Mới đây tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (một nhật báo tiếng Anh xuất bản tại Hồng Kông), viết tắt làSCMP, cho biết, hệ thống giám sát dưới nước của tàu ngầm hiện đại Trung Quốc được triển khai dọc theo con đường tơ lụa trên biển. Hệ thống giám sát xuất phát từ bán đảo Triều Tiên đến bờ biển phía đông châu Phi.
Hệ thống giám sát hoạt động bằng cách thu thập thông tin dưới nước như: độ mặn, nhiệt độ nước. Lực lượng Hải quân sử dụng thông tin đó để theo dõi chính xác hơn vị trí tàu ngầm đối phương, cũng như cải thiện khả năng định vị.
Viện Hải dương học Nam Hải thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) thực hiện dự án này. Đây là dự án mở rộng quân sự chưa từng thấy được thúc đẩy bởi tham vọng của Bắc Kinh trong việc thách thức Mỹ ở các đại dương trên thế giới.
Một thành viên của dự án, ông Yu Yongqiang nói rằng, mạng lưới thể hiện sự tiến bộ trong khả năng chiến tranh dưới nước của Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô hệ thống vẫn nhỏ hơn nhiều so với của Mỹ. Đây chỉ là một bước nhỏ trong hành trình dài.
Mạng lưới giám sát của Trung Quốc dựa trên các phao, tàu mặt nước, vệ tinh và tàu lượn dưới nước để thu thập dữ liệu từ Biển Đông đến Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các thông tin sau đó sẽ được gửi tới 3 trung tâm thông tin tình báo ở Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), tỉnh Quảng Đông và một cơ sở chung ở Nam Á để phân tích và xử lý.
Đối với tàu ngầm tuần tra trên biển, mạng lưới này sẽ trợ giúp việc xác định thông tin môi trường biển vốn rất quan trọng đối với hoạt động chiến đấu. Tàu ngầm sử dụng hệ thống định vị thủy âm (sonar) để phát hiện, định vị và tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, sóng âm di chuyển dưới nước bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của nước biển.
Trong trường hợp chỉ huy tàu ngầm không nắm được thông tin về môi trường biển ở khu vực tác chiến thì dễ thất bại trong việc xác định và tấn công mục tiêu. “Bạn chắc chắn không muốn bắn ngư lôi ở điểm A khi đối phương đến từ điểm B’, ông Yu Yongqiang nói. Ông cho biết thêm, ngoài việc hỗ trợ hoạt động tác chiến, mạng lưới giám sát còn trợ giúp điều hướng an toàn cho tàu ngầm qua những vùng biển khó khăn.
Một thành tựu mới nhất là Trung Quốc đã trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) cho tàu ngầm hạt nhân. Điều này giúp hải quân chiếm lợi thế dưới biển trong khi đẩy các ứng dụng công nghệ lên một tầm cao mới.
Hôm 4/2, một nhà khoa học cấp cao tham gia chương trình này nói với báo South China Morning Post (Hồng Kông): Trung Quốc đang tiến hành cập nhật hệ thống máy tính cũ trên tàu ngầm hạt nhân, bổ sung thêm công nghệ AI nhằm nâng cao khả năng tư duy của các sĩ quan chỉ huy. “Mặc dù tàu ngầm hạt nhân có khả năng hủy diệt rất lớn nhưng ‘bộ não’ của nó thực sự khá nhỏ” – nhà khoa học giấu tên cho hay.
Bắc Kinh trang bị AI cho tàu ngầm hạt nhân là một âm mưu mới trong việc thôn tính Biển Đông. Theo tiết lộ nhà khoa học nói trên, hệ thống hỗ trợ ra quyết định dựa vào AI sẽ giúp giảm khối lượng công việc và gánh nặng tinh thần cho các chỉ huy tàu ngầm. Bởi nếu có từ 100 đến 300 thành viên thuỷ thủ đoàn buộc phải ở lại trong tàu ngầm suốt nhiều tháng, căng thẳng tăng lên có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của các chỉ huy.
Năm 1950 tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Mỹ sản xuất. Máy tính trên tàu ngầm không tương xứng với hình ảnh hiện đại của phương tiện này. Thứ nhất, công nghệ trong hầu hết máy tính trên tàu ngầm hạt nhân thường lạc hậu. Thứ hai, các linh kiện điện tử cấp quân sự đòi hỏi phải chịu được tình trạng sốc, nhiệt hoặc nhiễu điện từ, bởi vậy chúng phải hy sinh tốc độ để đổi lấy độ tin cậy.
Loại “tàu ngầm cũ” tính năng “suy nghĩ” – trong đó có việc phân tích và phản hồi các tín hiệu do sóng sonar gửi về – hầu hết đều do các nhân viên hải quân đảm nhận chứ không phải máy móc.
Còn với công nghệ AI có thể hỗ trợ ra quyết định mà không cần sự can thiệp của con người. Bằng cách bắt chước hoạt động của bộ não con người, hệ thống có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu.
Quân đội Trung Quốc muốn công nghệ AI trên tàu ngầm phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. Vì vậy ưu tiên hàng đầu là cần đảm bảo hệ thống có thể theo dõi và hiểu các hoạt động dưới nước vốn phức tạp và luôn thay đổi. Cấu trúc của nó cũng phải đơn giản, nhỏ gọn và tương thích với các hệ thống máy tính hiện có của tàu ngầm.
“Điều này giống như đưa một con voi vào một cái hộp đựng giày” – nhà khoa học ví von.
Với thành tựu mới này, Trung quốc đang thách thức Mỹ. Không hiểu “Ông lớn” đã có “bài” gì đối phó hay chưa?