Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 28/02/2018

Bản tin Biển Đông ngày 28/02/2018

Bản tin Biển Đông ngày 28/02/2018.

Ý kiến chuyên gia Trung Quốc: Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tập trận huấn luyện trên “các vùng biển mở” nhằm thách thức các nước ngoài khu vực

Ngày 27/2, Mạng Quân sự Trung Quốc đưa tin, ngày 25/2, Hạm đội Nam Hải thuộc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã hoàn thành cuộc tập trận kéo dài 25 ngày “tại các vùng biển mở”. Đội tàu đã về tới một cảng quân sự ở Trạm Giang , tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sau chuyến hải trình kéo dài 8000 hải lý đi qua Biển Đông, phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. Theo nguồn tin từ Nhật báo PLA, cuộc tập trận huấn luyện này “là một phần trong kế hoạch thường niên của Hải quân PLA, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế”. Nội dung cuộc tập trận tập trung vào các cuộc diễn tập chiến đấu giải định, bao gồm 20 cuộc diễn tập như phối hợp phòng thủ trên không, phối hợp tấn công trên không – trên biển, tấn công sâu trong đất liền… nhằm kiểm nghiệm năng lực chiến đấu của hải quân và tìm ra những phương thức huấn luyện mới. Theo Chen Xiangmiao, chuyên gia nghiên cứu tại Viện quốc gia Nam Hải, cuộc huấn luyện đã cho thấy rằng Hạm đội Nam Hải của Hải quân PLA đã nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi hoạt động và qua đó chuyển tải thông điệp đến Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ (3 trong số các quốc gia thuộc Nhóm Bộ Tứ) rằng “Trung Quốc đủ khả năng duy trì an ninh trên biển và có thể phá vỡ mọi cuộc phong toả chiến lược nào”. Ông Chen quả quyết khẳng định rằng hoạt động của Hải quân Trung Quốc là hợp pháp và là minh chứng cho sự phát triển hoà bình của nước này trong khi chỉ trích gay gắt “truyền thông phương Tây thường có định kiến với tất cả các hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông và các khu vực khác và gọi đây là tham vọng bành trướng của Trung Quốc”.

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ: COC đạt được tiến triển tích cực dù tình hình Biển Đông còn nhiều phức tạp

Tờ Business Standard đưa tin, ngày 27/2, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành khẳng định tình hình ở Biển Đông tuy còn phức tạp song điều tích cực là Trung Quốc và ASEAN đã cam kết khởi động đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm giải quyết các yêu sách biển chồng lấn.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ: không siêu cường nào có thể đơn phương thay đổi trật tự dựa trên luật lệ

NDTV đưa tin, ngày 27/2, tại “Đối thoại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được tổ chức bởi Hải quân Ấn Độ Dương và Trung tâm Nghiên cứu Quỹ Biển quốc gia (NMF), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định, tự do hàng hải ở các vùng biển được điều chỉnh bởi trật tự dựa trên luật lệ và không có siêu cường hay nhóm siêu cường nào có quyền thay đổi trật tự dựa trên luật lệ. Theo NDTV, bình luận của bà Sitharaman được xem là nhằm gián tiếp đề cập đến động thái quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà cũng nhấn mạnh “Ấn Độ muốn làm rõ rằng tự do hàng hải không thể bị thách thức đơn phương hoặc tuỳ tiện”. Bà Sitharaman nói thêm “Trong những năm gần đây, Ấn Độ được xem là một chủ thể quốc tế có ảnh hưởng về mặt chính sách, và thực sự đang nắm vai trò lãnh đạo trên toàn cầu”, “chứ không chỉ là một người chơi và một chủ thể có ảnh hưởng về mặt chính sách trong khu vực như trước đây nữa”. Bà Sitharaman cho biết khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có vai trò rất quan trọng và Ấn Độ đóng vai trò “rất lớn”.

Tại buổi Đối thoại, Đô đốc Hải quân Ấn Độ Sunil Lanba cho biết, trong bối cảnh có “nhiều quốc gia đang thực hiện hợp tác quốc tế và tìm kiếm những liên minh nhằm phục vụ lợi ích riêng của họ”, việc khôi phục lòng tin trong trật tự dựa trên luật lệ, bất kể ai là người đứng đầu trật tự này, là một trong những thách thức cần phải đối mặt.

Nhóm luật sư của Philippines sẽ đề xuất biện pháp trừng phạt đối với hành vi cải tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 28/2, trang Inquirer đưa tin, theo Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Philippines (IBP) Abdiel Dan Elijiah Fajardo cho biết IBP đang nghiên cứu khả năng đề xuất một biện pháp chế tài với Toà Tối cao Philippines để chống lại các công ty có hợp đồng với Trung Quốc về xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo ông Fajardo, hoạt động xây dựng và nạo vét các rạn san hô ở khu vực để xây dựng cơ sở phục vụ cho các đảo đã gây tổn hại đến 09 rạn san hô dù cần đến nghìn năm mới có thể khôi phục lại được, theo như thông tin các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ tài nguyên biển cho biết. Ông khẳng định các công trình của Trung Quốc đã dẫn đến thảm hoạ môi trường, do đó IBP sẽ điều tra về thiệt hại và yêu cầu có biện pháp chế tài để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục huỷ hoại các rạn san hô. Ông nhấn mạnh rằng, nếu Toà Tối cao chấp nhận đề xuất này, đây có thể sẽ trở thành lập trường chính thức đầu tiên của Chính phủ Philippines về các đảo nhân tạo. Ngoài ra, ông Fajardo cho hay, bởi chính quyền Tổng thống Duterte, thông qua Bộ Ngoại giao, dường như chưa kiên quyết phản đối hành động xây dựng đảo, do đó IBP sẽ nỗ lực thúc đẩy lập trường từ góc độ tư pháp. Ý tưởng này dựa trên quy định rằng các toà án địa phương có thẩm quyền đối với cả các công ty tư nhân nước ngoài, miễn là hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới