Wednesday, January 15, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBị Mỹ cắt viện trợ, Campuchia nhận liền tay hàng chục tấn...

Bị Mỹ cắt viện trợ, Campuchia nhận liền tay hàng chục tấn vũ khí từ TQ?

Cách ông Hun Sen gọi các thiết bị quân sự là “hàng hóa đặc biệt” tạo cảm giác số vũ khí này được Trung Quốc bí mật tài trợ cho Campuchia, để phản ứng trước hành động của Mỹ.

Quân đội Campuchia. Ảnh: Khem Sovannara

Ngay sau khi Nhà Trắng chính thức công bố một loạt quyết định cắt giảm viện trợ cho chính phủ Campuchia vào 27/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng tiết lộ về một dòng vũ khí mới chảy vào Campuchia.

Mặc dù không thực sự đáng chú ý nhưng tuyên bố của ông Hun Sen lại khớp với một bức tranh tổng thể hơn về mối quan hệ nồng ấm giữa Campuchia và Trung Quốc.

Phân tích trên Diplomat, cây viết Prashanth Parameswaran cho biết, Campuchia có mối quan hệ quốc phòng lâu dài và bền chặt với Trung Quốc. Bắc Kinh vốn là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Campuchia và ít thắc mắc về một số vấn đề của Phnom Penh hơn các nước phương Tây.

Đặc biệt, trong vài năm qua, Bắc Kinh và Phnom Penh đã mở rộng mối quan hệ trong lĩnh vực này, bao gồm tăng cường tập trận và hợp tác. Hai nước tiến hành cuộc tập trận hải quân đầu tiên năm 2016.

Xu hướng này được cho là sẽ tiếp diễn vào năm 2018, thời điểm hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ song phương và Campuchia tiến dần tới cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7.

Tháng 12/2017, trong chuyến thăm Campuchia, Thiếu tướng Zhao Tianxing, lãnh đạo Học viện Pháo binh và Lực lượng Phòng không của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định, Trung Quốc sẽ trợ giúp Campuchia trong nỗ lực nâng cấp hạ tầng quân sự về nhân sự, thiết bị và quá trình đào tạo.

Vì vậy, không mấy bất ngờ khi ông Hun Sen một lần nữa lại đề cao những động thái hỗ trợ quân sự mới của Bắc Kinh, ngay sau khi Washington cắt giảm viện trợ với Campuchia.

Vũ khí từ Trung Quốc?

Trong một bài phát biểu trước hàng nghìn công nhân nhà máy ở Kampong Speu, ông Hun Sen đã đề cập tới chuyện hàng nghìn tấn vũ khí được nhập khẩu trong đêm, dưới sự giám sát của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh. Ông không tiết lộ nguồn gốc cụ thể của số vũ khí này nhưng nhiều người cho rằng ông muốn nhắc tới Trung Quốc.

Những phát ngôn của ông Hun Sen được truyền thông địa phương đưa tin rộng rãi. Nhưng sự mông lung của thông tin cùng xu hướng cường điệu của ông Hun Sen khiến giới phân tích gặp khó khăn khi xác định chính xác lập trường của ông.

Ông Parameswaran nhận định: Cách ông Hun Sen gọi các thiết bị quân sự là “bí mật” và “hàng hóa đặc biệt” tạo cảm giác số vũ khí này được Trung Quốc bí mật tài trợ cho quân đội Campuchia, để phản ứng trước hành động của Mỹ. Hoặc ít nhất đó là cách mà giới truyền thông mô tả về tình huống này.

Tuy nhiên, ông Parameswaran cho rằng, các diễn biến sau đó khiến người ta phải nghi ngờ dòng vũ khí là một sự biến chuyển rất đúng lúc về mặt địa chính trị. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Chum Socheatđã xác nhận rằng, số thiết bị đó được vận chuyển cùng thời điểm diễn ra cuộc tập trận quân sự mà hai bên dự kiến tổ chức vào giữa tháng 2.

Hồi tháng 1, Trung Quốc và Campuchia cũng đề xuất tiến hành đợt tập trận Golden Dragon kế tiếp vào tháng này, như một phần trong lễ kỷ niệm 60 năm quan hệ Trung Quốc – Campuchia tại quận Phnom Srouch, tỉnh Kampong Speu.

Nếu việc này tiến hành thì có vẻ đây lại là một tình huống mà ông Hun Sen đề cao viện trợ quân sự của Trung Quốc, trong thời điểm quan hệ với phương Tây đi xuống, đồng thời nhấn mạnh rằng quân đội Campuchia sẽ tiếp tục được tăng cường nhờ sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới