Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCần cơ chế mới để phối hợp bảo vệ nguồn cá Biển...

Cần cơ chế mới để phối hợp bảo vệ nguồn cá Biển Đông

Việc đánh bắt quá mức, đánh bắt bất hợp pháp và sử dụng những biện pháp mang tính chất hủy diệt đã dẫn đến sự hao hụt đáng kể nguồn lợi hải sản ở Biển Đông

Ngày 15.3, Học viện Ngoại giao phối hợp Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) và Đại sứ quán Úc tại Hà Nội tổ chức Đối thoại về biển lần thứ 2 với nội dung “Hợp tác nghề cá tại Biển Đông” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong khu vực.
Đối thoại lần này diễn ra trong bối cảnh nghề cá trong khu vực đối mặt với nhiều thách thức từ những xung đột quyền lợi giữa các quốc gia trong khu vực, bởi tình trạng đánh bắt cá trái phép, tận diệt, gây suy giảm nghiêm trọng nguồn cá ở Biển Đông.
TS Lê Hải Bình, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng: Đây chính là thời điểm để bàn thảo về vấn đề hợp tác nghề cá với sự tham dự của các chuyên gia trong khu vực. Các nước có đường bờ biển ở Biển Đông là những quốc gia có sản lượng đánh bắt cá lớn nhất trên thế giới, nhưng việc đánh bắt quá mức, đánh bắt bất hợp pháp và sử dụng những biện pháp mang tính chất hủy diệt đã dẫn đến sự hao hụt đáng kể nguồn lợi hải sản. Nguồn cá của Biển Đông hiện nay chỉ bằng 5% nguồn cá của năm 1990. Ông Bình cũng nhấn mạnh, với các quốc gia xung quanh khu vực thì đánh cá không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, xã hội, sinh tồn của hàng trăm triệu người, có liên hệ chặt chẽ với quyền lợi hợp pháp của các bên như Công ước LHQ về luật Biển 1982 đã đề cập.
Phân tích nguyên nhân của các hành vi đánh bắt trái phép, TS Shafiah Muhibat (Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) lấy ví dụ Indonesia, vốn có 95% chủ thể tham gia đánh bắt cá là ngư dân quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực để đánh bắt một cách hiệu quả và an toàn. Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Indonesia đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt có thời hạn 1 năm, các phương tiện không có giấy phép do chính phủ cấp thì không được đánh bắt. Qua giám sát 1.100 giấy phép cấp cho các tàu nước ngoài, chính phủ nước này phát hiện nhiều trường hợp giấy phép được sử dụng trái mục đích, biển báo, phương tiện đánh bắt không tuân thủ quy định. Tuy nhiên, chính sách hạn chế đánh bắt ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của nhiều ngư dân, nên bà Muhibat cho rằng cần có các giải pháp thay thế, như việc hỗ trợ người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
TS Vũ Thanh Ca, thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT), cho rằng giải quyết tranh chấp liên quan đến nguồn cá có nhiều điều khoản nhấn mạnh vào việc các quốc gia phải hợp tác, đặc biệt là ở cấp khu vực. LHQ hiện trông cậy rất nhiều vào các cơ chế khu vực để bảo vệ nguồn cá vốn đang suy giảm nghiêm trọng. Nếu các nước không hành động thì tình hình có thể tệ hại hơn, thậm chí mất trắng nguồn lợi ở Biển Đông, nên cần một cơ chế mới để cùng hợp tác bảo vệ. Theo TS Ca, các tổ chức đang hoạt động chỉ thực thi hiệu quả ở cấp độ gần bờ, chưa vươn ra xa bờ, nên cần cơ chế phủ rộng hơn, hỗ trợ các quốc gia hiện đang hoạt động độc lập có thể hỗ trợ nhau.
 
“Những thỏa ước phải được tuân thủ một cách nghiêm túc để có thể quản lý nguồn lợi cá ở Biển Đông. Mấu chốt không phải không có luật, không có công ước quốc tế, mà là việc thực thi không tốt”, TS Ca nhấn mạnh.
Đại úy Martin A.Sebastian, một chuyên gia đến từ Viện Biển Malaysia, cho rằng cần bổ sung vai trò của các cơ quan liên chính phủ để kết nối lực lượng chức năng của các quốc gia, cùng bảo vệ nguồn lợi này.
RELATED ARTICLES

Tin mới