Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngVũ khí khủng của TQ chỉ là mô hình?

Vũ khí khủng của TQ chỉ là mô hình?

Truyền thông thế giới mấy ngày gần đây xôn xao trước các bức ảnh được cho là pháo điện từ được lắp trên một tàu chiến của Trung Quốc. Đâu là thực hư chuyện Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ?

Vũ khí được cho là pháo điện từ được lắp trên tàu đổ bộ của Trung Quốc – Ảnh: TWITTER

Những hình ảnh mờ nhạt, không rõ nét về tàu đổ bộ tăng số hiệu 936 của Hải quân Trung Quốc với phần mũi bất thường xuất hiện đầu tiên trên mạng xã hội Twitter ngày 31-1. Đó chắc chắn là một khẩu pháo, nhưng nó to lớn bất thường so với pháo phòng không 37mm, thậm chí 76mm.

Mọi thông tin đều dẫn tới suy đoán phải chăng đó chính là một khẩu pháo điện từ, thứ mà Mỹ trong nhiều năm qua đã đổ hàng núi tiền để nghiên cứu? Không có bất kỳ sự xác nhận nào từ Bắc Kinh.

Trên thực tế, chương trình phát triển pháo điện từ của Trung Quốc là có thật, dưới sự dẫn dắt của Chuẩn đô đốc Mã Vĩ Minh và lần đầu được tiết lộ vào tháng 7-2017. Ông Mã khi đó tuyên bố mục tiêu cuối cùng của chương trình là đưa pháo điện từ lên tàu chiến, thậm chí cả tàu sân bay.

Vượt mặt Mỹ?

Nhưng pháo điện từ là cái gì mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều đua nhau chế tạo? 

Ứng dụng nguyên lý đảo chiều từ trường dòng điện, pháo điện từ có cấu tạo gồm 2 ray kim loại đặt song song kết nối với nguồn điện. Đầu đạn kim loại đặt giữa hai ray sẽ được bắn đi với tốc độ cực cao dựa vào lực Lorentz mà không cần liều phóng như các loại đạn pháo thông thường – đó là ưu điểm của loại pháo này.

Thứ hai, chi phí chế tạo đầu đạn cho pháo điện từ rẻ hơn rất nhiều, cộng thêm khối lượng nhỏ, cho phép tàu chiến mang theo số lượng lớn.

“Chưa có hệ thống phòng thủ nào hiện nay đủ sức cản phá một đầu đạn được bắn đi từ pháo điện từ bởi chúng quá nhỏ và lao tới với tốc độ siêu thanh”, chuyên gia người Anh Justin Bronk khẳng định, đồng thời cảnh báo sự xuất hiện của pháo điện từ có thể gây ra những hệ quả về chính trị.

Mỹ bắt đầu chương trình pháo điện từ hải quân (INP) từ năm 2005. Năm 2010 được xem là cột mốc quan trọng trong lịch sử INP khi nguyên mẫu do BAE System phát triển khai hỏa thành công tại phòng thí nghiệm trên mặt đất của hải quân Mỹ, tạo ra một lực đẩy đủ sức đưa đầu đạn đi xa 110 hải lý (203km), tốc độ đầu đạn lúc rời nòng pháo lên tới 7.800 km/h.

Chương trình hiện đang ở giai đoạn 2, hướng tới việc tăng tốc độ bắn lên 10 phát/phút. Cuối năm 2013, Văn phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ chi 33,6 triệu USD để phát triển đầu đạn siêu tốc HVP có thể bắn từ các cỡ nòng khác nhau cho một loạt các nhiệm vụ riêng biệt.

Tuy nhiên, đã 7 năm trôi qua kể từ lần bắn thử đầu tiên trên mặt đất, Mỹ vẫn chưa thể đưa khẩu pháo lên tàu chiến. Bài toán lớn nhất là nguồn năng lượng cần cho khẩu pháo không hề nhỏ. Người ta đã phải sử dụng đến 3 container để cung cấp năng lượng, tạo ra một công tương đương 33MJ trong thử nghiệm mặt đất năm 2010.

Nói một cách khác, nếu khẩu pháo được lắp trên tàu đổ bộ 936 của Trung Quốc là pháo điện từ, Mỹ đã chính thức bị Trung Quốc vượt mặt.

Chỉ là mô hình?

Kết luận trên hẳn nhiên không làm nhiều chuyên gia quân sự phương Tây tin tưởng còn các chuyên gia Mỹ thì cay mặt và chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý, bắt đầu từ việc Bắc Kinh chưa bao giờ công bố hình ảnh khẩu pháo khai hỏa.

Thứ nhất, các hình ảnh xuất hiện đầu tiên cho thấy tàu đổ bộ được lắp khẩu pháo nằm bờ tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Giới chuyên gia lập tức cho rằng con tàu sau khi được lắp vũ khí mới đã không thể đi biển. Tuy nhiên, các hình ảnh nó rẽ sóng sau đó đã đập tan những điều trên.

Thứ hai, khi các hình ảnh đã trở nên rõ nét, giới phân tích phương tây bắt đầu chỉ ra sự hiện diện của 3 container cỡ lớn trên boong tàu đổ bộ, hai trong số này được lắp máy điều hòa bên ngoài. Các chuyên gia suy đoán đây có thể là các container cung cấp năng lượng để khẩu pháo hoạt động, tương tự như nguyên mẫu của Mỹ.

Điều này, theo họ, cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc thu nhỏ pháo điện từ để lắp đặt trên tàu chiến một cách hoàn hảo. Nói cách khác, nguyên mẫu pháo điện từ mà Trung Quốc đang sở hữu chỉ hơn nguyên mẫu của Mỹ ở vị trí lắp đặt.

Ý kiến cuối cùng cho rằng khẩu pháo trên thực chất chỉ là mô hình và nước Mỹ không nên lo lắng bởi còn lâu Trung Quốc mới bắt kịp. Đây cũng là ý kiến bị chỉ trích nhiều nhất, bởi nó quá tự tin vào sức mạnh quân sự của Mỹ và đánh giá thấp Trung Quốc như cách đây hai thập kỷ.

Trung Quốc không đua, chỉ là Mỹ tụt lại

Với những chuyên gia tỉnh táo, họ đặt ra câu hỏi tại sao những hình ảnh như vậy lại xuất hiện trên các mạng xã hội của Trung Quốc một cách công khai? Đặt vào bối cảnh chính quyền Bắc Kinh luôn kiểm soát thông tin và hình ảnh rất chặt, các chương trình phát triển vũ khí thế hệ mới càng không thể dễ dàng bị lọt thông tin ra bên ngoài.

Trừ khi nó được chính quyền bật đèn xanh và dựng lên một màn kịch trông như bị rò rỉ. Giả thuyết này có cơ sở bởi chỉ vài ngày sau khi các hình ảnh của khẩu pháo ngập tràn mạng xã hội trong và ngoài Trung Quốc, các công nhân bắt đầu xuất hiện và kéo bạt nhựa quây kín khẩu pháo.

“Các hình ảnh bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc không chỉ đang bắt kịp Mỹ trong công nghệ hải pháo điện từ mà còn sẽ sớm vượt mặt Washington trong 10 năm tới. Đó là bởi vì Mỹ tốn quá nhiều thời gian để quốc hội thông qua ngân sách trong khi hệ thống chính trị của Trung Quốc cho phép đổ hàng núi tiền vào các chương trình đặc biệt vào các thời điểm quyết định”, ông Song Zhongping – một nhà bình luận quân sự, cựu quan chức Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc, nói với báo South China Morning Post của Hong Kong.

Nhưng nói như chuyên gia Justin Bronk, các nước khác sẽ không ngồi yên nhìn Trung Quốc đưa một khẩu hải pháo điện từ hoàn chỉnh vào hoạt động. Hoặc là sẽ có một cuộc đua pháo điện từ trên thế giới, hoặc người ta sẽ nghiên cứu cách đối phó và khắc chế nó, với tâm lý “vỏ quýt dày ắt có móng tay nhọn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới