Maldives, đã trở thành sân chơi trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, khi Trung Quốc muốn mở rộng vai trò ở Ấn Độ Dương, đồng thời đẩy lùi sự ảnh hưởng của Mỹ và Ấn Độ, theo Nhật báo Phố Wall.
Tổng thống Maldives, ông Abdulla Yameen Abdul Gayoom, người đã thay đổi chính sách đối ngoại xoay trục về phía Bắc Kinh, xa rời đối tác truyền thống New Delhi, đã áp đặt tình trạng khẩn cấp, bỏ tù những người chống đối, và hạn chế những cuộc biểu tình để làm suy yếu phe đối lập, do cựu Tổng thống thân Ấn Độ Mohamed Nasheed đứng đầu.
Ông Nasheed, người đang sống lưu vong để thoát khỏi bản án 13 năm tù vì cáo buộc khủng bố vào năm 2015, cho biết: “Một cuộc chiến tranh lạnh mới đã được tạo ra, và Maldives ở giữa cuộc chiến này”.
Ấn Độ và Mỹ không muốn Bắc Kinh, nước đã có ưu thế hơn ở Biển Đông, lại tiếp tục chiếm cứ vùng biển này. Trong khi đó quốc đảo Maldives nằm giữa trục hàng hải nối Trung Quốc với các quốc gia cung cấp dầu mỏ ở Trung Đông, thông qua eo biển Malacca. Vị trí quan trọng này còn khiến Maldives trở thành một mắt xích không thể thiếu trong kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Bắc Kinh, từ đó mở rộng những con đường giao thương trên bộ và trên biển, nối liền Trung Quốc với châu Âu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giành được sự ủng hộ của ông Gayoom cho dự án hành lang hàng hải trong chuyến thăm Maldives trong năm 2014. Bắt đầu xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trên hòn đảo này kể từ đó, Trung Quốc hiện đang xây dựng một cây cầu, nối liền thủ đô Male với một hòn đảo gần đó, nơi cũng có sân bay của Maldives. Một công ty của Trung Quốc cũng đang tiến hành mở rộng sân bay này, trong khi một công ty Trung Quốc khác đã thuê hòn đảo gần đó để phát triển.
Tổng thống Abdulla Yameen Abdul Gayoom (trái) đã thắt chặt mối quan hệ với Trung Quốc với chuyến thăm Bắc Kinh tháng12/2017. (Ảnh: Getty)
Vào tháng 12/2017, Tổng thống Gayoom đã ký một thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc, điều mà Đảng dân chủ của cựu Tổng thống Nasheed cho là bất ngờ, vội vã, và “để che giấu các bí mật”. Trung Quốc lại gọi đó là một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Tổng thống Gayoom mô tả Trung Quốc là “đối tác thương mại và phát triển thân thiết nhất” của Maldives, trong khi ông Nasheed cho rằng ông Gayoom đã dần dần giảm nhẹ các yêu cầu về dân chủ trong các thỏa thuận với Bắc Kinh, che giấu bản chất thực sự và qui mô của các dự án đầu tư của Trung Quốc.
Nhiều người trong phe đối lập ở Maldives đã bày tỏ những quan ngại rằng các khoản cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, sẽ trở thành “những bẫy nợ”, đặc biệt sau sự kiện một cảng quan trọng do Trung Quốc tài trợ ở nước láng giềng Sri Lanka, đã phải trao quyền quản lý cho người Trung Quốc, khi chính quyền Colombo không thể trả nợ được cho Trung Quốc vào năm ngoái.
Trước chuyến thăm châu Á vào tháng 10/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thúc giục tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ, nhằm cung cấp cho các nước tại Ấn Độ – Thái Bình Dương một giải pháp thay thế cho các quỹ tài trợ của Trung Quốc. Ông Tillerson gọi các thỏa thuận tài trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc là một ví dụ về “kinh tế học cướp bóc” hay “kinh tế học thú dữ”, khiến cho các nước đang phát triển không có khả năng trả nợ nước ngoài, từ đó làm suy yếu chủ quyền của họ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân ở Djibouti, một đất nước Đông Phi; ngoài ra Trung Quốc còn đầu tư vào một cảng biển ở Sri Lanka, và một cảng biển tại Pakistan. Một sĩ quan hải quân cao cấp của Ấn Độ cho biết tàu ngầm và tàu do thám của Trung Quốc ngày càng hoạt động thường xuyên trên biển Ấn Độ Dương.
Quân đội Ấn Độ đã triển khai máy bay chống tàu ngầm để tuần tra đại dương. Chính phủ Ấn Độ đang đàm phán mua máy bay không người lái của Mỹ, với các tính năng giám sát tiên tiến. Ấn Độ cũng đang có kế hoạch xây dựng hệ thống tàu ngầm tấn công mới, nâng cấp các căn cứ quân sự trên quần đảo Andaman và Nicobar, cách thủ đô Male khoảng 1.200 hải lý.
Trong một tuyên bố vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi ông Gayoom chấm dứt tình trạng khẩn cấp, tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, Trung Quốc lại gọi sự kiện này là “vấn đề nội bộ”, kêu gọi cộng đồng quốc tế ‘tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ’ của Maldives.
Năm 1988, quân đội Ấn Độ đã làm tiêu tan một cuộc đảo chính ở Maldives. Cựu Tổng thống Nasheed hiện đang thúc giục Ấn Độ tiếp tục có một động thái tương tự, và tiến hành lật đổ ông Gayoom. Hiện tại, Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy họ đang xem xét đến việc phong tỏa kinh tế hay hành động quân sự.