Trung Quốc sẽ cử 190 binh sĩ cùng khoảng 30 xe thiết giáp và các phương tiện quân sự khác sang Campuchia tham gia tập trận “Rồng vàng”
Thắt chặt quan hệ
Trung Quốc và Campuchia sẽ khai mạc cuộc tập trận chung mang tên “Rồng vàng” lần thứ hai vào ngày 17/3 tới. Theo dự kiến, từ ngày 13-14/3, khoảng 30 xe thiết giáp và các phương tiện quân sự khác từ Trung Quốc sẽ được chuyển tới Campuchia tham gia tập trận.
Đại tướng Eth Sarath, Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF), cho biết cuộc tập trận quân sự “Rồng Vàng” sẽ được tổ chức tại Phnom Sruoch, thuộc tỉnh Kampong Speu. Đây sẽ là hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc- Campuchia. Có 280 binh sỹ Campuchia và 190 binh sỹ Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này.
Tướng Sarath nhấn mạnh: “Chủ đề của cuộc tập trận chung là các sứ mệnh chống khủng bố và hỗ trợ nhân đạo liên quan đến cả Campuchia lẫn Trung Quốc”.
Ngày 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh nói rằng Trung Quốc không chỉ gửi xe thiết giáp mà còn cả các loại phương tiện quân sự khác để tham gia tập trận.
Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh nói: “Trung Quốc thường xuyên giúp đỡ trong việc thúc đẩy lĩnh vực quốc phòng của Campuchia”.
Có nguồn tin cấp cao của Campuchia cho biết Trung Quốc còn đưa sang Campuchia cả máy bay trực thăng để tập trận chung. Tuy nhiên, những phương tiện và thiết bị quân sự này không phải là hàng quân sự viện trợ cho Campuchia.
Ngày 28/2 vừa qua, 1 ngày sau khi Mỹ thông báo sẽ cắt giảm một số chương trình viện trợ, trong đó có cả viện trợ quân sự cho Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết hàng nghìn tấn vũ khí đã được chuyển tới Campuchia để gia tăng khả năng quốc phòng của nước này.
Hình ảnh quân đội Trung Quốc phô diễn trình độ kỹ thuật quân sự được đăng tải trên báo chí Campuchia |
Năm 2016, Campuchia và Trung Quốc đã tổ chức tập trận “Rồng Vàng” lần thứ nhất tại tỉnh Kampong Speu, với 85 binh sỹ Trung Quốc và 256 binh sỹ Campuchia tham dự. Hai bên tổ chức diễn tập trên các lĩnh vực sửa chữa đường sá, rà phá bom mìn và các vật liệu nổ, xây dựng cầu và tái định cư cho nạn nhân bị thiên tai.
Cuộc tập trận “Rồng Vàng” 2016 được xem là một trong những hoạt động nổi bật nhằm khẳng định việc Trung Quốc và Campuchia thúc đẩy mối quan hệ quân sự giữa 2 nước ngày càng thắt chặt.
Trung Quốc từ lâu đã có quan hệ quốc phòng rất tốt với Campuchia, một trong những đối tác quan trọng nhất của Bắc Kinh trong khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Campuchia và quan hệ quốc phòng giữa 2 nước này đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua.
Campuchia tự tin
Cuộc tập trận “Rồng vàng” giữa Trung Quốc và Campuchia năm nay càng được dư luận quan tâm sau khi ngày 27/2, Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ dừng hoặc cắt bớt một số chương trình viện trợ và hỗ trợ quân sự của nước này cho Campuchia.
Quyết định này được coi là đòn cảnh báo tới chính quyền Phnompenh sau khi đảng cầm quyền tại Campuchia đã giành được tất cả số ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm 25/2. Trước đó, ngày 26/2, Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo sẽ trừng phạt kinh tế đối với Campuchia với lý do tương tự.
Kể từ năm 1991 đến nay, Mỹ đã tài trợ cho Campuchia hơn 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và dân chủ hóa tại Campuchia.
Tuy nhiên, con số về thương mại giữa Campuchia và Trung Quốc tỏ ra ấn tượng hơn rất nhiều.
Các phương tiện và thiết bị kỹ thuật được Trung Quốc đưa sang Campuchia hồi năm 2016 |
Trong những năm qua, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia tăng hàng năm khoảng 30%, đạt mức 4,8 tỷ USD vào năm 2016. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia với 5,1 tỷ USD (năm 2016).
Phản ứng lại tuyên bố trên, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lên tiếng chỉ trích Mỹ. Ông Hun Sen thậm chí cáo buộc Mỹ “nói dối” trong vụ cắt viện trợ, đồng thời trấn an giới công nhân cũng như người dân về làn sóng đầu tư của Trung Quốc tại nước này.
Phát biểu được ông Hun Sen đưa ra tại buổi gặp gỡ và nói chuyện với trên 21.000 công nhân đến từ 77 doanh nghiệp và nhà máy ở Khu kinh tế đặc biệt Sihanoukville, tỉnh duyên hải Preah Sihanouk của Campuchia hôm 3/3.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Hun Sen cáo buộc Mỹ đã không trung thực về khoản viện trợ dành cho Campuchia trên lĩnh vực thuế.
Ông Hun Sen nói: “Chúng tôi, 16 triệu dân Campuchia, đã không nhận viện trợ trên lĩnh vực thuế từ Mỹ. Khoản viện trợ này đã kết thúc từ năm 2016”.
Do đó, ông yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Campuchia, ông William Heidt: “Ngài Đại sứ, ngài hãy trả lời một câu hỏi: tại sao chính phủ các ông lại thông báo cắt viện trợ trong khi thực tế chẳng có viện trợ nào cả? Có phải các ông muốn làm mất mặt Campuchia hay không?”.
Lính hải quân Campuchia và Mỹ trong một cuộc tập trận chung tại Sihanoukville hồi năm 2016 |
Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia vẫn luôn muốn giữ quan hệ tốt đẹp với Mỹ và đang chờ sự phản hồi của nước này để qua đó, tiếp tục chương trình tìm kiếm hài cốt binh lính Mỹ chết trong chiến tranh tại Campuchia.
Cũng tại cuộc gặp gỡ này, Thủ tướng Hun Sen đã trấn an giới công nhân và người dân về làn sóng đầu tư của Trung Quốc tại tỉnh Preah Sihanouk nói riêng và Campuchia nói chung.
Thủ tướng Hun Sen cho rằng không nên lo lắng về làn sóng này mà hãy tự hỏi “liệu chúng ta có đáp ứng được chất lượng nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư này hay chưa”. Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia chào đón các nhà đầu tư đến từ tất cả các nước, không chỉ từ Trung Quốc.
Cho đến nay, Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia vẫn chưa đưa ra bình luận trước chất vấn của Thủ tướng Hun Sen.
Phát biểu ngày 3/3 là tuyên bố công khai đầu tiên của Thủ tướng Hun Sen kể từ khi Nhà Trắng thông báo ngưng các khoản viện trợ của Bộ Tài chính Mỹ, USAID và quân đội Mỹ cho ngành thuế, quân đội và các cơ quan địa phương ở Campuchia.
Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Mỹ “vẫn sẽ tiếp tục nhiều dự án để hỗ trợ người dân Campuchia trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, rà phá bom mìn, thúc đẩy xã hội dân sự và nhiều lĩnh vực thiết yếu khác”.