Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiCắt mác, giả nhãn hiệu hàng Việt Nam, Khaisilk chưa là gì...

Cắt mác, giả nhãn hiệu hàng Việt Nam, Khaisilk chưa là gì…

“Cắt mác, giả nhãn hiệu hàng Việt Nam, Khaisilk chưa là gì…” – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Cẩn.

Vị quan chức khẳng định thêm, tình hình buôn lậu ngày càng phức tạp, trong đó có nhiều vụ việc còn nghiêm trọng hơn, lớn hơn cả vụ việc như Khaisilk.

Nhận định trên được ông đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, sáng 29/1.

Theo miêu tả của ông Cẩn, hoạt động buôn lậu có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó có sự tiếp tay, thông đồng của một số cán bộ hải quan. Ví dụ như buôn lậu xăng dầu với lượng lớn qua hình thức tạm nhập, tái xuất, hay trong lĩnh vực sản sản xuất, kinh doanh phân bón giả…, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, tại hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nêu lên một thông tin rất quan trọng, qua đó, đơn vị này cho biết vừa bắt giữ, xử lý 25 xe tải hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đất Lạng Sơn với hàng trăm tấn hàng, đủ các chủng loại. Lô hàng tạm nhập này đã được phá công kẹp chì trong quá trình chờ tái xuất để rút hàng mang ra thị trường tiêu thụ.

Ông Cẩn nói: “Vụ Khaisilk chưa là gì so với sự phong phú của những mặt hàng trong lô này, với biểu hiện đủ cách như cắt mác, giả nhãn hiệu hàng Việt Nam…”.

Chỉ rõ nguyên nhân, ông Cẩn cho rằng, kẽ hở trong quy định về xử lý hàng quá cảnh là điều kiện để các đầu lậu luồn lách, thực hiện các hành vi gian lận trong kinh doanh. Do đó, vị này kiến nghị Bộ Công thương nghiên cứu sửa quy định về xử lý hàng quá cảnh để đảm bảo thông lệ quốc tế nhưng cũng chống sự lợi dụng như trường hợp này.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Liên quan tới lĩnh vực này, vừa qua dư luận đã phải thất vọng về hành vi gian lận, lừa dối khách hàng trong nhiều năm liền của một thương hiệu nổi tiếng, tầm cỡ quốc gia, đó là Khaisilk. Chuyện nhập khăn Trung Quốc về gắn mác “Made in Vietnam” của công ty ông Khải đã khiến nhiều người mất hẳn niềm tin.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định, Khaisilk có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như nền tảng đạo đức doanh nghiệp.

Vụ việc đã được chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn được nhiều người quan tâm chính là lực lượng chức năng đã ở đâu, làm gì trong suốt nhiều chục năm qua để một thương hiệu quốc gia làm ăn gian dối mà không phát hiện ra?

Từng trao đổi với báo Đất Việt, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) nói thẳng: “Có thể đặt nghi vấn có dấu hiệu tiếp tay, bao che của cơ quan quản lý trường cho thương hiệu này lừa dối khách hàng để trục lợi trong suốt thời gian dài”.

“Cơ quan quản lý đã làm hết trách nhiệm của mình chưa hay có sự tiếp tay, làm ngơ nên mới không phát hiện ra vụ việc nghiêm trọng như vậy?”, ông Thắng đặt câu hỏi.

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cũng băn khoăn, ngoài vấn đề về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp thì còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cụ thể là cơ quan quản lý thị trường và Bộ Công thương.

“Cơ quan quản lý cần trả lời được vì sao lại để một thương hiệu lớn dễ dàng qua mặt được người tiêu dùng, qua mặt cơ quan quản lý một cách dễ dàng như vậy?

Các cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc điều tra làm rõ có hay không chuyện bao che, tiếp tay? Nếu có dấu hiệu bao che, tiếp tay phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Rõ ràng, trong bài phát biểu nói trên, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Cẩn cũng đã thừa nhận có sự tiếp tay của cán bộ hải quan trong lĩnh vực tạm nhập, tái xuất đã giúp sức cho các doanh nghiệp thực hiện trót lọt hành vi buôn lậu với số lượng lớn. Trước đó, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Cục QLTT), Bộ Công thương cũng đặt nghi vấn có dấu hiệu bao che, tiếp tay của lực lượng chức năng, trong đó có quản lý thị trường cho Khaisilk.

Vậy thì cần phải xem xét trách nhiệm, năng lực của những con người đứng trong đội ngũ quản lý thị trường. Cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm người cán bộ, lãnh đạo thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp này như thế nào?

RELATED ARTICLES

Tin mới