Năm nào cũng thế, hễ khí xuân tràn về đều mang theo miền ký ức về ngày tết xưa, đơn sơ mà ấm cúng. Giờ đây, ta sống lại tết xưa qua từng con chữ trên báo xuân.
Khi hàng sầu đông buông lơi những chiếc lá cuối cùng chỉ còn lại cành trơ khúc khuỷu đứng đìu hiu đón ngọn gió đông bắc yếu ớt là tín hiệu báo mùa đông sắp tàn.
Khi chồi lộc nứt ra trên thân cây già cỗi, sáng sớm đội hạt sương long lanh trên đỉnh đầu xuyên qua bởi tia nắng mặt trời rơi tung tóe xuống đất.
Lũ chim muông từ đâu kéo đến rộn ràng hát ca, đất trời như tỉnh ngủ, bừng sáng thức dậy sau giấc nồng mùa đông.
Nắng hồng, gió thoảng phối bản tình ca bên cửa sổ, mầm sống chi chít trên cành, từng bầu khí xuân luồn qua hơi thở căng phồng trên đôi má thôn nữ ưng ửng đỏ.
Mạch xuân chảy vào khuôn mặt cụ già, mang nét trẻ trung làm dãn ra những nếp nhăn như xua đi gánh nặng tuổi tác, làm trong veo những tiếng cười rộn rã đón xuân sang.
Tháng mười hai âm lịch, cánh én chao nghiêng trước khoảng sân nhà, báo hiệu xuân bắt đầu miên man khắp ruộng đồng, cây cỏ, xuân về trên từng dáng hình, xuân đến khắp mọi nẻo đường.
Những chồi lá chuối non mởn được chăm sóc kỹ lưỡng, đó là những gì còn sót lại của thân chuối mong manh kinh qua mùa mưa bão, bắt đầu cho tấm lá vuông vắn cuộn tròn vào bên trong có nhân thơm lừng, đem luộc lên thế là có bánh tét, bánh chưng.
Để bánh xanh màu diệp lục khâu chọn lá mang tính quyết định, ở quê tôi có loài chuối mật móc, cây cao vừa, lá to, độ dòn dẻo vừa phải.
Lá cắt xuống phải bỏ “xương sống” ở giữa, xé hình vuông, tam giác, hình thang xong mang ra phơi làm giảm độ giòn, tối lại dầm sương thế mới chuẩn.
Loại nếp được chọn cất giữ từ vụ hè thu, loại hạt bầu dục, tuy không dẻo thơm bằng giống nếp ngày nay nhưng bảo quản được lâu. Đem xay bóc vỏ, sàng bỏ hạt nhỏ rồi ngâm nước cho tơi ra, để ráo.
Lạt buộc bánh phải là cây tre cái, thưa mắt, thịt mềm, chẻ ra mỏng dính trắng bóc, khi luộc mùi thơm của mật tre quyện với vị đắng chát của lá dong, vị béo của nếp tạo thành hương vị đặc trưng khó tả.
Củi luộc bánh là phi lao khô, loại cây mọc nhiều ở vùng cát trắng gió lào miền Trung, thân rất cứng, nhiều mắt, chỉ có thể làm chất đốt. Phi lao khô chẻ ra xù xì nhưng khói rất thơm, đượm lửa, lại cháy bền.
Nồi luộc bánh là thùng pháo sáng bằng nhôm hình trụ ống sót lại từ thời chiến tranh hoặc xoong gang Hải Phòng, Hải Dương.
Ba cục đá tạo thành hình tam giác, đun vỏ trấu, mấy thanh củi phi lao cháy âm ỉ từ chiều đến khuya, xong tắt lửa để than hồng tới sáng, thi thoảng chêm thêm nước.
Lúc mở vung làn hơi tỏa nóng ran mặt mũi, có mùi thơm ngầy ngậy, màu lá dong bầm tái đi là bánh đã chín.
Vớt ra cho vào cái mẹt tròn để nguội xong tháo dây cất vào chỗ thoáng ăn cắt từng khúc ăn dần, bánh tét là lễ vật không thể thiếu trong ngày 30, hoặc đặt lên bàn thờ suốt mấy ngày tết.
Ra giêng hai, cái rét buốt “cắt móng tay không ra máu” bánh tét là món dằn bụng.
Ngoài bánh chưng, bánh tét, tết quê không thể thiếu thịt lợn, thị gà, thịt vịt, không phải mua mà “cây nhà lá vườn”.
Độ tháng mười âm lịch là thả vịt, loài vịt cỏ chân lùn, lông sạm như mái nhà tranh lâu năm, buổi đến trường buổi về đào giun bắt ốc. Đủ chín mươi ngày đôi cánh vịt vắt chéo nhau trên lưng, chạy nghe tiếng lạch bạch là đủ tuổi đúng tết.
Gà cúng đêm giao thừa được chọn rất kỹ, ông bà gọi là “gà giò”, công đoạn làm và đặt gà trên mâm cỗ không phải ai cũng làm được.
Tiết được lấy ra sạch, để vào đĩa, gà nhúng qua nước sôi sao cho không bị lột da, vặt sạch lông, hai cánh luồn qua hai bên má đâm ra miệng, hai đùi béo ngậy xòe ra đằng sau.
Nhúng huyết, nhúng giò phải 3 sôi, 2 lạnh để giò gà chạy mạch đỏ thế mới phát tài lộc cả năm, luộc gà không để nứt da, mào gà không được tím tái.
Thầy bói xem giò cũng lắm chuyện lạnh gáy chứ chẳng chơi, không biết nhờ đâu mà nhìn giò thầy phán nhà có tang, có hỷ…trúng phóc.
Tết nay là nỗi lo, lo đủ thứ trên đời.
Trẻ con không còn biết lá dong, bánh chưng, bánh tét. Người lớn đôn đáo bon chen cho cái tết mau qua đi. “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, ông đồ già, mực tàu, bút lông” chỉ còn trong sách vở.
Tết nay, phương tiện đủ đầy nhưng dường như người ta lười đến với nhau hơn. Đám bạn từ thuở hàn vi dính nhau như sam nhưng rồi cũng nhạt dần vì thứ gì đó ai cũng biết nhưng không thể nói ra; tình làng nghĩa xóm bây giờ không chỉ cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
Tết nay, không tiền coi như không có tết, có phải người nghèo mãi nghèo vì họ cố sống theo cách giàu, còn người giàu sẽ giàu thêm vì họ cứ sống như thể nghèo? Tâm lý hành vi mô tả sự thật đến mức đắng chát.
Nhưng nàng xuân đâu phải của riêng ai vì xuân là của bao người mặc tình xuân lả lơi, thưởng xuân mỗi người một vẻ kẻ đắm chìm trong đen đỏ người vui thú văn chương, người du xuân thưởng ngoạn kẻ quần tụ báo hiếu ông bà cha mẹ.
Năm nào cũng thế, hễ khí xuân tràn về đều mang theo miền ký ức về những cái tết xưa, mộc mạc, giản dị, đơn sơ mà ấm cúng. Giờ đây vẫn còn tết mặc cho người ta mưu toan bỏ tết, nhưng chỉ sống lại tết xưa qua từng con chữ trên báo xuân.
Làm báo xuân dễ mà khó, kiếm cái viết không khó nhưng lột tả được thần thái của nàng xuân mới là khó, vớ được cảm xúc thế là đóng kín cửa phòng ngược thời gian “đưa” mình về cái thời tắm sông ở truồng.
Từng con chữ nhảy múa dưới mấy ngón tay, mắt dán vào màn hình nhưng hồn cốt đang đi tìm xuân ở nơi xa lắm…