Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 06/02/2018

Bản tin Biển Đông ngày 06/02/2018

Bản tin Biển Đông ngày 06/02/2018.

Mỹ hối thúc các quốc gia Đông Nam Á có lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, sau khi Mỹ đưa ra tuyên bố về việc sẽ đưa một trong số các tàu sân bay của Mỹ sẽ tiến hành chuyến thăm cảng tại Việt Nam vào tháng 3, ngày 05/02, bà Tina Kaidanow, Quyền Trợ lý Bộ trưởng của Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị – quân sự, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á có lập trường mạnh mẽ hơn cho lợi ích của các nước này ở Biển Đông. Cụ thể, dù tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc nhưng bà Kaidanow nhấn mạnh, “Mỹ ủng hộ các nguyên tắc quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi, chẳng hạn như quyền tự do hàng hải … Mỹ kêu gọi các nước trong khu vực sẽ có quan điểm tương tự và tận dụng sự thống nhất trong khối các nước ASEAN để thực thi các nguyên tắc đó”, “Mỹ kêu gọi ASEAN có tiếng nói tích cực và mạnh mẽ, không chỉ trong các vấn đề cụ thể như tự do hàng hải ở Biển Đông, mà còn trong vấn đề chống khủng bố, các vấn đề an ninh khu vực, trong dài hạn”.

Truyền thông Philippines công bố một loạt ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc sắp hoàn thiện các cấu trúc trên Trường Sa

Ngày 05/02, Inquirer cho biết hãng này đang nắm giữ một số bức ảnh vệ tinh từ giữa tháng 6 đến tháng 12/2017 cho thấy Trung Quốc gần như đã hoàn thiện việc bồi đắp 7 cấu trúc mà Philippines yêu sách ở Trường Sa, một diễn biến mà Inquirer nhận định là nhằm hiện thực hoá mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Những bức ảnh vệ tinh được chụp từ độ cao 1.500 mét cho thấy các cấu trúc đã vào giai đoạn cuối phát triển thành các căn cứ không quân và hải quân. Ông Eugenio Bito-onon, cựu Thị trưởng Thị trấn Kalayaan, Đá Thị Tứ cũng đã xác nhận sự tồn tại của các cơ sở mới trên các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, sau chuyến ghé thăm của ông cùng đoàn phóng viên của HBO cách đây hai năm. Inquirer cảnh báo, với các hoạt động bồi đắp đang tiếp diễn, Trung Quốc chẳng mấy sẽ hoàn thiện các pháo đài quân sự trên Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Gạc Ma, Đá Vành Khăn, Đá Su-bi và Đá Huy Gơ nhằm triển khai quân sự ra khắp khu vực. Ngoài ra, Inquirer cũng có nhận định thêm rằng, tốc độ phát triển trên các đảo nhân tạo cho thấy Trung Quốc vẫn cố tình xây dựng các khu tiền đồn quân sự ở Trường Sa, một hành động rõ ràng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002 giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về cam kết không làm biến đổi bất kỳ cấu trúc nào ở khu vực.

Những bức ảnh mới cũng đã chứng minh một điều rất rõ ràng, rằng Trung Quốc đang lợi dụng những cam kết về đầu tư với Philippines và về cuộc đàm phán tới đây về khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để xoa dịu những quan ngại của dư luận về tác động của các hoạt động bồi đắp trái phép này. Jay Batongbacal, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề biển và Luật Biển, Đại học Philippines cho rằng, thời điểm mà đáng lẽ ra Philippines cần phải phản đối các hành động quân sự hoá Biển Đông “đã qua từ lâu” nhưng tình hình trở nên xấu dần đi sau khi Philippines quyết định không nêu vấn đề Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào năm ngoái, cho rằng “Trung Quốc nhân cơ hội này đã thừa cơ hoàn tất những gì cần phải hoàn tất”. Ông Antonio Carpio, Thẩm phán Toà án tối cao Philippines cảnh báo “nếu Philippines không khẳng định chiến thắng pháp lý của mình, Philippines sẽ mất 80% vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, trên phạm vi 381.000 ki-lô-mét vuông, bao gồm Bãi Cỏ Rong và một phần vỉa khí gas Malampaya nằm bên ngoài đảo Palawan cũng như toàn bộ ngư trường, tài nguyên dầu khí và khoáng sản tại khu vực này”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, tại một cuộc họp báo, Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Harry Roque đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Ông Roque bày tỏ nghi vấn trước thông tin này, khẳng định các công trình của Trung Quốc đã được xây dựng trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Về những lo ngại đối với việc Chính phủ Philippines không có động thái phản đối đối với các đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây dựng trái phép, ông Roque cho biết Chính phủ không thể phát động chiến tranh vì điều đó, bởi không những điều đó là bất hợp pháp mà còn không khả thi vào thời điểm này. Ông cũng phủ định những thông tin nói rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc sẽ cho phép nước này có được quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) đối với các cấu trúc mà Philippines yêu sách trên Biển Đông, kể cả khi “Trung Quốc bố trí các khí tài trên các đảo nhân tạo”. Mặt khác, ông bày tỏ mong đợi rằng tất cả các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông sẽ tuân thủ nghĩa vụ kiềm chế không sử dụng vũ lực.

Bốn siêu cường thế giới lên kế hoạch nhằm răn đe Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 05/02, VOA News đăng bài viết “Bốn siêu cường lên kế hoạch nhằm răn đe Trung Quốc ở Biển Đông” của nhà báo Ralph Jennings. Theo bài viết, một số chuyên gia có ý kiến cho rằng bốn nước siêu cường, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, được biết đến là nhóm “Bộ Tứ” đang lên kế hoạch đối phó với Trung Quốc ngày càng quyết đoán, thông qua việc đưa ra những tuyên bố cứng rắn và tổ chức các cuộc diễn tập hải quân chung nhằm hỗ trợ các nước có tranh chấp với Trung Quốc thách thức lại các yêu sách phi lý của nước này ở Biển Đông. Theo Stuart Orr, Giáo sự Đại học Deakin, Úc, “kế hoạch này sẽ do Mỹ dẫn đầu, theo sau là Ấn Độ, sau đó là Nhật Bản và Úc có vai trò ngang nhau trong việc hỗ trợ hậu cần cấp cao”. Theo các chuyên gia, Trung Quốc được cho là sẽ có phản ứng với kế hoạch Bộ Tứ theo kiểu “một ăn một”: nếu các nước này đưa ra tuyên bố, Trung Quốc cũng sẽ dùng tuyên bố để đáp lại, nếu các nước tổ chức tập trận chung, Trung Quốc sẽ đáp trả gấp đôi bằng cách củng cố các căn cứ trên biển mà nước này đang chiếm đóng ở Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc cũng có thể sẽ răn đe nhóm Bộ Tứ bằng cách tận dụng sức mạnh kinh tế nhằm gây áp lực.

Thẩm phán Toà án tối cao Philippines: Philippines có đủ cơ sở để cấm Trung Quốc tiến hành nghiên cứu khoa học biển tại Benham Rise

Ngày 6/2, GMA News đưa tin, ngày 5/2, trước việc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Emmanuel Pinol tuyên bố rằng Tổng thống Rodrigo Duterte đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động thăm dò khoa học với nước ngoài mới đây, Thẩm phán Toà án Tối cao Philippines Antonio Carpio khẳng định “theo UNCLOS, Philippines có cơ sở để không cho phép Trung Quốc tiến hành nghiên cứu khoa học biển ở khu vực thềm lục địa tại Benham Rise vì Trung Quốc không tuân thủ Phán quyết của Toà Trọng tài được thành lập trên cơ sở UNCLOS” nhưng đồng thời cho biết “không có cơ sở nào cho Philippines để nước này cấm các quốc gia thành viên khác của UNCLOS, vì như vậy sẽ vi phạm UNCLOS”

RELATED ARTICLES

Tin mới