Trung Quốc cử 11 tàu chiến di chuyển vào Đông Ấn Độ Dương sau khi Tổng thống Maldives quan chức tới Bắc Kinh giữa khủng hoảng.
The Independent dẫn thông tin từ trang tin tức Sina của Trung Quốc cho hay, 11 tàu chiến Trung Quốc đã di chuyển vào khu vực Đông Ấn Độ Dương trong tháng 2.
Trong số này có ít nhất một tàu khu trục loại nhỏ, một tàu vận tải 30.000 tấn và 3 tàu tiếp nhiên liệu.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về việc đưa tàu chiến tới Ấn Độ Dương, nhưng đăng tải hình ảnh cho thấy tàu chiến của họ đang “luyện tập cứu hộ” trong khu vực.
Trang tin Sina không cho biết đội tàu chiến của Trung Quốc sẽ triển khai ở vị trí nào cũng như thời gian triển khai tại Ấn Độ Dương là bao lâu.
Tờ báo Trung Quốc chỉ bình luận: “Nếu nhìn vào số lượng tàu chiến và các trang bị khác, khoảng cách giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc là không lớn”.
Tin tức cũng không đề cập đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives cũng như lý do Trung Quốc cử hạm đội tàu chiến tới vùng biển này.
Trong khi đó, tờ The Independent cho rằng, thời điểm đội tàu chiến của Bắc Kinh tới khu vực nóng đang bất ổn ở Maldives không phải chuyện tình cờ.
Cuộc khủng hoảng tại Maldives bị nghi ngờ có liên quan đến Trung Quốc và Ấn Độ là rất rõ ràng khi Tổng thống Abdulla Yameen là người ủng hộ chiến lược “Một vành đai – Một con đường” của Trung Quốc.
Còn Ấn Độ là một đối tác lâu năm của chuỗi đảo nhiệt đới có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng này. Ấn Độ cũng đã muốn giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở quốc gia láng giềng này, đặc biệt là sau khi cựu Tổng thống Maldives Maumoon Abdul Gayoom lên tiếng chỉ trích đương kim Tổng thống Abdulla Yameen đã dành quá nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư Trung Quốc trong sáng kiến “Một vành đai- Một con đường” mà Maldives là một mắt xích quan trọng.
Sau khi chỉ trích Tổng thống Yameen là đã mở nhiều cánh cửa cho các nhà đầu tư Trung Quốc mà không quan tâm tới quy trình đầu tư cũng như tính minh bạch, cựu Tổng thống Maldives còn cho rằng “Trung Quốc đang mua lại toàn bộ Maldives”.
Cầu Hữu nghị Trung Quốc- Maldives minh chứng mối giao hảo của hai nước. |
Cuộc khủng hoảng bắt đầu gia tăng khi hôm 5/2, Tổng thống Yameen đã thiết lập tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày nhằm hủy bỏ phán quyết của Tòa án Tối cao bác bỏ bản kết tội 9 lãnh đạo đối lập và ra lệnh cho chính phủ của ông trả tự do cho những người đang bị cầm tù, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb.
Tòa cho rằng các cựu quan chức trên cần phải được thả cho đến khi có thể tiến hành các phiên tòa xét xử công bằng. Tuy nhiên, sau khi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố, tòa đã phải hủy phán quyết của mình.
Sau đó, Tổng thống Yameen đã ra lệnh bắt giữ Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed, thẩm phán Ali Hameed và cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.
Đến ngày 19/2, Tổng thống Yameen kêu gọi quốc hội chấp thuận kéo dài tình trạng khẩn cấp 30 ngày và đã được thông qua 1 ngày sau đó trong một phiên bỏ phiếu bất thường bị phe đối lập tẩy chay.
Ngày 20/2, Quốc hội Maldives đã phê chuẩn gia hạn sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày theo đề nghị của Tổng thống Abdulla Yameen.
Cùng thời điểm cuộc khủng hoảng đang trên bờ vực gia tăng, nhà lãnh đạo Maldives đã cử đại sứ đến 3 nước trong đó có Bộ trưởng Phát triển kinh tế Mohamed Saeed tới Trung Quốc và 2 đại sứ còn lại tới Pakistan và Ả-Rập Xê-út.
Về phía nhóm lãnh đạo phe đối lập tại Maldives thì đã yêu cầu New Delhi can thiệp vào tình hình nước họ và xóa bỏ khủng hoảng.
Sự xuất hiện của 4 tàu chiến Trung Quốc hiện đại gần Quần đảo Maldives có ý nghĩa quan trọng đối với sự cân bằng quyền lực ở Ấn Độ Dương. Ảnh: CCTV7 |
Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã bày tỏ hy vọng Maldives đảm bảo tiến trình chính trị được khôi phục và có hiệu quả ngay lập tức.
Thông cáo báo chí chính thức của bộ trên lưu ý rằng “các thể chế dân chủ” của Maldives, bao gồm cả hệ thống tư pháp, “nên được phép hoạt động độc lập, công bằng và minh bạch theo Hiến pháp”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng nhấn mạnh điều quan trọng là Maldives cần nhanh chóng quay lại con đường dân chủ và pháp quyền để đáp ứng nguyện vọng của người dân nước này và xoa dịu sự quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc, Peter Jennings cho biết: “Ấn Độ từ lâu đã quan tâm đến lợi ích biển của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương. Trong thập kỷ qua, Hải quân của Quân đội Nhân dân Trung Quốc đã thường xuyên tới khu vực trên nhiều lần để tham gia vào các hoạt động chống vi phạm chủ quyền của LHQ và Liên minh Châu Âu. Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Djibouti và đang sử dụng chiến lược “Một Vành đai- Mộ con đường” để xây dựng cơ sở hạ tầng cảng rộng lớn ở Pakistan và Sri Lanka”.