Sau khi được đưa vào trang bị trên tàu khu trục lớp Izumo, các tiêm kích F-35B sẽ trở thành quân “át chủ bài” để Nhật Bản có thể đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc.
Hình ảnh cắt từ video mô phỏng cuộc chiến giả định diễn ra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong đó, Nhật Bản bắn cháy một tàu được cho là tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc.
Cách đây không lâu, Bộ quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ xem xét khả năng nâng cấp 2 tàu khu trục trực thăng lớp Izumo mà lực lượng phòng vệ trên biển nước này trang bị, để nó có thể mang chiến đấu cơ cất hạ cánh thẳng đứng F-35B do công ty Lockheed Martin Mỹ chế tạo chuyên dùng cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ.
Từ một tàu khu trục mang trực thăng trở thành một tàu tấn công đổ bộ có khả năng tấn công, đó chính là “tàu chuẩn sân bay” mà mọi người nói đến.
Trái ngược với những phát ngôn của giới truyền thông Nhật Bản trước đây, chiến đấu cơ F-35B mà tàu Izumo lần này trang bị thực sự cũng mang lại lòng tin cho không ít chuyên gia Nhật Bản.
Theo những tuyên bố trên truyền hình của chuyên gia quân sự Nhật Bản gần đây, tàu khu trục trực thăng Izumo sau khi được nâng cấp có thể mang được chiến đấu cơ cất hạ cánh thẳng đứng F-35B, khi đó nó có thể nhấn chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc trong thời gian nửa giờ.
Được biết, chiến đấu cơ cất hạ cánh thẳng đứng F-35B là một phần của dự án chiến đấu cơ F-35, chủ yếu phục vụ lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và hải quân của một số nước. Điểm đặc biệt của nó là khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, cho phép triển khai trên các tàu đổ bộ, tàu sân bay hạng nhẹ.
Có thể nói, F-35B có ưu thế về công nghệ hơn so với tiêm kích hạm của nhiều nước, tính năng tàng hình cộng với khả năng tấn công ngoài đường chân trời đủ để đánh bại các chiến đấu cơ cánh cố định trên các tàu thế hệ 4 khác.
Đáp trả lại những tuyên bố hùng hồn của chuyên gia Nhật Bản, chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng lý do chiến đấu cơ F-35B trên tàu có thể tàng hình được là vì toàn bộ vũ khí đạn dược của nó đều được bố trí bên trong khoang đạn dược của máy bay, giúp giảm thiểu diện tích phản xạ radar.
Song, nếu muốn nhấn chìm tàu Liêu Ninh thì F-35B cần phải mang tên lửa chống hạm. Trong khi đó, cho đến thời điểm này, Hải quân Mỹ vẫn chưa nghiên cứu ra bất kỳ tên lửa chống hạm nào có thể bố trí bên trong thân máy bay.
Điều đó khiến cho F-35B khi thực hiện nhiệm vụ chống hạm vẫn phải treo tên lửa chống hạm bên ngoài, làm suy yếu kết cấu tàng hình của nó, đồng thời làm tăng xác suất và khoảng cách bị radar tìm kiếm phát hiện.
Theo vị chuyên gia này, tàu hộ vệ 054A, tàu khu trục 052D và tàu khu trục 055 của Trung Quốc, với hệ thống phòng không hoàn chỉnh trong nhóm tàu chiến tàu sân bay, có thể tiến hành phòng không đánh chặn từ xa và gần.
Chiến đấu cơ trên tàu J-15 của tàu sân bay Liêu Ninh, trước sự dẫn đường của radar cảnh báo, có thể phát hiện sớm máy bay chiến đấu F-35B. Bên cạnh đó, kết hợp với tên lửa không đối không tầm trung và xa có trong trang bị, J-15 có thể chiếm ưu thế trước F-35B.