Sunday, January 12, 2025
Trang chủĐiểm tinMỹ tại Syria: Tọa sơn quan hổ đấu?

Mỹ tại Syria: Tọa sơn quan hổ đấu?

Cuộc chiến giữa một bên là đối tác của Mỹ, một bên là đồng minh của Washington, đang đẩy Lầu Năm Góc rơi vào thế bế tắc.

Quân Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cho cuộc giao tranh ở biên giới Syria.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây Bắc Syria mang tên “Nhành Oliu” kéo theo sự quan ngại và phản đối của nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lập tức triệu tập một phiên họp khẩn.

Trong chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong khối quân sự NATO, lại chiến đấu chống lại lực lượng người Kurd do Washington đào tạo và trang bị vũ khí như một phần trong nỗ lực tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria.

Theo tờ NPR, cuộc chiến cho thấy sự hỗn loạn và xung đột, mâu thuẫn trầm trọng giữa các đồng minh của Mỹ cũng như mục tiêu của liên minh do Lầu Năm Góc dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS.

Giới phân tích nhận định, đây có thể là một cuộc chiến đẫm máu. Hôm đầu tuần, Thổ Nhĩ Kỳ cho hay họ đã diệt ít nhất 260 chiến binh người Kurd ở Syria chỉ sau 4 ngày thực hiện chiến dịch tại khu vực Afrin. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về nguy hiểm đối với khu vực 324.000 dân này. Những xung đột hiện tại là kết quả của những mâu thuẫn sâu xa xuất phát từ lịch sử, theo các chuyên gia.

Hiện có một lượng nhỏ người Kurd thiểu số đang sống rải rác ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran. Nhiều người trong số họ luôn mơ ước được sống dưới danh nghĩa một Nhà nước độc lập của người Kurd – một viễn cảnh khiến cả 4 quốc gia nêu trên không hài lòng. Với mục tiêu trên, một đội quân chiến binh người Kurd, hoạt động dưới cái tên đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã đứng lên cầm súng và chiến đấu ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Iraq.

Trong khi đó, ở Syria, người Kurd được lãnh đạo bởi đảng Liên minh dân chủ Kurd (PYD). PYD lập nhóm vũ trang mang tên Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Nhóm này trong nhiều năm qua đã kiểm soát nhiều vùng đất ở phía Bắc Syria, với sự chấp thuận ngầm của chính quyền Damascus.

Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều coi PKK là một tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cũng coi các chiến binh người Kurd ở các khu vực khác nhau tại Syria là những phần tử khủng bố chống đối cực đoan, bởi họ có liên kết với các chiến binh Kurd ở phía bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara cho rằng, tất cả các nhóm người Kurd đều tuân theo sự lãnh đạo của Abdullah Ocalan, người đứng đầu PKK hiện đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ. Nhưng Mỹ và châu Âu lại không cho rằng YPG là khủng bố, dù cờ của PKK đã xuất hiện nhiều lần trong các cuộc mít tinh chính trị của người Kurd ở Syria.

Ở một mức độ nào đó, quân đội Mỹ coi YPG là các chiến binh thích hợp khả năng chiếm đất từ IS và kiểm soát chúng. Vào thời điểm cuộc chiến chống IS đang ở giai đoạn căng thẳng nhất, Mỹ thấy lực lượng “đối lập ôn hòa” mà họ hậu thuẫn hoạt động tỏ ra kém hậu quả. Kể từ khi ấy, Washington hướng ngay sự chú ý sang YPG, lực lượng đã có kinh nghiệm trong các cuộc giao tranh với IS. Washington cũng cho rằng, các nhóm phiến quân còn lại ít tin tưởng hơn so với YPG.

Lầu Năm Góc luôn nhạy cảm với những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về YPG nhưng Washington tin rằng không thể tiến hành cuộc chiến chống IS mà không có sự tham gia của lực lượng người Kurd ở Syria. Do đó, Mỹ đã huấn luyện và hỗ trợ vũ khí cho YPG, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Ankara.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ không có bổn phận phải cung cấp vũ khí và huấn luyện một nhóm phiến quân mà đồng minh Ankara coi là kẻ thù và xem là tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo vũ khí Mỹ trao cho YPG có thể sẽ được truyền qua biên giới Syria vào tay PKK sau đó được sử dụng để chống lại lực lượng Ankara. Nhưng cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho khẳng định trên.

Giới chức Ankara cho hay, họ đang hướng tới mục tiêu xây dựng một “vùng an toàn” đi vào sâu 30km trong lãnh thổ Syria, nơi không có các chiến binh người Kurd và kéo dài tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Xa hơn nữa, Ankara đang muốn ngăn chặn người Kurd ở Syria hình thành một chính quyền tự trị ở vùng đất mà họ đang kiểm soát.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định, Ankara muốn ổn định vùng Bắc Syria tới phạm vi mà hàng triệu người dân tị nạn Syria đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở về nhà.

Có thể khẳng định, chiến dịch “Nhành Oliu” của Thổ Nhĩ Kỳ đang vô tình đẩy Mỹ vào thế bế tắc khi đồng minh và đối tác đang tìm cách tàn sát lẫn nhau ở Syria. Mỹ vẫn cần phải sử dụng căn cứ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành nhiều chiến dịch quân sự ở Trung Đông nhưng cũng không thể thiếu sự hỗ trợ của YPG trong chiến dịch chống IS.

Tới nay, Washington mới chỉ nêu lên mối “quan ngại” và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, chấm dứt chiến dịch “Nhành Oliu” chứ chưa đưa ra những động thái cụ thể nào khác.

Khi cuộc chiến chống IS đang dần giảm nhiệt, YPG đang mất đi ưu thế trong những tính toán của Washington và phải đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng quyết tâm hơn. Nhưng giấc mơ độc lập của cộng đồng người Kurd vẫn còn, do đó, các chuyên gia cho rằng những cuộc giao tranh ở Afrin vẫn còn tiếp diễn và sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu các bên vẫn sa lầy và không tìm ra được giải pháp hòa hợp.

RELATED ARTICLES

Tin mới