Wednesday, January 15, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 24/01/2018

Bản tin Biển Đông ngày 24/01/2018

Bản tin Biển Đông ngày 24/01/2018.

          Philippines tiến hành tuần tra ở khu vực bãi cạn Scarborough

          Rappler đưa tin, sáng ngày 23/01, Không lực Philippines đã đưa máy bay C295 tiến hành tuần tra tại khu vực bãi cạn Scarborough trên Biển Đông cùng với một đội phóng viên truyền hình của Đài ABS-CBN nhằm xác minh rằng “không có vấn đề gì ở khu vực” và “Philippines vẫn có thể đưa một máy bay quân sự tới bãi cạn tranh chấp với Trung Quốc mà không bị Trung Quốc phản đối” trong bối cảnh có một số ý kiến chỉ trích rằng Philippines không bảo vệ được chủ quyền của nước này đối với khu vực. Theo Trung tá Isagani Nato cho biết ngày 23/01, Phát ngôn viên Tư lệnh Bắc Luzon, Philippines, máy bay của nước này không nhận được bất cứ phản đối qua radio nào từ phía Trung Quốc, cũng như xác nhận không có hoạt động xây dựng nào ở bãi cạn Scarborough nhưng cho biết có ít nhất 4 tàu cá đang ở khu vực cfung với khoảng 4 tàu Hải cảnh và tàu cá của Trung Quốc. Tuy nhiên, không rõ là máy bay này có đi vào khu vực 12 hải lý của “vùng lãnh hải mà Trung Quốc yêu sách” hay không.

          Bắc Kinh có thể sẽ phải lo ngại sau khi Mỹ có động thái ủng hộ yêu sách của Indonesia gần đảo Natuna trên Biển Đông

          Ngày 24/01, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã ghi nhận vai trò “tối quan trọng” của Indonesia, “điểm tựa của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, khẳng định Mỹ sẽ cam kết duy trì nhận thức trên biển ở khu vực Biển Đông và Biển Bắc Natuna cũng như tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, phát biểu này cho thấy ông Mattis đã chấp nhận việc Indonesia đổi tên khu vực Biển Bắc Natuna mà trước đây được xem là một phần của Biển Đông hồi tháng 7/2017 khiến Trung Quốc nổi đoá. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, trong buổi họp báo này, ông Mattis cũng đã nhiều lần sử dụng khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thay cho “Châu Á – Thái Bình Dương”. Đây là khái niệm mà một số nhà phân tích chính trị đánh giá là đã thể hiện được nỗ lực nhằm chuyển từ ảnh hưởng của Trung QUốc sang vai trò của Ấn Độ và các nước ở khu vực Ấn Độ Dương, trong đó có Indonesia, vì khái niệm này bao trùm lên một khu vực có phạm vi lớn hơn, do các nước dân chủ dẫn dắt, ngược lại với khái niệm “Châu Á – Thái Bình Dương” gồm các nước đang phải chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

          Giấy phép 33 ngày cho phép Trung Quốc khảo sát khu vực vành đai Tây Thái Bình Dương bắt đầu có hiệu lực

          Rappler cho biết, theo một tài liệu dài 4 trang có tên “Cho phép Thực hiện Nghiên cứu Khoa học Biển (MSR) tại các khu vực nằm trong quyền tài phán quốc gia của Philippines” mà Rappler có được, Bộ Ngoại giao Philippines đã cấp giấy phép cho phép Trung Quốc khảo sát và thu thập dữ liệu về khu vực vành đai trên biển ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong vòng 33 ngày, cụ thể là khu vực bờ biển phía Đông đảo Luzon và Mindanao của Philippines, đã có hiệu lực vào ngày 24/1. Giấy phép này cũng đưa ra quy định cấm các hoạt động khảo sát thuỷ văn, đo đạc bản đồ trong phạm vi quyền tài phán của Philippines cũng như các hoạt động khoan dò trong vùng thềm lục địa của Philippines và đánh bắt cá. Ngoại trưởng Philippines cho biết, khu vực giấy phép này đưa ra bao gồm cả khu vực Benham Rise. Theo đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã cho phép Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (IO-CAS) tiến hành nghiên cứu với các nhà khoa học Philippines đến từ Viện Khoa học Biển, Đại học Philippines. Các nhà khoa học Philippines sẽ có quyền tiếp cận “không giới hạn” đối với tất cả các khu vực và đối với tất cả các trang thiết bị, đồng thời Philippines vẫn được bảo lưu quyền ngừng dự án nghiên cứu này. Rappler cho biết, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu khảo sát Ke Xue Hao, cùng với các phương tiện và cơ sở vật chất sử dụng trong quá trình nghiên cứu, được cho là sẽ được giám sát nghiêm ngặt bởi lực lượng hải quân hoặc Cảnh sát Biển Philippines. Tàu này cũng sẽ phải thường cuyên cung cấp về vị trí và tình trạng cho phía Philippines. Theo The Philippine Star ngày 24/01, Thượng Nghị sỹ Gary Alejano cho biết theo nguồn tin ông có được, tàu Kexue đã có mặt tại phía Đông Bắc Palanan, Isabela của Philippines từ 23/01, thậm chí đã đi vào lãnh thổ Philippines từ ngày 22/01, “hai ngày trước khi được cấp phép thăm dò”, đồng thời xác nhận hoạt động thăm dò của Trung Quốc sẽ diễn ra từ 24/01 – 25/02/2018.

          Rappler cho hay, theo Thượng Nghị sỹ Đảng Magdalo Gary Alejano thông tin tối ngày 23/01, hiện tàu Ke Xue Hao đã ở trong vùng biển của Philippines. Tuy nhiên, Thượng Nghị sỹ Alejano vẫn cho rằng “không thể tin vào Trung Quốc” vì nước này quá “nổi tiếng” với phong cách “nói một đằng làm một nẻo”. Trong khi đó, giáo sư Jay Batongbacal thuộc Đại học Philippines bước đầu tỏ ra ủng hộ việc Trung Quốc âm thầm hợp tác với các nhà khoa học Philippines tham gia vào hoạt động khảo sát. Ông nhận định, giấy phép sẽ “đưa Trung Quốc vào khuôn khổ”, buộc nước này phải tuân thủ luật pháp của Philippines và bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy định mà Philippines đặt ra trong giấy phép, để kết quả của quá trình nghiên cứu sẽ được chia sẻ với phía Philippines. Tuy nhiên, ông đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng đây sẽ không phải là lần cuối mà Trung Quốc được chấp thuận để nghiên cứu khu vực vùng biển phía Đông Philippines bởi “Trung Quốc đã có một kế hoạch lớn đến năm 2020 nhằm nghiên cứu toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương”.

          Mỹ tranh thủ Indonesia và Việt Nam để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương         

          Ngày 23/01, tờ Nikkei nhận định, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Indonesia từ ngày 22/01 đã cho thấy vai trò ngày càng gia tăng của vấn đề an ninh ở Biển Đông đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tích cực hợp tác với Indonesia và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực. Trong chuyến thăm này, ông đặc biệt nhấn mạnh đến cam kết của Mỹ đối vớ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – một khái niệm do Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy nhằm đưa Ấn Độ và Úc vào một trật tự khu vực mới để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bao gồm cả các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Nikkei cho biết, vấn đề Biển Đông được đặc biệt ưu tiên trong lịch trình chuyến thăm một tuần của Bộ trưởng Mattis tới Châu Á. Tại Jakarta, ông Mattis nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Indonesia trong khối ASEAN đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác trên biển với Indonesia, đưa nước này và các nước ASEAN nhằm răn đe các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở khu vực. Ngoài ra, ông cho biết Mỹ sẽ ủng hộ tầm nhìn của Indonesia nhằm hướng tới việc xây dựng trục biển toàn cầu thông qua các hoạt động hợp tác biển, khẳng định “đây là những bước rất, rất quan trọng” để đảm bảo hoà bình và ổn định của khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Nikkei lo ngại rằng dường như Indonesia vẫn đang có cách tiếp cận cẩn trọng đối với vấn đề Biển Đông sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryacudu nói rằng “căng thẳng ở Biển Đông đã được hạ nhiệt nhờ những cuộc trao đổi thường xuyên giữa ASEAN và Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới