Sunday, January 12, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhiều hàng nhập TQ thuế 0%: Nỗi buồn gấp bội

Nhiều hàng nhập TQ thuế 0%: Nỗi buồn gấp bội

Mất thị trường phân phối, mất sự liên kết trong sản xuất, giờ lại mất cả khả năng cạnh tranh thì cạnh tranh thế nào?

Chuyên gia bán lẻ, Vũ Vinh Phú cảnh báo, việc hàng nghìn sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc được giảm thuế về 0% sẽ là thách thức vô cùng lớn đối với ngành sản xuất hàng hóa trong nước.

Những thách thức trên theo vị chuyên gia là đang có ở mọi mặt, từ trên phương diện thị trường, thương mại lẫn cả những mâu thuẫn nội tại từ chính thị trường bán lẻ trong nước.

Chỉ rõ từng điểm, ông phân tích:

Thứ nhất, những mặt hàng thực hiện giảm thuế lần này bao gồm cả những sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng, vốn là những mặt hàng trong nước vẫn đang sản xuất được.

Như vậy, nếu trước đây, các mặt hàng nhập khẩu đang được áp thuế từ 5-10% mà hàng hóa Việt Nam còn không cạnh tranh được. Năng lực cạnh tranh hiện tại vẫn còn rất kém, lại bị dội thêm việc giảm thuế đối với hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu sẽ làm giá cả hàng hóa trong nước vốn cao nay sẽ còn cao hơn nữa, không thể cạnh tranh được.

Ông Phú nói tiếp: “Trước đây, khi còn áp các thuế xuất đối với các sản phẩm nhập khẩu thì còn hạn chế được một phần hàng hóa từ Trung Quốc, tuy nhiên, bây giờ chỉ những mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ Trung Quốc mới tìm cách đi theo con đường tiểu ngạch, còn những mặt hàng chính ngạch sẽ tràn vào một cách ồ ạt, không thể ngăn cản được. Cùng với đó, nhiều mặt hàng có chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ hơn từ các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng sẽ theo nhau tràn vào.

Trên phương diện của người tiêu dùng, họ chỉ căn cứ vào chất lượng, giá thành, không ai có thể ép buộc người tiêu dùng phải lựa chọn sản phẩm của nước này mà không chọn sản phẩm của nước khác nếu sản phẩm đó không đảm bảo an toàn, giá thành lại quá cao.

Như vậy, những lo lắng, những cảnh báo về nguy cơ tụt hậu của Việt Nam từ các chuyên gia đã trở thành hiện thực. Không thể đợi đến lúc “nước đến chân” rồi mới hô hào phải thay đổi, phải nâng cao năng lực cạnh tranh được nữa. Tôi nhấn mạnh, không còn thời gian cho chúng ta khởi động nữa, đến giờ có vắt chân lên cổ chạy cũng khó theo kịp”, ông Phú nhấn mạnh.

Thứ hai, bản thân ngành sản xuất, bán lẻ trong nước cũng đang bộc lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập, kể cả những vấn đề tiêu cực trong ngành phân phối bán lẻ vẫn gây nhiều bức xúc.

“Tôi đã từng dẫn bài học sản xuất mía đường của Thái Lan để chứng minh cho sự bất cập trong khâu phân phối bán lẻ tại Việt Nam, nhưng không ai nghe.

Một tạ đường của Thái Lan sản xuất ra, người nông dân được 70%, còn người bán lẻ chỉ được hưởng 30% thôi. Nhưng ở Việt Nam ta, một tạ đường, nông dân chưa được 30%, trong khi khâu trung gian, khâu bán lẻ chiếm tới 70%, đây là khâu hưởng lợi lớn nhất trong cả chuỗi sản xuất”, ông Phú nói.

Thứ ba, vấn đề quy hoạch hạ tầng bán lẻ cũng không ổn.

“Nhiều thương hiệu bán lẻ Việt Nam được nhà nước ưu ái, đầu tư xây dựng thương hiệu, vốn, hạ tầng rồi cuối cùng lại bán hết cho nước ngoài để kiếm lợi. Tôi lấy ví dụ như Fivimart, chúng ta hỗ trợ hết sức, ưu ái hết sức cuối cùng lại nhường cho nhà đầu tư nước ngoài hưởng lợi. Cần phải đặt câu hỏi về lợi ích nhóm ở đây? Liệu có tình trạng thấy lợi thì bán đi để chia nhau không? Rất cần phải được làm rõ”, vị chuyên gia chỉ rõ.

Đáng nói, sau khi chiếm được các cơ sở hạ tầng của nhiều thương hiệu, siêu thị uy tín trong nước thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng áp dụng các chính sách hạn chế hàng Việt Nam vào siêu thị. Hàng hóa trong nước sản xuất ra muốn đưa được vào siêu thị cũng gặp rất nhiều khó khăn hoặc phải chấp nhận chịu chiết khấu cao, dẫn tới giá thành cao, không cạnh tranh được.

Vấn đề thứ tư là xung đột lợi ích giữa các khâu phân phối, bán lẻ.

“Rất nhiều siêu thị, phòng tập,… hoạt động rầm rộ nhưng lại tìm mọi cách để trốn thuế, giảm giá, nhằm cạnh tranh với những doanh nghiệp, siêu thị làm ăn chân chính. Việc này không khác nào “tự mình giết mình”. Khi năng lực không có, uy tín không còn thì không cần đợi sản phẩm, hàng hóa nước ngoài tràn vào mà sản phẩm trong nước cũng đang tự giết nhau”, ông Phú lo ngại.

Trong khi đó, về cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước còn thờ ơ, đầu tư chưa tương xứng cho ngành bán lẻ trong nước, trong khi đó lại có nhiều chính sách ưu ái hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng ta đã mất thị trường phân phối, mất sự liên kết trong sản xuất, giờ lại mất cả khả năng cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt rất khó có thể tồn tại được. Hiện nay hơn 50% thị trường bán lẻ đã thuộc về tay các đại gia Thái Lan, cứ 100 điểm bán lẻ thì đã có tới 51 điểm thuộc về người Thái, đây là thực tế mà Nhà nước, các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp trong nước phải nhịn rõ những nguy cơ để ứng phó”, ông Phú nói.

Vậy phải làm thế nào để sản phẩm Việt nâng cao được chất lượng, cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài? Trả lời câu hỏi trên, ông Phú cho rằng, việc này phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm cũng như cách làm của chúng ta.

Theo ông Phú, trước mắt phải đặt ra từng mục tiêu, sau đó sẽ phải thực hiện từng mục tiêu đó theo một lộ trình nhất định. Việc này phải làm trong vài chục năm tới, chứ không thể kỳ vọng thay đổi trong một hai năm.

“Đầu tiên là đặt mục tiêu trong lĩnh vực sản xuất thì 10-20 năm tới chúng ta sẽ phải sản xuất được gì? Chất lượng như thế nào? Khả năng sẽ cạnh tranh được với sản phẩm của những nước nào, Mỹ hay Nhật?

Tiếp đến, công tác xúc tiến thương mại phải thực hiện liên kết chặt chẽ.

Vấn đề nữa là phải có chính sách tổ chức khâu phân phối hợp lý, phải có cơ chế, chính sách quan tâm nhiều hơn tới khâu phân phối nội địa. Từng bước tuyên truyền, xây dựng nền tảng đạo đức trong kinh doanh cho doanh nghiệp. Tôi lấy ví dụ, ở Thái Lan, nếu bán một bát mì tôm có giá 30.000 đồng như hiện tượng xảy ra ở Việt Nam thì lập tức bát mì bị tịch thu, doanh nghiệp bị đóng cửa ngay. Việt Nam phải làm được như thế.

Một vấn đề nữa là khâu quản lý doanh thu, lợi nhuận, quản lý thuế của từng doanh nghiệp, nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như đảm bảo một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp chân chính.

Đặc biệt, về phía Hiệp hội bán lẻ trong nước cũng phải thực hiện nghiêm túc, đúng chức năng, nhiệm vụ, không được a dua, hùa theo những chiêu trò làm ăn gian dối, không bình đẳng của doanh nghiệp”, ông Phú phân tích.

RELATED ARTICLES

Tin mới