Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ ra sức mơn trớn Myanmar

TQ ra sức mơn trớn Myanmar

Giới phân tích Trung Quốc chỉ ra hàng loạt yếu tố giúp củng cố và tăng cường quan hệ với Myanmar như địa lý, tương đồng văn hóa, con người…

Đồng chủng, đồng văn?

Quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, đặc biệt kể từ sau khi Myanmar mở cửa cải cách và có ban lãnh đạo mới.

Có không ít ý kiến cho rằng Trung Quốc đã để “tuột mất” Myanmar nhưng giới phân tích Trung Quốc đã đưa ra nhiều lập luận phản bác, đồng thời chỉ ra tương lai tốt đẹp của mối quan hệ song phương.

Tạp “Tri thức trẻ” của Trung Quốc mới đây có bài viết về mối quan hệ giữa nước này với Myanmar, trong đó nêu ra hàng loạt yếu tố giúp củng cố mối quan hệ này.

Ví dụ đầu tiên được nêu ra chính là việc bà Aung San Suu Kyi, vốn bị coi là thân phương Tây, đã 3 lần tới thăm Trung Quốc chỉ trong vòng 1 năm sau khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2015.

Cũng theo tờ tạp chí Trung Quốc, các giới trong xã hội Myanmar cảm ơn sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Myanmar trong vấn đề người Hồi giáo Rohingya, các dự án lớn như đập thủy điện Myitsone, đường sắt Trung Quốc-Myanmar, phát triển đặc khu kinh tế Kyaukpyu.

Theo đánh giá của giới phân tích Trung Quốc, Myanmar tuy thực hiện sự chuyển đổi mô hình chính trị, nhưng về cơ bản sẽ chỉ xử lý quan hệ đối ngoại tùy theo mức độ lợi ích quốc gia của mình.

Bên cạnh đó, lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar được đánh giá là có nền tảng. Chính phủ Myanmar theo chế độ dân chủ nghị viện vào khoảng giữa năm 1948 đến năm 1962 cùng với nước Trung Quốc mới do Đảng Cộng sản cầm quyền đề xướng “5 nguyên tắc chung sống hòa bình”, ký kết hiệp ước biên giới, mở ra chương mới trong quan hệ song phương.

Trung Quoc ra suc mon tron Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Đáng chú ý, tạp chí Trung Quốc nhấn mạnh vào yếu tố địa lý, dân tộc và văn hóa làm nền tảng hữu nghị lâu dài cho quan hệ Trung Quốc-Myanmar.

Theo đó, giữa Myanmar và Trung Quốc tương đồng trên các phương diện như con người, thói quen tư duy, đối nhân xử thế, văn hóa ẩm thực…Do vậy, giới phân tích Trung Quốc tự tin rằng ảnh hưởng về tính khác biệt của thể chế chính trị đối với quan hệ Trung Quốc-Myanmar không ngừng giảm đi.

Trung Quốc-Myanmar có biên giới trên đất liền dài hơn 2.200 km. Tờ tạp chí Trung Quốc nhắc tới một cụm từ khá quen thuộc được cho là do chính bà Aung San Suu Kyi “nhiều lần bày tỏ”: “Trung Quốc và Myanmar là 2 nước láng giềng núi sông liền một dải, mong muốn chung sống hữu hảo với Trung Quốc”.

Cũng theo “Tri thức trẻ”, về hệ ngôn ngữ, tiếng Myanmar và tiếng Trung Quốc cùng thuộc ngữ hệ Hán-Tạng, giữa hai tiếng này có không ít từ vựng phát âm giống nhau, tiếng Miến và tiếng Tạng, tiếng Di cũng có quan hệ thân thuộc ngôn ngữ rất gần gũi.

Đây được xem là yếu tố thu hút sự quan tâm của các học giả và nhân vật thuộc giới tinh hoa Myanmar, đưa quan hệ song phương xích lại gần nhau hơn.

Xét về mặt nhân học hình thể, tờ tạp chí Trung Quốc cho rằng, không chỉ dân tộc Myanmar và dân tộc Hán cùng thuộc chủng Mongoloid phương Nam, mà giữa 2 nước Trung Quốc và Myanmar còn tồn tại 16 dân tộc xuyên biên giới cùng nguồn gốc.

Bên cạnh đó, tập quán văn hóa tương đồng được giới phân tích Trung Quốc coi là nền tảng cho mối quan hệ Trung Quốc-Myanmar.

Bằng chứng được tờ “Tri thức trẻ” đưa ra là trong thời gian đầu chuyển đổi mô hình ở Myanmar, rất nhiều nhân vật trong giới tinh hoa của Myanmar sang thăm Mỹ, châu Âu, nhưng một thời gian dài sau đó, ngày càng ít học giả Myanmar tham dự các hội nghị học thuật quốc tế về Myanmar do Mỹ tổ chức, tần suất các học giả Myanmar đến Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ cũng đang sụt giảm.

Myanmar nổi tiếng với truyền thống Phật giáo và những ngôi chùa dát vàng

Tờ tạp chí Trung Quốc giải thích cho thực trạng này là do “đường sá xa xôi” và các học giả Myanmar không quen với cách đón tiếp quốc tế kiểu Mỹ, cũng không quen các món ăn của nước này và cách bày tỏ quá thẳng thắn của người Mỹ.

Các yếu tố “tương đồng” hoặc khác biệt không thực sự lớn khác được kể tới còn có sự chênh lệch múi giờ 1 tiếng rưỡi đồng hồ giữa 2 nước, sự chênh lệch khí hậu không lớn, ẩm thực cũng tương tự, văn hóa coi trọng lễ nghĩa, hiếu khách, thể hiện tình cảm kín đáo.

Người bạn thật sự

Giới phân tích Trung Quốc đặc biệt tỏ ra tự tin trong quan hệ với Myanmar khi cho rằng mô hình phát triển của Trung Quốc có sức hấp dẫn rất lớn đối với Myanmar.

Myanmar là quốc gia có quân đội nắm quyền trong thời gian dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tính tổng cộng vượt quá nửa thế kỷ. Kể từ khi khởi động chuyển đổi mô hình chính trị vào tháng 11/2010 đến nay, Myanmar tuy ổn định nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của giới phân tích Trung Quốc, trình độ phát triển kinh tế và GDP bình quân đầu người của Myanmar thấp, kết cấu xã hội đơn nhất, lực lượng giai cấp trung lưu nhỏ yếu, văn hóa chính trị dân chủ hiện đại thiếu hụt, các chính đảng và đoàn thể xã hội không hoàn thiện, các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển vượt mức…

Trung Quốc bị cáo buộc hậu thuẫn một số nhóm vũ trang sắc tộc ở Myanmar

Myanmar tồn tại mâu thuẫn tôn giáo sắc tộc nghiêm trọng nên giới phân tích Trung Quốc tin rằng Myanmar cần các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc giúp đỡ thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc. Về mặt quốc tế, Myanmar được cho là cần Trung Quốc ủng hộ lập trường và chính sách về giải quyết vấn đề người Rohingya.

Tờ “Tri thức trẻ” tin rằng các thành tựu và mô hình phát triển “ngày càng hoàn thiện” của Trung Quốc đã khiến cho nhiều người Myanmar cảm thấy không cần phải “bỏ gần tìm xa” để đi học theo phương Tây.

Ngoài ra, tờ tạp chí Trung Quốc nhấn mạnh vào “điểm quan trọng nhất” là việc nước này tích cực thực hiện chính sách ngoại giao “láng giềng hòa thuận, láng giềng yên ổn, láng giềng giàu có” và “thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng”, nỗ lực thích ứng với sự thay đổi của Myanmar.

Tờ tạp chí này nhắc lại thái độ của Trung Quốc trong vấn đề người Rohingya, cho rằng điều này đã khiến phần lớn người dân Myanmar nhận thức được rằng Trung Quốc mới là người bạn thật sự của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới