Tuesday, January 7, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc đua xe chiến đấu bộ binh ở Châu Á - Thái...

Cuộc đua xe chiến đấu bộ binh ở Châu Á – Thái Bình Dương: Tăng tốc?

Trước những bất ổn ngày càng gia tăng trong khu vực; các quốc gia khu vực châu Á – TBD đã giành sự quan tâm đầu tư, để phát triển lực lượng xe chiến đấu bộ binh.

Xe thiết giáp chở quân BTR-3E do Ukraine chế tạo.

Những cố gắng này nhằm thay thế các thế hệ xe chiến đấu bộ binh (IFV) và xe chiến đấu bộ binh lội nước (ACV) thế hệ cũ bằng những loại xe mới, hiện đại hơn.

Đồng thời, họ cũng tìm kiếm những khả năng đặc biệt cho loại xe mới, nhờ áp dụng những công nghệ mới như tăng cường khả năng sống sót và khả năng chiến đấu của xe trước những mối đe dọa tiềm tàng.

Như vậy có thể khẳng định, những chiếc IFV không hề giảm nhẹ vai trò của mình, mà nó là phương tiện chiến đấu không thể thiếu trong các loại hình chiến thuật và đáp ứng tốt các hoạt động khác trong tương lai. Cùng điểm qua chương trình phát triển ACV của các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Australia

Mặc dù không phải đối mặt với những mối đe dọa trực tiếp, nhưng Australia vẫn đẩy mạnh việc hiện đại hóa lực lượng ACV của mình.

Tháng 6/2014, Australia ra quyết định về chương trình Land 400 đầy tham vọng, nhằm thay thế xe bọc thép chở quân M113, xe bọc thép hạng nhẹ Australia (ASLAV) và xe cơ động phòng hộ (Bushmaster) của Lục quân đã quá thời hạn sử dụng.

Hợp đồng của chương trình này tổng trị giá lên tới 14 tỷ AUD. Đây là kế hoạch mua sắm trang bị đắt nhất, phức tạp nhất cho đến nay của Lục quân Australia,

Tháng 10/2015, công ty con Thales của Australia thông báo sẽ cung cấp cho quân đội nước này 1.100 chiếc Hawkeis cấu hình 4×4, có trị giá 1,3 tỷ AUD (tương đương 820 triệu EUR) theo hai biến thể là xe chiến đấu và khung gầm cho các xe chỉ huy, trinh sát, cứu thương, thông tin…

Với xe chiến đấu bộ binh, Australia đã lựa chọn hai mẫu xe AMV-35 của BAE Systems và Boxer của Rheinmetall một lúc để giảm thiểu rủi ro. AMV-35 là xe thiết giáp bánh hơi 8×8; sử dụng tháp pháo E-35, được trang bị một pháo 35mm Mk.44 của Ormital ATK.

Trong khi đó, chiếc Boxer của Rheinmetall cũng cùng cấu hình bánh hơi 8×8; trang bị pháo 30mm (pháo này đã được trang bị trên chiếc xe chiến đấu bộ binh Puma), sau này có thể nâng cấp lên loại pháo 35mm.

Cả hai loại xe chiến đấu bộ binh này đều trang bị hệ thống bảo vệ tiên tiến. Các xe ứng cử viên sẽ trải qua mười hai tháng thử nghiệm trong những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của Australia, và sau đó một trong hai mẫu xe sẽ được lựa chọn để sản xuất tại ngay chính Australia. Nếu được chấp nhận, lục quân Australia sẽ trang bị khoảng 250 chiếc xe loại này.

Để thay thế những chiếc xe thiết giáp bánh xích M-113, quân đội Australia dự định trang bị những chiếc Puma IFV, vốn đã được sử dụng bởi quân đội Đức. Đây là một trong những đề nghị để lấp đầy vai trò của những chiếc M-113 sau khi đã rút khỏi biên chế.

Trong tương lai, những chiếc Puma IFV có thể được nâng cấp lên với tháp pháo tự hành 35mm Lance, được cung cấp bởi PSM (một liên doanh giữa Krauss Maffei-Wegmann và Rheinmetall). Đây là gói thầu lớn nhất trong chương trình Land 400; quân đội Australia cần 450 xe loại này và dự kiến năm 2024 hoặc 2025 sẽ hoàn thành.

Nhật Bản

Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản (JGSDF) đang trong quá trình điều chỉnh cấu trúc và trang bị của mình, để đáp ứng một chiến lược quốc phòng mới, với sự nhấn mạnh vào việc cơ động và sẵn sàng phản ứng với các cuộc xâm nhập quanh các quần đảo

Xuất phát từ chiến lược này, JGSDF tập trung phát triển ACV bánh hơi để có thể di chuyển nhanh; dễ dàng vận chuyển bằng đường biển hoặc đường không, có khả năng chống lại các mối đe dọa tiềm tàng, hoặc chống lại các cuộc đổ bộ.

JGSDF đã bắt đầu thử nghiệm một mẫu xe bọc thép mới vào năm 2016, mẫu ACV này có hỏa lực mạnh, sức cơ động cao và khả năng bảo vệ tốt; đó là chiếc Mitsubishi Type-16 MCV. Đây là một thiết kế 8×8 bánh; hỏa lực chính được trang bị một pháo 105mm.

Một đặc điểm nổi bật của thiết kế Type-16 đó là khả năng chống mìn và các thiết bị nổ tự chế, do thân xe được cấu tạo hình chữ V. Type-16 có khả năng di chuyển tốt hơn so với những mẫu xe trước nhờ động cơ trung tâm, kết hợp với hệ thống treo thủy lực; hệ thống điều chỉnh áp suất lốp trung tâm, cho xe có thể dễ dàng di chuyển trên những địa hình khác nhau.

Thiết kế xe kiểu modul, cung cấp khả năng thay đổi khoang phía sau cho các nhiệm vụ; từ việc vận chuyển bộ binh đến chiến trường hay chuyển thương binh, sơ tán… Cách tiếp cận này như các xe thiết giáp của phương Tây và có khả năng trong tương lai, những chiếc Type-16 sẽ được trang bị thêm một khẩu 12,7mm điều khiển từ xa.

Một phiên bản nâng cấp của Type-16 đã được giao cho JGSDF thử nghiệm vào tháng 1/2017; phần nâng cấp chủ yếu là vỏ giáp. Những chiếc Type-16 dự định sẽ thay thế những chiếc Type-96 Komatsu đã được sử dụng kể từ năm 1996. Mẫu thử nghiệm mới dự kiến ​​sẽ kết thúc vào năm 2019 và khi đó, việc sản xuất loạt loại mới có thể bắt đầu.

JGSDF cũng đã mua 30 chiếc xe chiến đấu thủy bộ AAV-7 của hãng BAE Systems. Dự kiến JGSDF sẽ mua 52 chiếc loại này và một số chiếc AAV-7 sẽ được sản xuất tại Nhật Bản.

Hiện nay những chiếc AAV-7 cũng đang được sử dụng trong các đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ. Những chiếc AAV-7 này rất phù hợp với chiến lược phòng thủ mới của Nhật Bản. Nó sẽ cung cấp cho JGSDF khả năng tiến hành các hoạt động đổ bộ từ tàu lên các đảo khi có chiến sự.

Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)

Đài Loan đang chế tạo phiên bản ACV CM-32 “Báo gấm” (Yunpao) do Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn tại Đài Loan nghiên cứu phát triển. CM-32 là xe bọc thép bánh lốp, cấu hình 8×8; được sản xuất cho Lục quân Đài Loan. Thiết kế dựa trên chiếc CM-31 6×6 của hãng Timoney Technology thuộc Cộng hòa Ireland.

Theo tờ Taipei Times, CM-32 được đặt tên là “Báo gấm” để chứng tỏ chiếc xe có sức cơ động nhanh nhẹn và mạnh mẽ. Mục đích chế tạo CM-32, nhằm thay thế những chiếc M-113 có trong biên chế của quân đội Đài Loan, nhưng đã quá niên hạn khai thác, sử dụng.

Dự án CM-32 được bắt đầu vào năm 2002 với chi phí 700 triệu Đài tệ (21,9 triệu đô la Mỹ) cho mỗi chiếc.

Việc sản xuất đại trà bắt đầu vào năm 2007, với đơn đặt hàng ban đầu 600 chiếc. Ước tính 1400 chiếc CM-32s có thể sẽ được đưa vào hoạt động.

Về hệ thống giáp xung quanh của CM-32, có thể bảo vệ xe khỏi đạn xuyên giáp 7,62mm; trong khi mặt trước có khả năng chống lại đạn xuyên giáp 12,7mm. Hệ thống phòng cháy và chữa cháy NBC đạt mức tiêu chuẩn. Xe có khả năng chống mìn và có thể chịu được 12 kg TNT bên dưới bất kỳ bánh xe nào.

CM-32 được trang bị súng phóng lựu tự động 40 mm và một súng máy đồng trục 7,62mm Kiểu 74.

Một biến thể ACV với một tháp pháo hai người cũng được dự kiến sẽ sản xuất đại trà trong tương lai gần; vũ khí chính của tháp pháo được thiết kế ban đầu là một pháo 20mm T75 kết hợp với đạn xuyên giáp cải tiến; hoặc với hệ thống vũ khí Phalanx Block 1B được đặt hàng bởi Hải quân Đài Loan; nhưng cuối cùng khẩu pháo cỡ nòng 30mm Bushmaster II được chọn.

Các biến thể của chiếc CM-32 bao gồm xe chỉ huy, xe trinh sát NBC, khung gầm để lắp các loại súng cối (82 hoặc 120mm), pháo hạng nhẹ 105mm.

Khu vực Đông Nam Á

Các nước khu vực Đông Nam Á gần đây đã không ngừng đầu tư phát triển, mua sắm cũng như nâng cấp lực lượng xe thiết giáp chiến đấu của mình. Thực trạng và kế hoạch tương lai của họ là gì?

Singapore

Tháng 3/2017 vừa qua, Quân đội Singapore (SAF) đã ký một hợp đồng với công ty ST Kinetics để cung cấp mẫu AFV tiếp theo cho SAF, nhằm thay thế cho các xe M-113A2 hiện nay.

Mẫu xe do ST Kinetics phát triển cho SAF ra mắt lần đầu vào tháng 6/2016. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Singapore đã chỉ ra rằng, chiếc xe mới này nhằm: “Cung cấp hỏa lực, khả năng bảo vệ, di chuyển và nhận thức về tình huống; nhằm đáp ứng những thách thức hiện tại và tương lai”.

Chiếc xe AFV mới của quân đội Singapore gồm kíp chiến đấu 3 người (trưởng xe, lái xe và pháo thủ); khoang chiến đấu của nó có thể chở theo 8 lính bộ binh. Về hỏa lực xe được trang bị một pháo 30mm và một khẩu súng máy 7,62mm được điều khiển từ xa.

Xe chiến đấu kiểu mới của SAF được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất như các loại cảm biến, truyền dữ liệu và thông tin nội bộ.

Trưởng xe và pháo thủ được trang bị những màn hình hiển thị thông minh, được kết nối với kính ngắm toàn cảnh và được chia sẻ thông tin cho nhau về môi trường xung quanh xe, nhất là nhận biết những mối nguy hiểm. AFV mới sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2019.

Bên cạnh việc phát triển những xe chiến đấu bộ binh bánh xích, ST Kinetics cũng phát triển mẫu ACV bánh hơi cho SDF đó là chiếc Terrex, phiên bản mới nhất là AV81 đang được Quân đội Singapore sử dụng.

AV81 có cấu hình bánh hơi 8×8, thân xe hình chữ V có khả năng chống mìn cao. Xe được trang bị một tháp pháo điều khiển từ xa và có thể vận chuyển được 12 người (bao gồm cả kíp xe). Chiếc Terrex-2 của ST Kinetics hợp tác với SAIC, đã được cung cấp cho Thủy quân Lục chiến Mỹ sử dụng và được đánh giá cao.

Malaysia

Người hàng xóm của Singapore là Malaysia cũng không hề chậm trễ trong việc phát triển các loại ACV cho lực lượng vũ trang của mình. Tuy nhiên, Malaysia đi theo hướng phát huy nội lực, bằng cách liên kết với nước ngoài để phát triển loại ACV cho riêng mình.

Hiện nay công ty quốc phòng DefTech của Malaysia đang sản xuất chiếc AV-8, một thiết kế 8×8 bánh dựa trên chiếc Pars ACV của FNSS Pars (Thổ Nhĩ Kỳ). Chiếc AV-8 đầu tiên được sản xuất vào năm 2014 và hiện nay đã sản xuất được tổng số 257 chiếc trong mười hai biến thể khác nhau.

Phiên bản được chế tạo nhiều nhất của chiếc AV-8 đó là hai mẫu thiết kế IFV-30 và IFV-25; trong đó mẫu thiết kế IVF-25 được trang bị tháp pháo LCT-30 với một pháo cỡ nòng 30mm và súng máy 7,62mm.

Mẫu IFV-30 ngoài pháo còn có thêm hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM); cả hai mẫu tháp pháo trên đều được cung cấp bởi Denel. Đến nay đã có 112 chiếc AV-8 trang bị hai mẫu tháp pháo trên.

Năm 2016, Malaysia đã nhận được chiếc xe thiết giáp chống mìn (MRAP) Chaiseri First Win cấu hình 4×4 đầu tiên. Được phát triển ở Thái Lan, chiếc xe này rất thích hợp cho việc chống lực lượng nổi dậy và phù hợp với địa hình của Malaysia. First Win có thể mang được 8 lính bộ binh và lái xe; chủ yếu trang bị cho lực lượng an ninh Malaysia.

Thái Lan

Để đối phó với những mối đe dọa khủng bố từ lực lượng Hồi giáo cực đoan ở miền Nam Thái Lan và những tranh chấp biên giới. Giới chức quân sự Thái Lan đã đẩy mạnh việc trang bị những chiếc ACV hiện đại.

Tháng 4/2017 vừa qua, Thái Lan tuyên bố đã đặt hàng 34 chiếc ZBL-09 của công ty Norinco Trung Quốc. Đây là xe thiết giáp bánh xích, có khả năng bơi; về hỏa lực xe được trang bị một khẩu pháo 30mm và một súng máy 7,62mm. Kíp chiến đấu 3 người và có thể mang theo 10 lính bộ binh.

Cũng như các quốc gia khác, Thái Lan cũng phát triển lực lượng xe thiết giáp bánh hơi để tăng cường sức cơ động. Từ năm 2006 đến năm 2011, Thái Lan đã ký một hợp đồng trị giá 58 triệu USD với công ty Ukroboronprom của Ukraine để mua 233 chiếc BTR-3E.

Đây là loại thiết giáp 8×8, có nguồn gốc từ chiếc BTR-60 có từ thời Liên Xô; nhưng đã có những cải tiến quan trọng như thay thế động cơ xăng nguyên thủy bằng động cơ diesel, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.

Tuy nhiên BTR-3E vẫn giữ nguyên được đặc tính bơi của chiếc BTR-60; và giá thành chiếc BTR-3E tương đối dễ chịu so với các sản phẩm cùng loại của phương Tây.

Vào năm 2013, Viện Công nghệ Quốc phòng của Thái Lan (DTI) tuyên bố họ đã hợp tác với hãng Ricardo để phát triển một chiếc APC cấu hình 8×8 có tên Black Widow Spider. Một nguyên mẫu đã được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng An ninh năm 2015 tại Bangkok.

Theo người phát ngôn của Viện Công nghệ quốc phòng Thái Lan cho biết, mẫu xe này đã hoàn thành những bài thử nghiệm về động cơ, khả năng cơ động cũng như khả năng bảo vệ trước những vụ nổ.

Chiếc Widow Spider có thể chứa đến 12 lính (bao gồm cả kíp xe), vũ khí bao gồm một pháo 30mm và một súng máy 7,62mm. Theo tuyên bố của DTI, mẫu xe Widow Spider này hoàn toàn tương đương với các mẫu ACV khác.

Ở đây có thể nhìn thấy một điểm tương đồng giữa mẫu Widow Spider với mẫu xe Terrex của ST Kinetics trang bị cho quân đội Singapore. Nhưng đến thời điểm hiện tại cũng chưa rõ tương lai của mẫu APC này; biểu hiện là việc chưa rõ số lượng cũng như thời gian sản xuất.

Tương lai

Lực lượng xe chiến đấu bộ binh đã thu hút sự quan tâm lớn của quân đội các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trước sự phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của các quốc gia châu Á và sự hợp tác quốc tế; những hợp đồng mua sắm này không còn là sân chơi độc quyền giành cho các nước lớn phương Tây.

Hiện nay có nhiều chương trình mua sắm quốc phòng lớn đối với loại xe chiến đấu bộ binh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lớn nhất có thể kể đến là gói mua sắm như trong chương trình Land 400 của Australia hay chỉ là nâng cấp đơn thuần như của Việt Nam.

Tiềm năng đối với thị trường ACV là rất lớn, đặc biệt là địa hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương thích hợp với phần lớn các loại AVC.

Và trong tương lai, đứng trước những bất ổn ngày càng gia tăng trong nước hay khu vực; các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng quan tâm đầu tư, và điều đó sẽ gây ra một cuộc chạy đua mới về mua sắm và chế tạo những xe thiết giáp chiến đấu trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới