Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐiểm tinSếp cũ của ông Tập và câu nói hớ về "đóng quân...

Sếp cũ của ông Tập và câu nói hớ về “đóng quân ở Hồng Kông” chọc giận Đặng Tiểu Bình

Ông Cảnh Biểu từng gây chấn động dư luận Hồng Kông lẫn Trung Quốc Đại lục bởi một phát ngôn dễ gây hiểu lầm về chuyện đồn trú quân đội tại Hồng Kông.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Cảnh Biểu (thứ hai từ phải) ngồi với sĩ quan hải quân Mỹ xem một cuộc diễn tập trên không, tháng 3/1980 (Ảnh: The U.S. National Archives)

Năm 1984, ông Cảnh Biểu đang giữ chức Phó ủy viên trưởng Ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân đại) Trung Quốc khóa VI. Trước đó, ông từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Thư ký trưởng Quân ủy trung ương Trung Quốc… Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong giai đoạn đầu sự nghiệp từng có thời kỳ làm thư ký cho ông Cảnh.

Từ ngày 15/5/1984, Cảnh Biểu tham gia hội nghị toàn thể lần thứ hai của Nhân đại Trung Quốc khóa VI.

Ngày 12/3/1984, ông Cảnh Biểu dự hội nghị 4 của Ban thường vụ Nhân đại khóa VI. Theo tinh thần của hội nghị này, ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng để phát biểu tại Hội nghị toàn thể lần 2 của Nhân đại Trung Quốc khóa VI, và soạn thảo các đề xuất về lập pháp.

Tuy nhiên, vụ trả lời họp báo tại hội nghị toàn thể 2, tổ chức từ 15/5/1984, đã khiến cựu lãnh đạo của ông Tập rơi vào một sự kiện chính trị nghiêm trọng.

Câu chuyện xoay quanh vấn đề Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có đồn trú tại Hồng Kông hay không, sau khi đặc khu này được Anh trao trả cho Trung Quốc theo lộ trình vào năm 1997.

Tham dự kỳ họp thường niên của Nhân đại Trung Quốc khi đó có rất nhiều phóng viên từ Hồng Kông tìm cách thăm dò lập trường và quyết định của trung ương Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông.

Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa, khi đó cũng là Phó ủy viên trưởng Ban thường vụ Nhân đại khóa VI, kể lại trong hồi ký: “Các ký giả Hồng Kông được mời rất muốn tìm hiểu thông tin liên quan đến cuộc đàm phán của trung ương về việc thu hồi Hồng Kông, trong đó tiêu điểm rất được chú ý là liệu PLA có đưa quân đồn trú tại Hồng Kông hay không. Nhóm phóng viên này tranh thủ cơ hội nhân sĩ các tầng lớp của Hồng Kông và quan chức cấp cao Trung Quốc hội tụ – khi ấy có thể tiếp cận lãnh đạo đảng và nhà nước, thì liền ra sức mà hỏi.”

Câu chuyện của Cảnh Biểu phát sinh trong một tình huống như vậy.

Phóng viên Liu Zhenmin của Đài phát thanh nhân dân trung ương Trung Quốc kể lại: “Có phóng viên hỏi Phó ủy viên trưởng Cảnh Biểu rằng ‘người dân Hồng Kông rất sợ bị đóng quân, trung ương các vị có nhất định phải đồn trú quân đội tại Hồng Kông hay không?’

Lúc đó Cảnh Biểu trả lời, ‘chúng tôi chắc là không nhất thiết phải đóng quân’.”

Ngày hôm sau, hàng loạt tờ báo Hồng Kông dẫn “ý kiến chính phủ Trung Quốc”, “cựu Bộ trưởng quốc phòng”, nói rằng không cần phải đóng quân tại Hồng Kông sau khi thu hồi đặc khu.

Vụ việc đã gây chấn động cả ở Trung Quốc lẫn trong dư luận quốc tế. Nhiều phân tích nói rằng Bắc Kinh đã thay đổi chính sách trong vấn đề đóng quân tại Hồng Kông và “lời Đặng Tiểu Bình nói ra không còn được tính”.

Đặng Tiểu Bình nổi giận, cựu Ngoại trưởng bị liên lụy

Khi Đặng Tiểu Bình nổi trận lôi đình thì Cảnh Biểu vẫn hoàn toàn không hay biết. Kết thúc kỳ họp Quốc hội, ông Cảnh tới nhà khách Vạn Thọ để đón tiếp khách nước ngoài như kế hoạch, thì nhận được thông báo từ Ủy viên trưởng Nhân đại, ông Bành Chân, yêu cầu trở về ngay Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Khi tới Đại lễ đường, Cảnh Biểu được Bành Chân thông báo ngắn gọn, “đồng chí [Đặng] Tiểu Bình đã nổi giận”, đề cập vụ ông Cảnh trả lời hớ hênh về vấn đề đóng quân ở Hồng Kông. Bành Chân yêu cầu Cảnh Biểu nghiêm túc đánh giá vụ việc, và không được đi đâu trong những ngày tiếp theo.

Cùng ngày, Hoàng Hoa cũng biết tin Đặng Tiểu Bình phê bình ông này. Hồi ký của Hoàng Hoa viết, “tối hôm đó tôi gọi điện cho thư ký Vương Thụy Lâm của đồng chí Tiểu Bình, nhờ chuyển lời tới đồng chí Tiểu Bình rằng tôi xin bảo đảm bằng tính đảng rằng bản thân không hề nói tới việc không đóng quân với ký giả Hồng Kông, mong đồng chí Tiểu Bình xem xét”.

Đặng Tiểu Bình sau đó gặp gỡ “ông trùm vận tải Hồng Kông” Pao Yue-kong, xác nhận Hoàng Hoa không hề nói không đóng quân sau khi thu hồi Hồng Kông. Hoàng vốn có quan hệ thân thiết với Pao, và được ông Pao nói lại câu chuyện này.

Vụ hiểu nhầm của Đặng Tiểu Bình với Hoàng Hoa có nguyên nhân bởi ông Hoàng trước đó cũng trả lời phỏng vấn của truyền hình Hồng Kông và đề cập vấn đề thu hồi đặc khu, dù ông không nhắc đến chuyện đóng quân. Một nữ phóng viên Hồng Kông có mặt tại hiện trường thừa nhận bà “sợ hãi đến không nhấc nổi micro” khi Đặng phê bình Hoàng Hoa với ngữ điệu đặc sệt vùng Tứ Xuyên, và chỉ trích cựu Ngoại trưởng “nói lung tung” với báo chí Hồng Kông.

Thái độ giận dữ của Đặng Tiểu Bình nhanh chóng được chuyển thành hành động. Đài phát thanh trung ương lập tức đưa tin tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh về việc đồn trú quân đội ở Hồng Kông, và cáo buộc các hãng tin tức “xuyên tạc” câu trả lời của ông Cảnh Biểu.

Ngày 26/5/1984, các báo lớn Hồng Kông đồng loạt đưa tin “Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ đóng quân tại Hồng Kông”. Người Anh cũng chấn động về thông tin này.

Sir Richard Evans, đại sứ Anh tại Trung Quốc, Trưởng đoàn đàm phán của Anh về vấn đề Hồng Kông, trao đổi với đồng cấp Trung Quốc Châu Nam, nói rằng phát biểu của ông Đặng làm rúng động các tầng lớp ở Hồng Kông, đồng thời đề nghị “chính phủ Trung Quốc cân nhắc thận trọng [vấn đề đóng quân]”, bởi chính quyền địa phương vẫn rất e ngại điều này.

Tuy nhiên, ông Châu tuyên bố đây là lập trường không thể thay đổi của Trung Quốc.

Ngày 28/5/1984, sau thời gian suy nghĩ và nhớ lại chính xác những gì đã nói, cuối cùng ông Cảnh Biểu viết một bản tường trình. Trong đó ông nêu: “Sau hai ngày suy nghĩ cẩn thận, đúng là tôi có nói ‘Quân giải phóng không cần đồn trú ở Hồng Kông, người Hồng Kông cũng có thể không trả quân phí’.” Ông Cảnh thừa nhận đã phát ngôn thiếu căn cứ, “không cân nhắc hậu quả”, và gọi đây là “vụ lỡ lời nghiêm trọng” ảnh hưởng chính trị lớn đến đảng và nhà nước Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới