Sáng 31/1, Thủ tướng Anh Theresa May đã đến thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong 3 ngày.
Thủ tướng May tuyên bố, Anh muốn ký một thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc, nhằm giúp các doanh nghiệp của Anh có thể làm ăn tốt tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, cũng như nhằm tạo vị thế mới của Anh sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Dự kiến, Thủ tướng Anh sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường với mong muốn tranh thủ được lợi thế trong cuộc chạy đua quốc tế giúp các doanh nghiệp Anh tham gia vào lĩnh vực dịch vụ đang phát triển bùng nổ tại Trung Quốc.
Chính vì mục tiêu thúc đẩy đầu tư và thương mại với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mà tháp tùng Thủ tướng Anh trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là một phái đoàn hùng hậu nhất từ trước tới nay gồm hơn 40 công ty, trường đại học, hiệp hội thương mại, trong đó có các công ty hàng đầu như BP, HSBC, đại học Manchester.
Phát biểu với báo giới trước chuyến thăm, bà Theresa May bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Anh có thể đầu tư, kinh doanh tốt tại Trung Quốc và một hiệp định tự do thương mại với Trung Quốc được coi là chìa khóa.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh khẳng định còn rất nhiều điều phải làm trong thời gian tới, trước mắt là phải ngăn chặn những rào cản có thể xuất hiện đối với thương mại, mở cửa các thị trường. Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong khối lượng hàng xuất khẩu của Anh, khoảng 3,1% trong năm 2016.
Cũng trong sáng 31/1, Thủ tướng Anh công bố các sáng kiến hợp tác giáo dục với Trung Quốc, bao gồm mở rộng chương trình trao đổi giáo viên môn Toán và chiến dịch thúc đẩy học tiếng Anh ở Trung Quốc. Các dự án này trị giá hơn 550 triệu Bảng Anh và dự kiến tạo ra 800 việc làm cho nước Anh.
Về phần mình, Trung Quốc đánh giá cao Anh như một đối tác thương mại tiềm năng, hứa hẹn một giai đoạn mới trong quan hệ thương mại song phương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Trung Quốc tin tưởng chuyến thăm của thủ tướng Anh Theresa May sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của giai đoạn vàng trong quan hệ giữa Trung Quốc với nước Anh và giữa Trung Quốc với phương Tây, đồng thời đưa mối quan hệ lên tầm cao mới”.
Tuy cả hai nước đã tái khẳng định cam kết về một “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ, nhưng tranh cãi liên quan đến quyết định của Thủ tướng May trì hoãn thông qua dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley do Trung Quốc cho vay vốn vào cuối năm 2016, đã khiến quan hệ 2 nước lạnh nhạt.
Gần đây, Anh có những nỗ lực hâm nóng quan hệ như trở thành quốc gia phương tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á do Trung Quốc khởi xướng và đã cử Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond tham dự Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh vào năm ngoái về sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án thiết lập hạ tầng kết nối châu Á với châu Âu, châu Phi trị giá nghìn tỷ USD nhằm xây dựng Con đường Tơ lụa hiện đại mà Anh được coi đối tác tiềm năng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh thừa nhận, Anh và Trung Quốc không phải luôn đồng quan điểm trong các vấn đề, đặc biệt những vấn đề nhạy cảm và bà sẽ nêu quan ngại của ngành công nghiệp Anh về tình trạng sản xuất dư thừa thép của Trung Quốc và tình trạng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Giới chức Trung Quốc coi chuyến thăm của bà Theresa May là cơ hội để viết lên chương mới trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, nhưng phần lớn giới quan sát cho rằng, biến cố Brexit đã làm suy yếu cả vị thế đàm phán cũng như vai trò của nước Anh đối với Trung Quốc.
Trước đây, Trung Quốc từng coi Anh là đồng minh chính trong khối EU, nhưng nay đang chuyển vị trí đó sang cho Pháp. Bất chấp những bất lợi đó, Thủ tướng Anh vẫn ưu tiên đàm phán thương mại với Trung Quốc với hy vọng đây sẽ là thị trường trọng điểm và giúp Anh có vị thế mới trong thương mại quốc tế sau khi Anh rời Liên minh châu Âu vào tháng 3/2019