Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVấn đề Đài Loan: Khi TQ tiến, Mỹ cũng không chịu lùi...

Vấn đề Đài Loan: Khi TQ tiến, Mỹ cũng không chịu lùi bước

Trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những động thái gia tăng sức ép với Đài Loan, Mỹ cũng từng bước thận trọng đẩy mạnh thắt chặt quan hệ với Đài Bắc thông qua chuyến thăm của các quan chức và nhà thầu quân sự.

Trong những tháng gần đây, dưới sự hộ tống của dàn chiến đấu cơ, các oanh tạc cơ chiến lược Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến bay “bao vây đảo” quanh Đài Loan. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến cáo người dân không tới Đài Loan đồng thời giảm nhập khẩu nhiều mặt hàng như cá của Đài Loan, gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế của Đài Bắc. Thậm chí, dưới tác động của chính quyền Bắc Kinh, Panama, một đồng minh thân thiết và quan trọng của Đài Loan cũng đã thay đổi quan điểm ngoại giao với Đài Bắc.

Theo tờ Times of India, mối quan ngại về số phận của Đài Loan cũng đang lớn dần ở Washington dù Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn phải nhờ vả Trung Quốc chung tay giúp sức giải quyết một số vấn đề mang tính quốc tế. Cụ thể, trong năm đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc gia tăng sức ép với quốc gia láng giềng Triều Tiên để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Song, thành công mới chỉ rất giới hạn. Ngoài ra, ông Trump cũng đã tìm cách để mức thặng dư thương mại gần 400 USD giữa Mỹ và Trung Quốc không gia tăng thêm.

Nhưng dù còn phải nhờ cậy Trung Quốc, gần đây, Washingtton đang dần có những động thái thắt chặt thêm quan hệ với Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc chỉ coi là một tỉnh ly khai. Trong đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật thúc đẩy các chuyến thăm của tàu chiến và quan chức Mỹ tới Đài Loan. Một nhóm nhà thầu quân sự Mỹ còn có kế hoạch thảo luận với phía Đài Loan về hoạt động sản xuất các linh kiện vũ khí vào tháng Năm tới. Còn vào tháng Sáu tới, Viện Nghiên cứu Mỹ tại Đài Loan dự định mở rộng quy mô và tập trung  hoạt động tại tòa nhà cao tầng ở Đài Bắc.

“Dường như chính quyền của Tổng thống Trump đang sử dụng Đài Loan làm lá bài phục vụ cả hai mục tiêu là gia tăng sức ép và tìm kiếm sự nhượng bộ”, Giáo sư Willy Lam tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong nhận định. 

Về phần mình, giới chức Trung Quốc cũng không ngần ngại cáo buộc Mỹ đang can thiệp vào vấn đề Đài Loan, một trong những chủ đề mà Bắc Kinh xem là nằm trong giới hạn đỏ.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ James Inhofe, quan chức đứng hàng thứ hai của đảng Cộng hòa chỉ sau Thượng nghị sĩ John McCain trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ sẽ tới Đài Loan trong tuần này cùng với các thành viên ở cả Thượng viện và Hạ viện.

Theo kế hoạch, các quan chức Mỹ sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cùng các quan chức cấp cao Đài Loan. Cuộc đối thoại này nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

“Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng và có ý định mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu, mối quan hệ an ninh Mỹ – Đài Loan hiện quan trọng hơn bao giờ hết. Để đảm bảo an ninh, Đài Loan cần có năng lực để tự bảo vệ mình. Đài Loan sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự ổn định của khu vực”, ông Inhofe nói.

Hồi tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Trump đã ký bộ luật với nội dung khuyến khích các chuyến thăm cảng của lực lượng tàu chiến hải quân Mỹ và Đài Loan.

 Theo ông Richard Bush, cựu Chủ tịch Viện Nghiên cứu Mỹ tại Đài Loan, việc Tổng thống Trump hạ lệnh điều tàu chiến thực hiện các chuyến thăm cảng và quan chức cấp cao tới Đài Loan dù chỉ mang tính biểu tượng nhưng cũng đủ khiến Trung Quốc nổi giận.

Bên cạnh đó, hai sự kiện vào tháng Năm và Sáu tới chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh càng đề phòng trước Washingtong trong vấn đề Đài Loan.

Cụ thể, vào đầu tháng Năm tới, một bữa tiệc trưa và một cuộc họp sẽ được tổ chức ở phía nam Đài Loan với sự tham dự của hàng loạt lãnh đạo các công ty quân sự Mỹ và Đài Loan.

Theo ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Đài Loan đồng thời làm chủ tọa sự kiện vào đầu tháng Năm tới, các quan chức tham dự cuộc họp sẽ họp bàn về đề xuất của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn liên quan tới việc thúc đẩy ngành công nghiệp linh kiện Đài Loan thông qua bán thiết bị cho các nhà thầu quân sự Mỹ.

Một sự kiện khác có thể làm thổi bùng ngọn lửa căng thẳng ngoại giao Mỹ – Trung là vào giữa tháng Sáu tới, Viện Nghiên cứu Mỹ tại Đài Loan có kế hoạch mở rộng quy mô và tập trung hoạt động tại một tòa nhà lớn ở Đài Bắc thay vì nằm rải rác ở nhiều địa điểm quanh Đài Bắc như trước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Times of India, cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump, người đã không tới sự kiện mở cửa một đại sứ quán mới của Mỹ ở thủ đô London hồi tháng trước, sẽ tới Đài Bắc để dự khai trương tòa nhà Viện Nghiên cứu Mỹ. Vậy ai sẽ là người thay thế ông Trump tới sự kiện này?

Dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Bush, Clinton và Obama, Mỹ thường cử các quan chức trong nội các tới Đài Bắc. Song thay vì chọn các quan chức cấp cao như Ngoại trưởng hay Bộ trưởng Quốc phòng, các quan chức Mỹ từng tới Đài Loan là đại diện thương mại, Bộ trưởng Giao thông hoặc người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường.

Hồi đầu tháng này, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh, “nếu Mỹ cử bất cứ quan chức cấp cao nào thực hiện chuyến thăm chính thức tới Đài Loan, Bắc Kinh sẽ xem đây là hành động khiêu khích và thi hành mọi biện pháp phản công có thể bao gồm việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”.

Trước đó, trong lễ khai mạc Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/2017, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bao giờ để cho bất cứ ai, bất cứ tổ chức hay bất cứ đảng phái chính trị nào dù ở thời điểm nào hay dưới hình thức nào chia cắt bất cứ phần lãnh thổ nào của Trung Quốc ra khỏi đại lục”.

RELATED ARTICLES

Tin mới