Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mới"Chủ tịch suốt đời thật tuyệt vời", ông Donald Trump khen thật...

“Chủ tịch suốt đời thật tuyệt vời”, ông Donald Trump khen thật hay khen…?

Đó là 2 siêu cường, 2 “đại gia” trên vũ đài chính trị quốc tế, họ rất hiểu Việt Nam. Vấn đề còn lại là chúng ta đã hiểu họ đến đâu, sẽ tìm hiểu về họ thế nào?

CNN ngày 4/3 đưa tin, trong một bài phát biểu tự do với các nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa tại Florida ngày thứ Bảy 3/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có những bình luận về việc Trung Quốc sửa Hiến pháp, bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước.

Tổng thống Donald Trump được CNN dẫn lời cho biết:

“Bây giờ ông ấy là Chủ tịch nước suốt đời. Chủ tịch nước suốt đời. Không, ông ấy rất tuyệt vời. 

Hãy nhìn xem, ông ấy có thể làm được điều đó, tôi nghĩ nó thật tuyệt vời. Có lẽ chúng ta cũng nên thử điều này một ngày nào đó. [1]

Ông ấy là một quý ông vĩ đại. Ông ấy là vị Chủ tịch nước quyền lực nhất Trung Quốc trong 100 năm qua” [2]. 

Reuters ngày 4/3 dẫn lời Tổng thống Donald Trump cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp đãi ông rất tốt trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11 năm ngoái.

Phát biểu này của ông chủ Nhà Trắng đã làm dấy lên những tranh cãi trên truyền thông Hoa Kỳ và các nước phương Tây.

The New York Times cho là câu nói đùa, nhưng nhà phân tích Trung Quốc lại tin phát biểu của ông Donald Trump là thật. [3]

Nói đùa hay nói thật?

Ông Zhang Baohui, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Lingnan, Hồng Kông cho rằng, ấn tượng “tích cực” của Tổng thống Donald Trump khá “bất ngờ” và cho thấy ông rất “am hiểu Trung Quốc”.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không mấy quan tâm đến những đánh giá tiêu cực về Donald Trump ở bên ngoài. Hoa Kỳ vẫn là điểm tham chiếu với Trung Quốc”, nhà nghiên cứu này bình luận. 

Shen Dingli, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc cho hay:

“Người dân Trung Quốc thực sự ủng hộ sự thay đổi này. Hãy nhìn xem, chúng tôi thật tuyệt vời. Ngay cả siêu cường (Hoa Kỳ) cũng thừa nhận lựa chọn của chúng tôi.”

Ông Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh quy mô lớn ở Nội Mông năm ngoái, ảnh: SCMP.

Còn tại Hoa Kỳ, các nhà quan sát chính trị đang than phiền về phát biểu nói trên của ông Donald Trump.

Yascha Mounk, tác giả cuốn The People Vs. bình luận:

“Donald Trump có thói quen kỳ lạ là nói toạc ra những ham muốn sâu thẳm nhất của mình, cho dù đã có những tuyên bố sai lạc hoặc gây hiểu lầm.

Chúng ta không nên xem tuyên bố ấy như lời đùa cợt, mà chúng ta nên coi đó là bằng chứng cho thấy ông ta rất ngưỡng mộ ‘các nhà độc tài’ như Tập Cận Bình và sẽ bị cám dỗ để chạy theo một số chính sách đàn áp của họ nếu có thể.”

Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung tại Hiệp hội Châu Á mới cho rằng:

“Chủ tịch nước suốt đời, tất nhiên có rất nhiều trong lịch sử phong kiến và điều này có thể dẫn đến một sự cộng hưởng nhất định ở Trung Quốc.

Tuy nhiên tại Mỹ, ý tưởng này là một sự phỉ báng hoàn toàn với tất cả những gì các nhà lập quốc đã tin tưởng đưa vào Hiến pháp được chuẩn bị kỹ lưỡng cho chúng ta ngày nay được thừa hưởng.

Vợ chồng Tổng thống Donald Trump thăm Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, ảnh: CNN.

Hiến pháp Mỹ được thiết kế rõ ràng để hạn chế sự chệch hướng về phía các vương quốc hoặc các chế độ chuyên quyền.” [4]

Hãy xem những gì Trung – Mỹ làm, chớ nghe những gì Trump – Tập nói

Bình luận của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về việc Trung Quốc bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước có nhiều ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng, đối với 2 chính khách quốc tế như ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình, cần phải xem những gì họ đã, đang và sẽ làm, chứ chớ vội tin những gì họ nói.

Donald Trump rất hiểu Trung Quốc, chúng tôi đồng tình với nhận định này của ông Zhang Baohui. 

Tuy nhiên, ấn tượng của ông chủ Nhà Trắng có thực sự “tích cực”, phát biểu của ông Donald Trump về việc này có thực sự thể hiện “thiện chí” của Tổng thống Hoa Kỳ với Bắc Kinh hay không, lại là chuyện hoàn toàn khác.

Chúng tôi xin lưu ý, trước khi phát biểu điều này 2 ngày, hôm 1/3 Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với 2 mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tuần này.

Ông chủ Nhà Trắng đã cam kết sẽ xây dựng lại ngành sản xuất thép và nhôm ở Mỹ mà ông cho là phải chịu sự đối xử “đáng xấu hổ” từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ, theo Báo Tuổi Trẻ ngày 2/3.

Còn về phía ông Tập Cận Bình, tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2017, đã nổi lên với những hứa hẹn rằng, Trung Quốc sẽ là “nhà vô địch” trong việc bảo vệ toàn cầu hóa và tự do thương mại.

The New York Times miêu tả, tầng lớp tinh hoa trên toàn cầu tập trung tại Davos hôm 17/1/2017 đã bị chấn động bởi sự coi nhẹ rõ rệt các liên minh và thương mại đa phương của ông Donald Trump.

Và các quan chức châu Âu, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đã rất xúc động trước những cam kết này của ông Tập Cận Bình.

Nhưng chỉ một năm sau, các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải đối mặt với thực tế rằng ông Tập Cận Bình cũng có thể là “mối đe dọa” với tật tự toàn cầu, chứ không phải người bảo vệ tuyệt vời, theo The New York Times.

Việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước Trung Quốc đã đánh bật những hy vọng còn lại rằng Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc có trách nhiệm trong trật tự toàn cầu.

Thay vào đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu giờ đây cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng chia rẽ Liên minh châu Âu bằng cách lôi kéo các nước Trung Âu và Balkan với các khoản đầu tư lớn.

Tháng trước, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã cảnh báo:

Trung Quốc đang tìm cách áp đặt một hệ thống giống họ trên toàn cầu, nhưng khác với các chuẩn mực về quyền con người và tự do cá nhân mà phương Tây theo đuổi.

Vành đai và Con đường đã giúp Trung Quốc tạo ra nhóm 16+1 với 16 quốc gia châu Âu, trong đó có 11 thành viên EU.

Ngoại trưởng Đức cho rằng, nếu EU không thành công trong việc xây dựng một chiến lược riêng với Trung Quốc, thì Bắc Kinh sẽ thành công trong việc chia rẽ châu Âu.

Berlin và Brussels đã bị “rung chuyển” vì những quan ngại về mục đích thực sự của Vành đai và Con đường là chính trị hơn là kinh tế.

Cả Đức và Pháp đều đang thúc đẩy Ủy ban Châu Âu xây dựng các quy định sàng lọc đầu tư chặt chẽ hơn để bảo vệ tốt hơn các doanh nghiệp và an ninh chung của châu Âu. [5]

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 1/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo Trung Quốc rằng:

Họ không nên tạo ra các “quốc gia chư hầu” và không nên hành động như một nước bá quyền khi mở rộng ảnh hưởng trên khắp châu Á, châu Âu bằng chương trình Vành đai và Con đường. [4]

Ts Trần Công Trục: Nguyện được làm người trải thảm đỏ chào đón khách quý!

Còn Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Min Xinpei, một học giả gốc Hoa tại trường Clarmetont McKenna) đưa ra một ví dụ khác.

Theo ông, các hành động của Trung Quốc ở châu Âu cũng giống như ở Biển Đông, chúng mang tính ném đá dò đường, tìm ra những điểm yếu và chỗ nào có thể điểm huyệt. [5]

Ứng xử của người Việt

Những bình luận, phân tích và thậm chí là tranh cãi nói trên khiến chúng tôi bất giác nhớ lại 3 lần Tổng thống, Phó Tổng thống Mỹ “lẩy Kiều” khi thăm Việt Nam; khi tiếp đón các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Những câu Kiều được phía Mỹ lựa chọn rất công phu, hợp lý, hợp tình, hợp cảnh và mang nhiều thông điệp.

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bài phát biểu “chạm vào trái tim người Việt” của Tổng thống Barack Obama năm 2016, hay bài phát biểu gần nhất của Tổng thống Donald Trump tại APEC 2017 về tinh thần chống ngoại xâm của Hai Bà Trưng.

Người viết không cho rằng đấy là bằng chứng cho thấy các nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ đã “yêu Việt Nam”, nhưng đó là minh chứng rất rõ cho thấy người Mỹ hiểu chúng ta, cũng như họ hiểu các đối thủ / đối tác khác, bao gồm Trung Quốc.

Những bài phát biểu như vậy đã gây được hiệu ứng xã hội rộng lớn khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đặt chân tới Việt Nam.

Điều này cho thấy bộ máy tham mưu của Nhà Trắng làm việc cực kỳ nghiêm túc và hiệu quả.

Đây là điều chúng ta cần học hỏi ở họ.

Tổng thống Barack Obama đã chiếm được nhiều tình cảm của người Việt trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2016, ảnh: CNN.

Trong bối cảnh 2 siêu cường này cạnh tranh ngày càng gay gắt và cạnh tranh ấy tác động ảnh hưởng trực tiếp tới các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, nghe những gì các nhà lãnh đạo Trung – Mỹ nói chỉ là một khía cạnh.

Quan trọng hơn, cần nhìn vào thực chất những gì họ đã, đang và sẽ làm, để có những hiệu chỉnh cần thiết trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình ổn định, ngăn ngừa các tác động tiêu cực cũng như tối đa hóa các lợi ích có thể cho quốc gia, dân tộc.

Tình cảm con người khó tránh khỏi yêu ghét, nhất là với người Việt Nam vốn luôn muốn rành mạch, rõ ràng. 

Nhưng trong chính trị quốc tế, những tình cảm yêu ghét có thể trở thành rào cản cho chính chúng ta, khi bước vào bàn cờ có sự tham dự của 2 siêu cường hàng đầu thế giới.

Đó là 2 siêu cường, 2 “đại gia” trên vũ đài chính trị quốc tế, họ rất hiểu Việt Nam, vấn đề còn lại là chúng ta đã hiểu họ đến đâu, và sẽ tìm hiểu về họ như thế nào?

RELATED ARTICLES

Tin mới