Nếu Trung Quốc cố tình gây hấn ở Đông Á, Mỹ sẽ sẵn sàng chấp nhận thách thức chiến tranh để kiểm tra sức mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc lại không đủ khả năng để bắt chước Nhật Bản ở Đông Á như trước đây, do đó nguy cơ chiến tranh Mỹ-Trung tương đối thấp, National Interest nhận định.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ Carl Vinson đang tập trận chống ngầm cùng hải quân Nhật trên Biển Đông
Trung Quốc chẳng thể lộng hành
Trung Quốc phải đối mặt với rào cản ngăn chặn ở Đông Á. Tuy nhiên có một số khu vực Trung Quốc có thể dễ dàng đánh bại lực lượng đối lập khu vực và thiết lập sự kiểm soát trên biển và trên không.
Eo biển Đài Loan là một trong những khu vực như thế. Trung Quốc đã có 1.500 tên lửa chính xác nhắm thẳng vào Đài Loan và hơn 1.000 máy bay chiến đấu tiên tiến. Nếu Trung Quốc khiến Đài Loan bất ngờ với các khẩu đội tên lửa, máy bay và tài chiến tập hợp ở vùng biển mở. Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc tấn công tên lửa và không kích bất ngờ, dọn sạch các hệ thống phòng không tầm xa của Đài Loan, hạ gục lực lượng không quân Đài Loan và đánh chìm các tàu cỡ lớn của Đài Loan chỉ trong vài giờ.
Tuy nhiên theo tác giả Michael Beckley, Trung Quốc vẫn không thể chinh phục Đài Loan, kể cả khi không có sự can thiệp của Mỹ, vì Trung Quốc không đủ khả năng thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ hoặc thực hiện một cuộc phong tỏa lớn. Hơn nữa, Mỹ có rất nhiều lựa chọn để ngăn chặn Trung Quốc tấn công hay phong tỏa mà không cần phải đưa tàu chiến hay máy bay không tàng hình của Mỹ chạm trán với lực lượng chống tiếp cận của Trung Quốc hay tấn công vào đại lục. Do đó Đài Loan vẫn sẽ an toàn, nhưng vẫn cần đẩy mạnh đầu tư vào khả năng chống tiếp cận và quốc phòng nếu muốn được an toàn trong vài thập kỷ tới.
Khu vực dễ bị tổn thương thứ hai là phía đông bắc Biển Đông, nơi Philippine yêu sách chủ quyền. Philippine đã không xây dựng được lực lượng hải quân hùng mạnh, trong khi cả khu vực đều đã mua các vũ khí dẫn đường chính xác và các hệ thống tân tiến thì Philippine chỉ chi phần lớn ngân sách quân sự vào ổn định an ninh trong nước.
Rõ ràng, lãnh đạo nước này tin rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philippine nếu Trung Quốc tiến quân vào vùng đặc quyền kinh tế. Mỹ dĩ nhiên có đủ khả năng để tiêu diệt lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc ở gần Philippine trong trường hợp nổ ra chiến tranh mà không ảnh hưởng nhiều đến quân đội Mỹ, nhưng chẳng có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ hành động như vậy.
Mỹ thường chỉ đưa sức người và sức của ra khi lợi ích quan trọng của Mỹ bị ảnh hưởng. Cho dù Học thuyết Monroe phiên bản Trung Quốc ở Đông Á gây nguy hiểm tới lợi ích quan trọng của Mỹ nhưng hành động xâm phạm quyền đánh cá ở Philippine của Trung Quốc lại không ảnh hưởng đến lợi ích quan trọng của Mỹ. Do đó phía đông bắc Biển Đông vẫn dễ bị tổn thương trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể bành trướng một cách kín đáo thông qua “chiến lược bắp cải”, theo đó, nước này bao bọc các vùng biển tranh chấp bằng nhiều lớp gồm: cảnh sát biển, dân quân biển và các tàu đánh cá. Chiến thuật này đã cho phép Trung Quốc khẳng định sự hiện diện quân sự ở một số khu vực trên Biển Đông hết sức đáng quan ngại trong thời bình.
Tuy nhiên, chiến lược này vẫn không cho phép Trung Quốc kiểm soát các khu vực biển quan trọng ở Đông Á. Một phần lý do là vì lực lượng tàu cảnh sát biển của các nước láng giềng khá tương xứng với Trung Quốc. Cho dù hạm đội tàu của Trung Quốc vẫn lớn nhất ở Châu Á, nhưng phải trải rộng trên vùng biển gần 2 triệu km2 để bảo vệ cho các yêu sách bành ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế của nước này.
Trong khi đó, các nước láng giềng của Trung Quốc lại tập trung vào các hạm đội ở quanh những khu vực nước này tuyên bố chủ quyền hạn chế. Quan trọng hơn, các nước láng giềng của Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng sức mạnh để chống lại các tàu dân sự của Trung Quốc như đuổi bắt và đưa tin lên trang truyền hình quốc gia.
Những trở ngại trong công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc
Tác giả Michael Beckley cho rằng cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á sẽ vẫn ổn định trong nhiều năm, vì tình hình công nghệ quân sự hiện nay rất thuận lợi cho các nước phòng thủ. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, và các hoạt động an ninh trong nước cũng tiêu tốn nhiều nguồn lực quân sự của Trung Quốc.
Đầu tiên là về phòng thủ, ít nhất là ở vùng biển Đông Á, vì các loại vũ khí dẫn đường chính xác cho phép kể cả các nước tương đối yếu cũng có thể đánh chìm các tàu mặt nước và bắn hạ máy bay ở gần đại lục. Trước đó, các nước láng giềng của Trung Quốc chỉ có thể phải đối đầu với sự kiểm soát trên biển của Trung Quốc một cách đối xứng bằng cách đưa tàu chiến tới tấn công đội tàu của Trung Quốc, dù chắc chắn sẽ thua. Hiện nay, những nước này có thể đối phó với sức mạnh của Trung Quốc một cách bất đối xứng, đó là phóng vũ khí dẫn đường chính xác từ các hệ thống đơn giản và rẻ hơn 50 lần so với lực lượng triển khai sức mạnh của Trung Quốc mà họ có thể đe dọa tiêu diệt.
Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc, cỗ máy tạo động lực cho quá trình hiện đại hóa quân sự của nước này đang mất dần động lực. Kể từ năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm một nửa, nợ tăng gấp bốn lần và giờ đã vượt quá 300% GDP. Trên lý thuyết, Trung Quốc có thể kiếm tiền phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa quân sự bằng cách rút ruột các khoản chi tiêu xã hội.
Nhưng thực tế Trung Quốc không thể cắt giảm chi phí như vậy được vì nước này đang trải qua cơ khủng hoảng già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sự, với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động/ người về hưu từ 8/1 vào thời điểm hiện nay xuống 2/1 vào năm 2040. Theo đó, Trung Quốc sẽ phải đưa 10.000 tỷ USD đến 100.000 tỷ USD trong quỹ lương hưu. Ngoài các chi phí y tế, Trung Quốc còn phải duy trì mức độ chi tiêu quân sự hiện nay trong tương lai, chưa kể còn phải tăng thêm.
Thứ ba, chi phí an ninh trong nước tiêu tốn một lượng lớn nguồn lực quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc có chung đường biển với biên giới với 19 quốc gia, trong đó có 5 quốc gia đã từng có chiến tranh Trung Quốc trong thế kỷ trước. Các đường biên giới phía bắc và phía tây nước này là nơi cư ngụ của các nhóm thiểu số không lấy gì làm trung thành, và chính phủ lại đang hao tâm tổn sức vì bất ổn trong nước.
Để đối phó với những mối đe dọa này, quân đội Trung Quốc đã phải cắt cử hơn 1 triệu quân để bảo đảm an ninh trong nước và bảo vệ biên giới. Chi phí duy trì các đơn vị này tiêu tốn ít nhất 35% ngân sách quân sự của Trung quốc, do đó triển khai lực lượng mạnh mẽ ở bên ngoài khó nằm trong tầm với của PLA.
Chiến lược “chủ động bác bỏ” của Mỹ
Mỹ nên khai thác thế cân bằng quân sự hiện nay ở Đông Á bằng cách áp dụng chiến lược “chủ động bác bỏ” gồm hai nhân tố chính.
Thứ nhất, Mỹ nên củng cố năng lực của các nước láng giềng của Trung Quốc bằng cách cho vay, cung cấp vũ khí, đào tạo và chia sẻ thông tin tình báo. Mục tiêu là biến những người hàng xóm của Trung Quốc thành “những con nhím”, có khả năng bác bỏ yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp của Trung Quốc.
Mỹ hiện đang viện trợ cho một số đối tác ở châu Á, nhưng như vậy vẫn chưa đủ và chưa phù hợp. Ví dụ, Mỹ hỗ trợ khả năng đối phó với tình trạng khẩn cấp cho Philippine, nhưng lại không mặc cả để Mỹ triển khai sức mạnh, giúp đe dọa hải quân và không quân Trung Quốc, ví dụ như triển khai các khẩu đội tên lửa chống tàu và chống máy bay. Một ví dụ khác là dưới thời Obama, Mỹ đã bán cho Đài Loan một số tàu và tên lửa chống tăng, chống máy bay. Nhưng chẳng loại vũ khí nào kể trên có thể giúp củng cố năng lực trinh sát, khả năng tấn công tầm xa hay tấn công dưới nước và trên không của Đài Loan.
Đến thời Donald Trump, thỏa thuận mua bán vũ khí với Đài Loan gồm một số radar nâng cấp, các tên lửa phóng không và ngư lôi, nhưng lại không giúp Đài Loan đưa ra sáng kiến xây dựng đội tàu ngầm. Tóm lại, Mỹ đủ khả năng để hành động nhiều hơn nhằm biến Chuỗi đảo thứ nhất (trải dài từ Nhật Bản tới Indonesia) thành hàng rào ngăn chặn đáng gờm.
Thứ hai, nếu có chiến tranh, Mỹ nên ngừng cân bằng sức mạnh trong khu vực nhưng phải dần dần. Trong các cuộc xung đột nhỏ, Mỹ nên cố gắng thuyết phục Trung Quốc rút lui bằng hình thức cưỡng chế phi quân sự, bao gồm các trừng phạt kinh tế, cấm vận hay các hoạt động không gian mạng. Nếu xung đột leo thang thành chiến tranh, Mỹ có thể đứng đằng sau, hỗ trợ hậu cần, chia sẻ thông tin tình báo cho các nước trong khu vực, và nếu cần thiết thì có thể tấn công tên lửa hoặc không kích vào quân đội Trung Quốc trên chiến trường, thay vì tấn công vào quân đội Trung Quốc trong đại lục.
Những cuộc tấn công này có thể được thực hiện từ tàu ngầm, máy bay tàng hình, hoặc các khẩu đội tên lửa di động trên đảo, dọc theo Chuỗi đảo thứ nhất. Những vũ khí này ít bị tổn thương trước lực lượng chống tiếp cận của Trung Quốc hơn là tàu mặt nước và máy bay không tàng hình. Nếu Mỹ muốn Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn thì phải mở rộng các mặt trận về mặt địa lý (ví dụ như phong tỏa eo biển Malacca), thay vì đưa thêm lính Mỹ vào chiến trường chính.
Chiến lược này rõ ràng gạt tính hiệu quả quân sự sang một bên vì mục đích củng cố sự ổn định trong lúc khủng hoảng. Quân đội Mỹ hoàn toàn có thể đạt được lợi ích lớn hơn nếu chỉ đơn giản là tấn công vào các căn cứ trên đại lục của Trung Quốc ngay từ khi nổ ra xung đột. Tư thế tấn công dù không tốn kém nhưng lại có nguy cơ đẩy các cuộc xung đột nhỏ thành chiến tranh. Trung Quốc có thể sẽ tuyệt vọng mà tấn công trước, trước khi Mỹ ra tay dọn sạch toàn bộ lực lượng của Trung Quốc.
Cuối cùng, tác giả Michael Beckley kết luận rằng nếu Trung Quốc cố tình lấn lướt ở Đông Á, Mỹ sẽ sẵn sàng chấp nhận thách thức chiến tranh để kiểm tra khả năng sức mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc lại không đủ khả năng để bắt chước Nhật ở Đông Á như trước đây, do đó nguy cơ chiến tranh Mỹ-Trung tương đối thấp. Thay vì tham chiến với Trung Quốc trong một cuộc chiến lớn, Mỹ nên lựa chọn các chiến trường một cách cẩn thận, leo thang từ từ và để chờ cơ hội tốt nhất.