Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngLợi ích và chính sách của Mỹ trên Biển Đông

Lợi ích và chính sách của Mỹ trên Biển Đông

Tàu khu trục Mỹ USS Hopper – Ảnh: Reuters

1. Lợi ích của Mỹ trên Biển Đông

Đối với Mỹ, Biển Đông là một tuyến đường quan trọng trong tuyến vận chuyển đường biển quốc tế: ba trong mười tuyến đường vận chuyển biển của Mỹ đi qua khu vực Tây Thái Bình Dương và vùng eo biển Malacca. Do đó, dù thời chiến hay thời bình, tuyến giao thông đường biển ở Tây Thái Bình Dương bao gồm cả Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Về mặt an ninh – quân sự, trong tuyến “phòng thủ” từ xa hình vòng cung của Mỹ, tuyến chiến lược eo biển Đài Loan là tuyến chủ yếu của Mỹ ngăn chặn Trung Quốc.

Theo quan điểm của Mỹ, bất cứ một quốc gia thù địch nào đối với Mỹ kiểm soát được Biển Đông sẽ đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của cả Mỹ và Nhật (hơn 70% vận chuyển dầu của Nhật Bản qua vùng này). Với tầm quan trọng như vậy, tự do hàng hải tại Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ  và tranh chấp về Trường Sa là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ.

Có thể thấy khu vực Đông Á đã, đang trở thành hạt nhân và chỗ dựa trong chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, là một trong hai cơ sở để Mỹ dựa vào khống chế lục địa Á – Âu và là khu vực có hai đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của Mỹ là Nga và Trung Quốc. Qua hoạt động tập trận, Mỹ vừa tăng cường hoạt động chống khủng bố, duy trì an ninh biển, đặc biệt là hoạt động hàng hải qua eo Malacca lại trấn áp được Nga và Trung Quốc cũng như phòng tránh xu hướng ly tâm của hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc và đảm bảo cho Mỹ giành quyền chủ đạo ở khu vực, tiến tới tạo chỗ dựa cho địa vị bá chủ của Mỹ.

Biển Đông chứa đựng những tiềm năng đáng kể về dầu khí cùng các tài nguyên biển khác ở đây và với ưu thế đứng đầu thế giới về vốn, công nghệ thăm dò khai thác dầu ngoài khơi, các công ty dầu lửa Mỹ đã xâm nhập vào Biển Đông và ngày càng quan tâm đến vùng biển này.

Giá trị kinh tế của Biển Đông đối với Mỹ còn liên quan tới sự phát triển kinh tế năng động ở Châu Á – Thái Bình Dương khiến cho khu vực ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với sự phát triển kinh tế của Mỹ.

2. Lập trường và chính sách của Mỹ đối với Biển Đông

Lập trường cơ bản của Mỹ là luôn tránh bày tỏ thái độ và không ủng hộ bất cứ bên nào yêu sách về chủ quyền đối với Biển Đông.

– Năm 1974, Mỹ đã phớt lờ, để mặc cho Trung Quốc tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hòa và xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

– Thời kỳ từ 1989 – 1997: Sau sự kiện Thiên An Môn, quan hệ Mỹ – Trung xấu đi nhanh chóng và có lúc rất căng thẳng (khủng hoảng eo biển Đài Loan tháng 3/1996) do Chính quyền Clinton coi trọng mặt răn đe, kiềm chế Trung Quốc, Quốc hội Mỹ cũng gây sức ép mạnh đòi Chính quyền có biện pháp cứng rắn hơn với Bắc Kinh, nhất là về Biển Đông .

Đây là thời kỳ Mỹ đưa ra nhiều tuyên bố tập trung vào Trung Quốc nhất và cứng rắn nhất , coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng đe dọa đến lợi ích của Mỹ. Tuy không nêu đích danh nhưng Chính quyền Mỹ ngày càng thiên về quan điểm cho rằng Trung Quốc là thủ phạm chính gây ra tình trạng căng thẳng ở Biển Đông và có những tuyên bố mang tính chất răn đe đối với hành động vũ lực của Trung Quốc.

Đồng thời trong thời gian này, Mỹ triển khai nhiều hơn các hoạt động bảo vệ an toàn đường biển, tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự giữa Mỹ với các đồng minh khu vực.

– Từ năm 1998 – 2000: Sau khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, Mỹ và Trung Quốc điều chỉnh chính sách nhằm cải thiện và ổn định quan hệ trong khuôn khổ “đối tác chiến lược” thông qua chuyến thăm Washington, DC của Chủ tịch Giang Trạch Dân tháng 11/1997 và chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Clinton tháng 7/1998. Thời gian này, nhìn chung Trung Quốc không tiến hành hoạt động bành trướng đáng kể ở Biển Đông để khiến Mỹ lo ngại và thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông cũng dịu đi so với thời kỳ trước.

– Thời kỳ từ 2001-2009: Chính quyền Bush coi Trung Quốc là “đối thủ” của Mỹ và chủ trương tăng cường các biện pháp kiềm chế. Theo hướng đó, Chính quyền Bush thực hiện trở lại nhiều chuyến bay do thám dọc bờ biển Trung Quốc (đã bị cắt giảm mạnh trong nhiệm kỳ cuối của Clinton) dẫn đến va chạm máy bay của hai nước ngay trên Biển Đông . Mỹ tăng số lượng và chất lượng các cuộc tập trận lớn đơn phương và diễn tập quân sự đa phương với đồng minh ở khu vực.

– Thời kỳ từ 2009 – 2017: Trong nhiệm kỳ đầu từ năm 2009, Tổng thống Obama đã duy trì mối quan hệ tương đối ổn định và thân thiện với Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ năm 2012, ông Obama bắt đầu thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á, tái tập trung sự chú ý của Washington vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Biển Đông luôn là một sự ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền Tổng thống Obama. Sự ngờ vực lẫn nhau đã gia tăng, trong bối cảnh sự đối đầu giữa Mỹ – Trung leo thang.

Dù công khai tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nhưng chính quyền Tổng thống Obama luôn có những tuyên bố và hành động cụ thể nhằm đảm bảo an ninh, tự do hành hải, hàng không trên vùng biển này. Mỹ đã điều máy bay, tàu khu trục mang tên lửa tới tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo phi pháp ở Biển Đông.

Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều cho đồng minh của mình là Philippines thực hiện và giành thắng lợi trong việc kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài với các kết luận quan trọng: Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn; không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng; Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philipine trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này…

Tuy nhiên, hành động của chính quyền Tổng thống Obama đã không đủ để ngăn chặn các hành động mà dư luận cho là hung hăng và gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc trong những năm qua đã tiến hành hàng loạt hoạt động bồi đắp trái phép các bãi đá ngầm thành các đảo nổi nhân tạo, tiến hành xây dựng sân bay, cảng và đưa máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không hiện đại, radar tới bố trí trên các đảo nhân tạo này, biến chúng thành các căn cứ quân sự. Như Tổng thống Trump nói hôm 23/2/2017: “Rất nhiều thứ đã xảy ra dù không được phép. Một trong những thứ đó là chuyện một khu phức hợp quân sự quy mô lớn đã được xây giữa Biển Đông” .

– Thời kỳ Tổng thống Trump từ năm 2017

Tổng thống Trump đã đề xuất tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng thêm 10%, tăng cường sự hiện diện ở những tuyến đường biển quốc tế quan trọng như Biển Đông; luôn nhấn mạnh vấn đề tranh chấp Biển Đông như một điểm bùng nổ xung đột tiềm tàng, luôn kêu gọi ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Tuyên bố chung  mới đây giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không; phản đối việc đe dọa, cưỡng ép và sử dụng vũ lực; kêu gọi các bên kiềm chế tránh leo thang căng thẳng, bao gồm không quân sự hóa tiền đồn và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Rex Tillerson đã thể hiện quan điểm nêu rõ “Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, yêu sách cũng như các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc đã bị thách thức qua phán quyết của Tòa Trọng tài, Mỹ sẽ duy trì tự do hàng hải, hàng không tại nơi luật pháp quốc tế cho phép; Mỹ, đồng minh và các đối tác sẽ giới hạn sự tiếp cận của Trung Quốc với các cấu trúc tôn tạo” .

Còn ông Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã có phát ngôn mạnh mẽ hơn, xem “hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, rằng Mỹ cần bảo vệ các lợi ích quốc gia trong đó có quyền tự do hàng hải, hàng không” .

Trên thực địa, Mỹ tiếp tục điều các tàu khu trục tuần tra trên Biển Đông trong đó có tàu sân bay năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson; Duy trì các mối quan hệ với các đồng minh thông qua các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, Philippines…

Trong tuyên bố Chiến lược an ninh quốc gia, chính quyền Tổng thống Trump đặc biệt chỉ trích Trung Quốc, cảnh báo “những nỗ lực của Trung Quốc để xây dựng và quân sự hóa phi pháp những cấu trúc tại Biển Đông gây nguy hiểm cho vận chuyển thương mại tự do, đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và gây nguy hại cho ổn định khu vực”.

Mức độ răn đe của những tuyên bố cứng rắn cùng hiệu quả thực tế của những hành động trên Biển Đông trong thời gian gần đây của chính quyền Tổng thống Trump cần phải đợi thời gian trả lời nhưng cũng đã thể hiện được rõ hơn lợi ích và chính sách của Mỹ tại Biển Đông.

3. Kết luận

Có thể thấy, chính sách của Mỹ mặc dù không ủng hộ yêu sách chủ quyền của bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, các hoạt động cụ thể của Mỹ chỉ nhằm củng cố và bảo vệ lợi ích quốc gia về an ninh hàng hải, hàng không, quyền lợi của các công ty cũng như an ninh của các nước đồng minh và khu vực ảnh hưởng của Mỹ nhưng lập trường và chính sách của Mỹ là một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến tình hình khu vực Biển Đông. Hơn thế, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và nhằm làm giảm vai trò của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, tuy Mỹ không thường xuyên công khai nhưng đều có những hành động nhất định đáp lại một khi các quyền và lợi ích của mình bị đe doạ.

Lợi ích chiến lược bao trùm của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng là duy trì hòa bình và ổn định, trên cơ sở duy trì thế cân bằng chiến lược giữa các nước lớn, không để cho bất kỳ cường quốc nào nổi lên có khả năng khống chế khu vực và đe dọa tới an ninh của Mỹ và các đồng minh hoặc thay đổi những luật chơi đã định hình có lợi cho Mỹ. Vì vậy, tuy có các mối quan hệ phụ thuộc nhau chằng chịt như vấn đề Triều Tiên, thương mại…. với Trung Quốc nhưng Mỹ cũng sẽ không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên Biển Đông.

__________________

[1] Phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại ARF 7/2010.
[2] Dự thảo Nghị quyết của HNS B. Gilman trình UB Đối ngoại Hạ viện ngày 10/3/1995.
[3] Tuyên bố chính sách về Biển Đông tháng 5/1995.
[4] Máy bay do thám EP-3 của Mỹ và máy bay chiến đấu F-8 của Trung Quốc va chạm tháng 4/2001.
[5] Theo Reuters ngày 23/4/2017.
[6] Tuyên bố chung ngày 10/2/2017 nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
[7] Điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
[8] Điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

RELATED ARTICLES

Tin mới