Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngVấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995)...

Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt-Trung (1974-1995) – Kỳ 4

Nằm ở vị trí chiến lược trên biển Đông, đồng thời lại chứa đựng những tài nguyên quý giá, nên từ đầu thế kỷ XX, quần đảo Hoàng Sa, một bộ phận lãnh thổ Việt Nam đã trở thành mục tiêu tranh chấp của một số nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.

Đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Những hành động của Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam rõ ràng là hành động bất hợp pháp, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, vi phạm nguyên tắc không sử dụng vũ lực của Liên hợp quốc, là sự chà đạp thô bạo luật pháp quốc tế. Tờ báo Pháp Li-bê-ra-ti-on vạch rõ: ” Cái chính trị pháo thuyền này khởi động những mối lo ngại từ lâu về chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa ở Đông-Nam Á. Các nước trong vùng không khỏi nhận thấy một cách bực dọc rằng, các bản đồ phát hành ở Bắc Kinh chỉ rõ lãnh thổ Trung Quốc kéo dài đến sát bờ biển Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Việt Nam” (Liberation (Pháp), ngày 25-3-1988).

Cũng như các triều đại, các Chính phủ trước đây, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước sau khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Việt Nam chủ trương tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác, song quyết không để người khác xâm chiếm bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

Với lòng mong muốn giữ gìn tình hữu nghị Việt- Trung, tôn trọng nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; trong các ngày 17, 23 và 27 tháng 3 năm 1988, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc cử đại diện đàm phán để giải quyết những bất đồng liên quan đến quần đảo Trường Sa, cũng như các vấn đề tranh chấp khác về biên giới và quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam cũng đề nghị, trong khi chờ đợi hai bên cam kết không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp (Theo Công hàm Bộ ngoại giao CHXNCN Việt Nam gửi Bộ ngoại giao CHND Trung Hoa ngày 17, 23 và 27-3-1988).

Đáp lại, trong Bị vong lục công bố ngày 12 tháng 5 năm 1988, Trung Quốc xác nhận ý kiến của Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc trong cuộc hội đàm với Việt Nam tại Bắc Kinh, tháng 9 năm 1975 như sau: ” Đối với Việt Nam, ngay sau khi họ đưa ra đòi hỏi về lãnh thổ đối với quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, tháng 9 năm 1975, lãnh đạo phía Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nêu ra với người lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn đang thăm Trung Quốc, phía Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa từ cổ đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua hiệp thương hữu nghị, bày tỏ “sau này có thể thương lượng” ” (Nhân dân nhật báo, ngày 12/5/1988).

Bước vào thập kỷ 90, quan hệ hai nước dần dần trở lại bình thường. Thông cáo chung Việt Nam-Trung Quốc tháng 11 năm 1991 nêu rõ: “Hai bên tuyên bố hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện trên cơ sở năm nguyên tắc: “Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng,cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình”. Hai bên xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khôi phục quan hệ bình thường trên các nguyên tắc độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Sau khi bình thường hóa quan hệ, Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận sẽ tiến hành đàm phán nhằm giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa tồn tại giữa hai nước. Chính phủ hai nước cũng bày tỏ tán thành tuyên bố về biển Đông của Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN họp ở Ma-ni-la tháng 7 năm 1992. Tuyên bố về biển Đông có đoạn:

“- Nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tất cả các vấn đề chủ quyền và quyền tài phán ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực.

– Kêu gọi các bên liên quan kiềm chế nhằm tạo ra bầu một bầu không khí tích cực cho giải pháp cuối cùng đối với mọi tranh chấp.

– Không phương hại tới chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia có lợi ích trực tiếp trong khu vực, quyết tâm thăm dò khả năng hợp tác tại biển Nam Trung Hoa về các vấn đề an toàn hàng hải và giao thông, chống ô nhiễm môi trường biển, phối hợp với các hoạt động tìm kiểm và cứu hộ, các cố gắng chống cướp biển và cướp có vũ trang, cũng như phối hợp trong các chiến dịch chống buôn lậu ma túy” (Báo Nhân dân, ngày 24/7/1992).

Nhân dân Việt Nam mong muốn rằng, thông qua đàm phán, hai bên có thể đi đến một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo ở biển Đông, mang lại hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, biểu thị quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển, hòa nhập vào đời sống pháp luật quốc tế.

Những năm gần đây, Việt Nam và Trung Quốc đang tiếp tục đàm phán giải quyết những vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Chính phủ các nước trong khu vực đã ra Tuyên bố chung về biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp về chủ quyền và quyền tài phán ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, bày tỏ quyết tâm thăm dò khả năng hợp tác ở vùng biển này. Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển đã có hiệu lực, được thế giới chấp nhận và tôn trọng.

Chuyến đi thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của đồng chí Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tháng 11 năm 1994, đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hai nước. Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc nêu rõ: “Hai bên khẳng định lại những thỏa thuận tại các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước từ năm 1991 đến nay, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Hai bên hài lòng về sự tiến triển của các cuộc đàm phán cấp chính phủ và cấp chuyên viên giữa hai nước..” và “…trước khi vấn đề được giải quyết, hai bên đều không tiến hành những hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên sẽ bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước” (Báo Nhân dân ngày 22 và 23/11/1994).

Cũng trong chuyến đi thăm này, trả lời các nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch Giang Trạch Dân nhấn mạnh: “Đối với một số vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, hai bên cần xuất phát từ vấn đề lớn là giữ gìn quan hệ hữu nghị Trung-Việt, phát triển hòa bình, ổn định khu vực, thông qua hiệp thương để giải quyết từng bước” (Báo Nhân dân ngày 22 và 23/11/1994).

Tình hình dù phức tạp đến đâu, nếu các bên tranh chấp đều tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết bằng thương lượng hòa bìn, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, thì đều có khả năng tìm ra giải pháp phù họp, đảm bảo cho vùng biển này mãi mãi là vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới