Nếu quay lại TPP, cái thế của Mỹ sẽ khác với trước đây và không có gì bảo đảm tất cả thành viên sẽ chấp nhận những điều khoản bị đóng băng.
Mỹ sai lầm?
Dự kiến, ngày 8/3/2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết tại Chile. Trước đó, hôm 21/2, dự thảo cuối cùng của CPTPP đã được công bố. Theo dự thảo này, kể từ ngày CPTPP có hiệu lực, bất kỳ một quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt nào đều có thể gia nhập vào hiệp định này, theo các điều khoản và điều kiện được thống nhất giữa các bên của Hiệp định với quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt đó.
Trong khi đó, sau khi tuyên bố Mỹ rút lui khỏi TPP (tên gọi cũ của CPTPP) vào năm 2017, thời gian gần đây, giới chức Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump liên tục để ngỏ khả năng đưa Mỹ tái gia nhập TPP với điều kiện Washington phải đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều so với thỏa thuận mà ông mô tả là “kinh khủng” trước đây.
Lý giải về tín hiệu này của Mỹ, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, thực tiễn bày ra trước mắt đã buộc ông Trump phải quay lại TPP.
Đi sâu phân tích cụ thể, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết, một trong những quyết định đầu tiên của ông Donald Trump khi đắc cử tổng thống Mỹ là rút Mỹ khỏi TPP. Ông còn đe dọa rút Mỹ khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông Trump là một thương nhân, muốn đặt “Nước Mỹ trên hết” và muốn xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm một cách triệt để.
“Tuy nhiên, thực tiễn 1 năm điều hành cho thấy việc đó không hề đơn giản, dễ dàng. TPP giống như một tấm huân chương, mặt trước là kinh tế, còn mặt sau là chính trị và an ninh. Về mặt quan hệ quốc tế, đây là chính là sự khôn ngoan của ông Obama khi muốn thông qua kinh tế để lô kéo các nước ngả vào vòng tay Trung Quốc quay lại để tạo ra cân bằng mới.
Ông Trump là một thương nhân và ông ta nóng vội. Đúng là ông Trump lọc lõi về kinh tế nhưng không có kinh tế thuần túy, giữa kinh tế và chính trị, an ninh luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Năm đầu tiên trên cương vị Tổng thống, ông Trump tập trung vào kinh tế và thực tiễn đã dạy ông rằng nếu chỉ tập trung vào kinh tế mà ít quan tâm đến chính trị, an ninh thì sẽ thất bại. Vì thế Trump buộc lòng phải điều chỉnh.
Phải thừa nhận rằng có điều hợp lý khi Trump muốn rút Mỹ khỏi các hiệp định đa phương. Ông đã nhìn ra vấn đề thiệt hại của Mỹ trong các hiệp định đa phương, nhưng trên thế giới hiện nay, đa phương song hành với song phương, nếu từ bỏ đa phương để chạy theo song phương là cực đoan. Định hướng phát triển thương mại song phương của Tổng thống Trump rất khó thực hiện khi lợi ích của từng quốc gia đã gắn với lợi ích kinh tế đa phương.
Bản thân TPP là lợi ích của nhiều tập đoàn kinh tế Mỹ và họ không dễ dàng để lợi ích của mình bị cắt xén. Họ sẽ tìm mọi cách để giữ lợi ích của mình.
Vì những lẽ đó, ngay từ khi Mỹ rút khỏi TPP vào năm 2017, nhiều chuyên gia đã dự báo sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ quay lại TPP và dự báo này đang dần trở thành hiện thực. Mỹ là một siêu cường, họ có tự trọng, tự ái rất lớn và không bao giờ thừa nhận sai lầm của mình. Tuy nhiên, họ sẽ lặng lẽ sửa chữa sai lầm bằng cách trở lại TPP”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược phân tích.
Thế khác
Điều được vị chuyên gia lưu ý là trong phiên bản TPP sau cùng được công bố ngày 21/2 , hơn 20 điều khoản bị tạm hoãn hoặc thay đổi, trong đó về cơ bản tập trung vào 2 vấn đề chính là sở hữu trí tuệ và thị trường, vốn được đưa vào ban đầu theo yêu cầu của Mỹ.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, ban đầu, Mỹ đề xuất đưa quy tắc về sở hữu trí tuệ vào thỏa thuận là có cái lý của họ bởi Mỹ là trung tâm của các phát minh của thế giới và chúng bị đánh cắp rất nhiều.
Tuy nhiên, một quy tắc khác Mỹ đòi đưa vào thỏa thuận khiến nhiều nước không hài lòng đó là liên quan đến chính trị. Ví dụ, Mỹ đưa ra nguyên tắc công đoàn tự do làm khó cho nhiều nước.
“Nhưng với vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy CPTPP, Nhật Bản đã khiến cho các điều khoản trở nên nhẹ nhàng hơn và phải thẳng thắn thừa nhận rằng, CPTPP đối với Việt Nam dễ chịu hơn.
Chẳng hạn, các điều khoản, quy chế về xuất xứ hàng hóa không gay gắt như Mỹ. Theo TPP lúc đầu, các sản phẩm dệt may của Việt Nam muốn vào thị trường Mỹ thì 90% nguyên vật liệu phải xuất xứ từ Việt Nam, nếu chiểu theo điều này thì dệt may Việt Nam không có cửa vào thị trường Mỹ. Nhưng với CPTPP, yêu cầu này chỉ là 50-60%, ngoài ra nó có thời kỳ để các nước chuẩn bị.
Bởi vậy, các điều khoản của CPTPP tương đối dễ chịu hơn so với TPP trước đây và điều này thể hiện sự khôn ngoan của Nhật Bản.
Mỹ buông thì Nhật Bản phải đỡ vì Nhật Bản và Mỹ thời Obama đã thống nhất phải làm nhanh để thúc đẩy TPP, nếu không, thông qua kinh tế, Trung Quốc sẽ chi phối toàn bộ khu vực này. Nếu kéo căng các tiêu chuẩn thì nhiều nước sẽ ngập ngừng, do đó khi CPTPP hạ một tiêu chuẩn xuống, các nước đều vui vẻ tham gia.
Bản thân Nhật Bản cũng được lợi rất nhiều khi CPTPP được thúc đẩy. Dựa vào CPTPP, chính quyền của ông Shinzo Abe tiếp tục duy trì được vị thế của Nhật Bản trong địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy cải cách và mở cửa trong nước.
Dự thảo cuối cùng của CPTPP ghi rõ: bất kỳ một quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt nào đều có thể gia nhập vào hiệp định này, theo các điều khoản và điều kiện được thống nhất giữa các bên của hiệp định với quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt đó.
Cái này chủ yếu hướng vào Mỹ, mở đường cho Mỹ muốn vào lại TPP khi nào thì vào. Nhưng nếu Trung Quốc vào thì phải tính toán chứ không hề đơn giản. Trung Quốc cũng muốn vào TPP nhưng trước đó họ đưa ra một đối trọng với TPP và kêu gọi các nước tham gia, đó là Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) mà nhiều nước vẫn còn đang hững hờ.
Nếu TPP không có Mỹ, sớm muộn gì Trung Quốc cũng tham gia nhưng, còn bây giờ “bập” vào ngay thì nghe chừng… mắc cỡ. Trung Quốc vào TPP các nước cũng được lợi, nhưng chắc chắn phải cảnh giác nhiều hơn”, Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ rõ.
Khẳng định TPP luôn mở cửa cho Mỹ nhưng tướng Cương cũng nhấn mạnh rằng, cái thế của Mỹ khi tái gia nhập TPP sau này sẽ không bằng năm ngoái. 11 quốc gia thành viên có quyền, việc chỉnh sửa các điều khoản lúc này là rất khó khăn và Mỹ vào sau thì phải chấp nhận.
Tuy nhiên, không quốc gia nào muốn làm căng với Mỹ và để dung hòa, giả sử Mỹ đưa ra các điều khoản phải bổ sung thì các nước cũng chấp nhận vài ba điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ quay lại TPP.
Đối với Việt Nam, vị chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế đánh giá, Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy tích cực TPP. Ngay từ đầu, Việt Nam sốt sắng tham gia đàm phán TPP chính là quyết định thông minh và sáng suốt. Việt Nam nhìn nhận được cả thuận lợi và những thách thức.
“Với CPTPP, cái lợi của Việt Nam chỉ hơn chứ không kém đi. Không có Mỹ thì vẫn còn những thị trường lớn khác. Vào TPP, Việt Nam còn có điều kiện để vào thị trường châu Âu và các thị trường khác. Tự chung lại, chúng ta vẫn có lợi.
Vấn đề là năng suất, chất lượng hàng hóa của Việt Nam phải tốt nhất. TPP là một cú hích về thị trường, đầu tư, nhưng quan trọng hơn, Việt Nam phải vươn lên để vận hành một nền kinh tế mở, minh bạch và bình đẳng”, Thiếu tướng Lê Văn Cương kết luận.