Quốc hội Trung Quốc đã đưa cố vấn kinh tế quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình lên một trong những vị trí hàng đầu chính phủ ngày 19-3 giữa lúc Bắc Kinh đang thẳng tay với các hoạt động tài chính rủi ro và vay nợ.
Các tân phó thủ tướng (từ trái sang phải) Hồ Xuân Hoa, Hàn Chính, Tôn Xuân Lan và Lưu Hạc Ảnh: REUTERS
Việc ông Lưu Hạc được bầu làm phó thủ tướng Trung Quốc cũng diễn ra giữa lúc Mỹ đang thúc ép Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại khoảng 100 tỉ USD. Vị cố vấn kinh tế 66 tuổi này từng tốt nghiệp Trường ĐH Harvard (Mỹ) vừa tới thăm Washington trong nỗ lực ngăn chặn chiến tranh thương mại bùng phát giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ông Lưu hiện là chủ nhiệm Tổ lãnh đạo Tài chính – Kinh tế trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC) – cơ quan hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế tại đất nước đông dân nhất thế giới. Ngoài ông Lưu, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua 3 đề cử phó thủ tướng khác, gồm ông Hàn Chính, bà Tôn Xuân Lan và ông Hồ Xuân Hoa.
Trong khi phần lớn thay đổi nhân sự trong đội ngũ kinh tế không nằm ngoài dự đoán, việc Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương được bầu làm Thống đốc thay ông Chu Tiểu Xuyên có phần bất ngờ. Lý do là ông Dịch chỉ mới là ủy viên dự khuyết trung ương đảng.
Nhận định về sự thăng tiến của ông Dịch, chuyên gia Tommy Xie tại Ngân hàng OCBC Singapore nói với Reuters: “Ý nghĩa của việc này là chúng ta sẽ thấy sự tiếp nối về chính sách (tiền tệ), ông Dịch sẽ hỗ trợ ông Lưu Hạc lèo lái cải cách kinh tế. Cả hai đều là những nhân vật then chốt của công cuộc cải cách tại Trung Quốc những năm qua”.
Giới quan sát cũng không khỏi bất ngờ khi vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia được trao cho ông Dương Hiểu Độ – Bộ trưởng Bộ Giám sát Trung Quốc kiêm Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng (CCDI). Các dự đoán trước đó cho rằng đây sẽ là chỗ của ông Triệu Lạc Tế, cấp trên của ông Dương ở CCDI. Ông Dương từng là trợ lý của ông Tập khi nhà lãnh đạo này giữ vị trí Bí thư Thành ủy Thượng Hải một thập kỷ trước.
Cũng theo danh sách bổ nhiệm thành viên chính phủ được Quốc hội Trung Quốc thông qua ngày 19-3, ông Vương Nghị tiếp tục làm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời được bổ nhiệm chức Ủy viên Quốc vụ viện. Điều này đồng nghĩa chính trị gia 64 tuổi giữ cùng lúc 2 chức vụ ngoại giao hàng đầu.
Theo báo South China Morning Post, Trung Quốc đang cải tổ cơ cấu ngoại giao để nâng cao vị thế cũng như đối phó nhiều áp lực quốc tế, trong đó có chỉ trích liên quan đến hoạt động xây dựng phi pháp ở biển Đông.
Một nhân vật đáng chú ý khác là tướng Ngụy Phượng Hòa, cựu Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược, được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Hồi đầu tháng này, Bắc Kinh đã thông báo tăng 8,1% đối với chi tiêu quốc phòng năm 2018.