Tuesday, January 14, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTàu cá TQ lộng hành: Hạm đội ‘bóng ma’

Tàu cá TQ lộng hành: Hạm đội ‘bóng ma’

Những con tàu đội lốt tàu cá này được cài đặt công cụ do thám, thậm chí còn trang bị vũ khí hạng nặng, thường lởn vởn tại các khu vực tranh chấp ở biển Đông và Hoa Đông

Những hình ảnh từ một cuộc tập trận của Trung Quốc (TQ) diễn ra tại vùng biển ngoài khơi phía Nam nước này hồi năm 2016 đã để lộ nhiều chi tiết kỳ lạ. Chúng được công bố trên những trang tin tức chính thống, cho thấy nhiều con tàu mang số hiệu có tiền tố “Trạm Ngư” – có thể cắt nghĩa là tàu cá của TP Trạm Giang.

Mập mờ, bí hiểm

Đặc điểm nêu trên cùng với bề ngoài đặc trưng của những con tàu có thể tạo ấn tượng rằng chúng là tàu đánh cá lưới vét hoặc tàu đánh cá lưới kéo biển sâu – vốn chiếm một phần không nhỏ trong hạm đội đánh cá khổng lồ của TQ. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, hóa ra chúng không phải là những tàu cá thông thường, theo The National Interest.

Thậm chí, một số tàu – như những chiếc mang số hiệu Trạm Ngư 819, 820 hay 822 – ngoài tời kéo lưới phía sau còn trang bị cả một cụm ăng-ten rất lộ liễu. Bên cạnh đó, thay vì sơn màu xanh “đồng phục” của các tàu thương mại thông thường, tất cả tàu cá trong các bức ảnh nêu trên đều mang màu xám đặc trưng của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLAN). Đây được cho là những hình ảnh hiếm hoi về các con tàu thuộc Hạm đội Biển Đông 488 của TQ đóng tại Trạm Giang.

Quả nhiên, chúng đều là các tàu thuộc biên chế Hạm đội Biển Đông 488. Đội tàu bí ẩn này còn có một số đơn vị “chị em” phục vụ với 2 hạm đội PLAN khác, cũng được trang bị các tàu cá tình báo (AGI). Chúng được gọi chung là các tàu lớp 792.

Theo giới quan sát, những “tàu cá” trông có vẻ vô hại này hay lượn lờ ở các khu vực tranh chấp trên biển Đông và Hoa Đông. Dù đã tồn tại từ những năm 1950 nhưng lực lượng mập mờ có biệt danh là “bóng ma biển” này cũng như hoạt động của chúng vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

Tăng cường năng lực

Khi bắt đầu dùng tàu cá cho mục đích quân sự, Bắc Kinh ban đầu chỉ định lấp chỗ trống tạm thời cho tình trạng thiếu hụt tàu hải quân. Thế nhưng, TQ chẳng thể trông cậy gì nhiều ở những con tàu gỗ lạc hậu này, chúng chỉ được bố trí quanh quẩn trong các sứ mệnh gần bờ.

Năm 1952, TQ thu giữ được một số tàu cá trăm tấn của Nhật Bản bị cáo buộc đánh bắt trái phép. Bắc Kinh vô cùng ấn tượng với những con tàu của hàng xóm có tính năng vượt trội và máy móc chắc chắn. Họ biến chúng thành các tàu hỗ trợ hỏa lực với các bệ phóng rocket. Bên cạnh vai trò trợ giúp thời chiến, những tàu cá “bóng ma” tiên phong này còn có chức năng thu thập thông tin tình báo, chống theo dõi và tiếp sức các đơn vị đồn trú ngoài khơi của quân đội TQ.

Bắc Kinh về sau nỗ lực tìm cách cải thiện đội tàu cá “bóng ma” nhờ học hỏi từ Nhật Bản và phương Tây. Những phiên bản được chế tạo vào giữa những năm 1950 có thân bằng gỗ, động cơ 250 mã lực, vận tốc tối đa đạt 8,5 hải lý/giờ. Tới cuối những năm 1950, tàu đã được làm bằng thép và động cơ 350 mã lực. Đến năm 1963, tàu lớp 801 dài 29,6 m, lượng giãn nước 250 tấn và vận tốc tối đa 9,5 hải lý/giờ được trình làng.

Không lâu sau, nhà máy đóng tàu Giang Tây chế tạo một tàu cá do thám mới, dài 47 m, lượng giãn nước 600 tấn và tốc độ lên tới 16 hải lý/giờ. Từ năm 1979-1980, một xưởng đóng tàu khác ở Hạ Môn xuất xưởng các mẫu tàu mới với động cơ 400-600 mã lực, vận tốc 10,5-11 hải lý/giờ.

Trong thời kỳ đầu, đặc biệt là vào những năm 1960, công cụ do thám chủ đạo cài cắm trên các “tàu cá” AIG nêu trên là những camera Hải Âu nội địa, dùng để chụp ảnh. Vài tàu thậm chí còn trang bị cả vũ khí hạng nặng, như súng chống máy bay 37 mm. Tuy nhiên, nhiều hạn chế tồn tại, như khả năng chống chịu còn khiêm tốn cũng như nhiều bất tiện trong điều kiện sinh hoạt của thủy thủ đoàn, vẫn cản bước những “bóng ma biển” này vươn ra các sứ mệnh xa bờ.

Theo chuyên gia nghiên cứu Koh Swee Lean Collin từ Khoa Nghiên cứu Quốc tế Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), Bắc Kinh vẫn không ngừng tăng cường trang bị các thiết bị thu thập thông tin tình báo tinh vi cho các “bóng ma” nhằm giúp nước này xây dựng “một bức tranh nhận thức tình huống điện tử” chi tiết.

Các tàu AIG từng xuất hiện thường xuyên ngoài khơi Đài Loan vào thời điểm căng thẳng xuyên eo biển tăng nhiệt, đặc biệt trong giai đoạn 2000-2008. Chúng cũng bị phát hiện lởn vởn quanh quần đảo Tây Nam xa xôi của Nhật Bản, nhất là sau khi Bắc Kinh và Tokyo bùng bổ tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Gần đây, “bóng ma” còn trà trộn với những tàu cá thông thường khác của TQ ngoài khơi Nhật Bản, giả bộ như đang khai thác hải sản.

Ý đồ bất thường

Điểm nóng biển Đông cũng được cho là xuất hiện bóng dáng của các “bóng ma”. Vào tháng 4-2013, chiếc tàu cá TQ dài 43 m, mang số hiệu Min Long Yu 63168 mắc kẹt ở bãi đá Tubbataha của Philippines và bị bắt giữ. Philippines không kết luận thẳng rằng đây có phải là tàu do thám hay không nhưng có nhiều dấu hiệu chỉ ra ý đồ bất thường của con tàu TQ này. Tàu chỉ có 12 ngư dân thay vì 30 người hoặc hơn như các tàu đánh cá thông thường của TQ. Một nguồn tin quân sự Philippines giấu tên còn tiết lộ các “ngư dân” TQ trên con tàu lạ này trắng trẻo, khác với màu da đen sạm cháy nắng đặc thù của ngư dân.

Khả năng đi biển ngày càng cải thiện khiến các “bóng ma” mở rộng hoạt động xa bờ hơn. Tháng 8-1994, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ bắt giữ 3 tàu cá TQ cùng 55 ngư dân ngoài khơi đảo Narcondam. Chúng sở hữu các thiết bị vô tuyến tinh vi cũng như các bản đồ chi tiết cao, một số được cho là của quân đội TQ, về vịnh Bengal, biển Bengal và quần đảo Nicobar. Từ tháng 4 đến 8-2011, Ấn Độ cũng phát hiện một tàu cá AIG TQ tại khu vực trên đang theo dõi các hoạt động quân sự của nước này.

Tàu cá “bóng ma” của TQ có những lúc tỏ ra hung hãn bất thường. Chẳng hạn, vào tháng 3-2009, 2 tàu cá TQ cố tình bám đuôi, áp sát tàu USNS Impeccable của Mỹ ngoài khơi đảo Hải Nam. Chúng thậm chí còn tìm cách làm hư hại các thiết bị âm thanh phía sau tàu Impeccable và ném nhiều thứ xuống nước nhằm cản trở tàu Impeccable di chuyển.

RELATED ARTICLES

Tin mới