Sau khi thăm Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đến Việt Nam để thảo luận với các nhà lãnh đạo chủ nhà về tự do hàng hải trên Biển Đông.
Ngày 20/1, khu trục hạm USS Hopper mang tên lửa của Hải quân Hoa Kỳ vừa tiến hành một cuộc cơ động “đi qua vô hại” bên trong 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Đây là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines nhưng Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ bãi cạn Scarborough. Theo ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần bãi cạn Scarborough mà không được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc.
Theo đó, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành quy trình nhận dạng cũng như xác minh theo quy định của luật, và đã cảnh báo yêu cầu tàu Mỹ rời đi. Ông Lục Khảng còn hối thúc Mỹ “sửa chữa sai lầm và dừng tiến hành các động thái khiêu khích, tránh làm tổn hại tới quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình, ổn định của khu vực”.
Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm thách thức các tuyên bố bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington “phá hoại hòa bình và ổn định” trong khu vực.
Về phía Mỹ, nước này không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông nhưng tuyên bố họ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Phía Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện các sứ mệnh của tàu hải quân trong khu vực, nhằm bảo đảm hoạt động tự do hàng hải và ủng hộ thượng tôn pháp luật tại các vùng biển của thế giới. Ông phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ cho biết: “Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) thông thường và thường xuyên, như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai”. Rằng các hoạt động như vậy không phải nhằm vào bất cứ một quốc gia nào, cũng không phải là về tuyên bố chính trị.
Thay vào đó, Mỹ muốn chứng tỏ cam kết nước này bảo vệ quyền tự do đi lại và sử dụng hợp pháp biển cũng như không phận của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế
Bãi cạn Scarborough là một phần trong vụ kiện do Philippines khởi xướng tại tòa trọng tài thường trực quốc tế ở La Hay (Hà Lan) chống lại yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong phán quyết hồi tháng 7/2016, tòa trọng tài đã chính thức bác bỏ yêu sách này, song Bắc Kinh đến nay vẫn lớn tiếng phủ nhận và ngang nhiên không tuân thủ bất kỳ kết luận nào của tòa.
Phản ứng trước diễn biến mới này, ngày 21/1 Philippines cho biết, bãi cạn Scarborough là một phần vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Philippines và Manila không để bị lôi vào cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc trong vụ “đi qua vô hại” của tàu USS Hopper. Và “Hoa Kỳ có thể theo đuổi mối quan tâm của mình. Chúng tôi không muốn trở thành một phần trong trò chơi giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông.”
Trong khi đó theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, đồng minh Hoa Kỳ đã không thông báo cho Manila biết về hoạt động hải quân gần Scarborough. Tuy nhiên ông cũng khẳng định rõ, tàu chiến Mỹ hoạt động bên trong 12 hải lý xung quanh Scarborough là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế khi đi qua vô hại. Và rằng: “Bất chấp những tranh cãi chưa được giải quyết về vấn đề bãi cạn Scarborough, điều quan trọng là ngư dân của chúng tôi có thể đánh cá và kiếm sống trên bãi cạn này.”
Manila và Bắc Kinh hiện đang quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đồng thời Philippines hy vọng sẽ sớm có bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trong một động thái khác có liên quan tới Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bắt đầu chuyến công du 1 tuần đến châu Á bắt đầu từ Chủ nhật 21/1.
Ông chủ Lầu Năm Góc hy vọng sẽ tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Indonesia và Việt Nam. Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm, ông nói:
“Chúng ta cùng chia sẻ Thái Bình Dương, đó là một đại dương mang tên gọi của hòa bình. Chúng tôi muốn nhìn thấy nó mãi bình yên, để tất cả các quốc gia ở đây chung hưởng thịnh vượng.”
Sau khi thăm Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ đến Việt Nam để thảo luận với các nhà lãnh đạo chủ nhà về tự do hàng hải trên Biển Đông.
Về các hoạt động quân sự hóa Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông, ngày 21/1 trang Strategy cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một hệ thống đa cảm biến để thu thập dữ liệu liên tục về vị trí chính xác của tàu ngầm, tàu mặt nước hoạt động ở Biển Đông.
Hoạt động do thám này được thực hiện bởi hệ thống vệ tinh viễn thám Bắc Đẩu ở độ cao 600 km. Trung Quốc cũng sẽ sử dụng các thiết bị lặn không người lái trên Biển Đông để thu thập dữ liệu mặt biển, đáy biển để phục vụ các hoạt động của tàu ngầm.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc đã triển khai một thiết bị tác chiến điện tử mới cho máy bay ném bom H-6G trong cuộc diễn tập gần đây. Thiết bị tác chiến điện từ ECM được lắp dưới cánh của máy bay này, dùng để gây nhiễu ra đa, chế áp điện từ đối phương.