Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTự do kinh tế: Vì sao Việt Nam vẫn tụt hậu?

Tự do kinh tế: Vì sao Việt Nam vẫn tụt hậu?

Hiện tại, sự tự do kinh tế Việt Nam còn thấp hơn so mức trung bình của khu vực cũng như thế giới.

Theo báo cáo Chỉ số tự do kinh tế năm 2018 do Quỹ Heritage ở Washington (Mỹ) vừa công bố, Việt Nam xếp hạng 141/180 quốc gia với 53,1 điểm, mức tổng điểm thấp hơn điểm bình quân khu vực và thế giới, thua cả Lào và Campuchia.

TS Trần Quang Tuyến, Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế (ĐHQGHN), thành viên Hội đồng kinh tế Quỹ Nofosted không bất ngờ trước xếp hạng này của Việt Nam vì ông là người đã nghiên cứu về chỉ số này nhiều năm.

Theo vị chuyên gia, bản chất của nền kinh tế thị trường là tự do kinh doanh, tự do trao đổi, tự do lao động, hay nói một cách ngắn gọn và đầy đủ nhất, đó là tự do kinh tế.

Một nền kinh tế thị trường đầy đủ có nghĩa sẽ đạt đến một trạng thái tự do kinh tế cao và do vậy, nó đòi hỏi mức độ can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế là tối thiểu trong các vấn đề phân bổ nguồn lực và sự can thiệp vào hoạt động kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Hơn nữa, nó cũng đòi hỏi chính phủ phải có một hệ thống pháp lý và cơ quan thực thi hiệu quả các quyền về sở hữu và tạo hành lang pháp lý hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong báo cáo của Quỹ Heritage, mức độ tự do kinh tế được đo lường bằng 12 chỉ số theo 4 nhóm chính, gồm: Thượng tôn pháp luật: quyền sở hữu, hiệu lực của cơ quan tư pháp và chính phủ liêm chính); Quy mô của chính phủ (gánh nặng thuế, chi tiêu của chính phủ, và chất lượng của hệ thống tài khóa); Hiệu quả quản lý nền kinh tế (tự do kinh doanh, tự do lao động, và tự do tiền tệ); Mở cửa thị trường (tự do thương mại, tự do đầu tư và tự do tài chính).

Mỗi chỉ số được tính toán từ 0% cho tới 100% và phần trăm càng cao thì mức độ tự do kinh tế càng lớn.

Chỉ số này, theo TS Trần Quang Tuyến, phản ánh được khá toàn diện chất lượng của chính phủ (liêm chính, tư pháp, thuế khóa, bảo hộ sở hữu,…) và trình độ phát triển của các loại thị trường (lao động, tiền tệ, tài chính, hàng hóa và dịch vụ,..).

“Ưu điểm của các chỉ số này là chúng ta có thể đo đếm được, lượng hóa được và do vậy có thể nhìn thấy sự tiến triển của nền kinh tế thị trường ở một số quốc gia cụ thể, cũng như so sánh được trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường giữa các quốc gia theo thời gian.

Các chỉ số liên quan đến Nhà nước sẽ cho ta thấy Nhà nước đã làm tốt vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường hay chưa.

Do vậy, việc sử dụng bộ chí số đo lường mức độ tự do kinh tế sẽ giúp các nhà nghiên cứu đánh giá được những thành tựu mà chính phủ đạt được trong việc tạo dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế ở các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng”, TS Tuyến nhận xét.

Đối với Việt Nam, theo dõi báo cáo của Quỹ Heritage, TS Trần Quang Tuyến cho biết: “Nếu nhìn vào vài chỉ số thành phần thì thấy Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ hơn so với một số nước về bảo hộ sở hữu, chi tiêu chính phủ, gánh nặng thuế, và đặc biệt là tự do lao động, tự do tiền tệ, tự do thương mại.

Mặc dù vậy, khi xem xét các chỉ số liên quan đến chất lượng tư pháp, hệ thống tài khóa, tự do đầu tư thì kết quả cho thấy rằng các chỉ số của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực và ở mức độ rất thấp so với mức trung bình của khu vực.

Nếu năm 1995, mức độ tự do kinh tế của Việt Nam ở mức xấp xỉ 40%, so với mức bình quân là 60% trên thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, xu hướng cho thấy khoảng cách này đã dần bị thu hẹp đáng kể khi chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam tăng đều trong hơn một thập kỷ qua. Tới năm 2008, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam đạt tới xấp xỉ 50%, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân của thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Vào năm 1995 thì Trung Quốc có tự do kinh tế cao hơn Việt Nam khoảng 10%, và chỉ số này đã được thu hẹp dần và tới nay Việt Nam và Trung Quốc có mức độ tự do kinh tế tương đương”, vị chuyên gia phân tích.

Từ đây, TS Tuyến khẳng định, nền kinh tế của Việt Nam sau hơn hai thập kỷ chuyển đổi, đã hình thành những nền tảng để tiến tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn.

Xét ở khía cạnh mở rộng tự do kinh tế, trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể thông qua việc cải thiện mức độ tự do kinh tế. Trong đó phải kể đến sự cải thiện các quyền tự do về lao động, tự do tiền tệ, tự do thương mại và tự do kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện tại, sự tự do kinh tế Việt Nam còn thấp hơn so mức trung bình của khu vực cũng như thế giới. Đặc biệt các chỉ số liên quan tới bảo hộ sở hữu, hiệu lực của cơ quan tư pháp và chất lượng quản lý còn rất thấp.

Còn rất nhiều các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu, hệ thống tài khóa, hiệu lực của các cơ quan tư pháp và chất lượng chính phủ cần phải cải thiện bởi những chỉ số này có ảnh hưởng quan trọng tới việc xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Trong đó, vấn đề tham nhũng, không những chỉ là một chỉ số liên quan tới tự do kinh tế, mà nó còn là một chỉ số đánh giá mức độ trong sạch của bộ máy, hiệu quả hoạt động và tính minh bạch của một chế độ. Vì vậy, nó có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Do đó, TS Tuyến lưu ý, Việt Nam cần hết sức nỗ lực để cải thiện chỉ số này trong những năm tới.

“Đây là một cuộc đua giữa các quốc gia và dù Việt Nam có cải thiện về vị trí thì các nước khác lại tiến bộ hơn, vượt nhanh hơn nên tựu chung lại, Việt Nam vẫn bị tụt hậu tương đối.

Chúng ta đang phấn đấu đến một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập quốc tế. Đối với chỉ số tự do kinh tế, dù thước đo này có thể còn thiếu sót nhưng nó vẫn là một tham số được nhiều nước sử dụng, có độ tin cậy và tư vấn tốt mà chính phủ cần quan tâm”, TS Tuyến kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới