng 60USD lên 165USD..

Theo một bản ghi nhớ của chính phủ nước này, có ba lò mổ ở Kenya, do người Trung Quốc sở hữu hoặc hợp tác với Trung Quốc đã xử lý gần 100.000 con lừa trong hai năm.

Ngoài ra còn rất nhiều cửa hàng lông thú được mở ở Nairobi cũng như một lò mổ thứ 4 đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Những chủ lò mổ này còn cho rằng, “họ đang tạo công ăn việc làm, trả giá cao để mua những chú lừa vô dụng”.

“Ngành nghề này đã hỗ trợ rất nhiều người”, John Kariuki, quản lý lò mổ Goldox Donkey Slaughterhouse nói. “Thay vì phải bán bò, dê, người dân Maasai chỉ cần bán lừa để trả học phí cho con họ”.

Goldox Donkey Slaughterhouse là lò mổ lớn nhất ở Kenya, một ngày họ có thể xử lý đến 450 con lừa. Họ đang cố gắng tạo thiện chí bằng cách cung cấp nước miễn phí cho người dân và trả học phí cho bốn trẻ ở địa phương.

Giới phân tích cho rằng, lợi ích của giao dịch đã bị phóng đại và đem đến rất nhiều hệ lụy.

“Lừa sau khi bị đánh cắp, hoặc bị giết trong bụi rậm hoặc bị vận chuyển trong điều kiện vệ sinh tồi tệ”, một nhân viên thú y Kenya chia sẻ.

Theo số liệu điều tra vào năm 2009, Kenya có 1,8 triệu con lừa, đảm bảo cuộc sống cho khoảng 10 triệu người. Nhưng theo Solomon Onyango, Giám đốc chương trình phát triển khoa học thú y thuộc Tổ chức bảo vệ lừa Kenya, con số này dự kiến ​​sẽ giảm đáng kể vào năm 2019 khi số liệu thống kê tiếp theo được công bố.

“Những con lừa Kenya không thể duy trì được nhu cầu này”, Onyango nói.

Theo tổ chức này, nhu cầu mạnh mẽ về da lừa đã làm cạn kiệt lừa của các nước láng giềng, đôi khi lừa được đưa vào Kenya từ Uganda, Somalia hoặc Tanzania.

Hơn nữa, việc xử lý chất thải của các lò mổ đã trở thành một vấn đề quan trọng. Hộp sọ, xương sườn, đốt sống và chân móng của những chú lừa bị giết nằm rải rác trong bãi cỏ và bụi bẩn. Một mùi thối rữa quang quẩn trong không khí, lũ chim ứng thì bay vòng vòng trên không trung. Các lò mổ bị cáo buộc gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và gây mầm bệnh cho người dân.

Evans Kiprop, một nông dân cho biết bò của ông đã mắc các vấn đề mắt do ô nhiễm và sản lượng sữa đã giảm xuống. Ông này nói rằng những con chó hoang thường tụ tập ở đây, kéo xác lừa vào các khu vực vui chơi của lũ trẻ, gây lo ngại về an toàn, vệ sinh và bệnh dại.

“Chúng tôi không muốn ăn hoặc ngủ ở đây”, Koros Kipkoech, một người hàng xóm khác nói. “Họ đang biến ngôi làng của chúng tôi thành bãi rác”.

Theo NYT, khi sự bất mãn của người dân tăng cao, chủ lừa và Hiệp hội thú y Kenya đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Nairobi. Tháng 7 năm ngoái, Onyango và các chủ lừa đã gửi thư keo gọi dừng hoạt động mua bán da lừa tới các cơ quan liên quan tại Kenya.

RELATED ARTICLES

Tin mới